Hai nhà thiên văn học GS Adam Frank từ Đại học Rochester (Mỹ) và GS Woodruff Sullivan từ Đại học Washington (Mỹ) đã công bố một bài viết trên số ra tháng 5 của tạp chí Sinh học Vũ trụ (Astrobiology), trong đó họ nêu ra câu hỏi: “Trong lịch sử phát triển của vũ trụ, việc xuất hiện của một giống nòi sở hữu trình độ công nghệ cao, bất kể có đời sống ngắn hay dài, là thường xuyên đến đâu?”
GS Frank đã tóm tắt kết luận của họ trong mục ý kiến bình luận (op-ed) trên tờ New York Times, số ra ngày 10/6: “Tuy chúng tôi không biết rõ liệu có nền văn minh tiên tiến ngoài Trái đất nào hiện đang tồn tại trong hệ Ngân hà của chúng ta hay không, nhưng chúng tôi đã có đủ thông tin để đi đến kết luận rằng chúng chắc chắn đã từng tồn tại vào một thời điểm nào đó trong lịch sử vũ trụ”.
Hai nhà thiên văn học đã đi đến kết luận này bằng cách cải biến phương trình Drake nổi tiếng từ một góc độ khác, đồng thời bổ sung thêm những thông tin cập nhật. Phương trình này đã được nhà thiên văn học GS Frank Drake đề xuất vào năm 1961 để tính toán xác suất con người có thể liên lạc với sự sống ngoài hành tinh.
Chúng tôi hiện đã có đủ thông tin để đi đến kết luận rằng chúng chắc chắn đã từng tồn tại vào một thời điểm nào đó trong lịch sử của vũ trụ.
— GS Adam Frank, nhà thiên văn học, Đại học Rochester
Nhà thiên văn học Frank Drake đã theo học ngành điện tín thiên văn tại Đại học Harvard và từng đảm nhiệm nhiều vị trí trong ngành, bao gồm tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (Jet Propulsion Laboratory) của NASA. Ông đã đưa vào phương trình của mình nhiều thừa số như: tỷ lệ hình thành các ngôi sao thích hợp cho sự phát triển của sự sống có trí thông minh, và số lượng các hành tinh trong mỗi hệ Mặt Trời sở hữu một môi trường thích hợp cho sự sống.
Phương trình Drake như sau: N=R* x fp x ne x fl x fi x fc x L
N (Number) = Số lượng các nền văn minh trong hệ Ngân hà có khả năng phát sóng điện từ mà con người bắt được
R* = Tỷ lệ hình thành các ngôi sao phù hợp cho sự phát triển của sinh vật có trí thông minh
fp = Tỷ lệ những ngôi sao đó với các hệ hành tinh (hệ mặt trời)
ne = Số lượng các hành tinh, trong mỗi hệ mặt trời, có môi trường thích hợp cho sự sống
fl = Xác suất các hành tinh có môi trường phù hợp để sự sống có thể thật sự xuất hiện
fi = Xác suất các hành tinh chứa sự sống có thể xuất hiện sinh vật thông minh..
fc = Xác suất các nền văn minh có thể phát triển công nghệ, cho phép phát các tín hiệu tồn tại của họ vào không gian
L = Chiều dài thời gian mà những nền văn minh như vậy có thể phát các tín hiệu vào không gian.
Những cải tiến trong công nghệ quan sát thiên văn đã mở rộng rất nhiều vốn kiến thức của chúng ta về những ngoại hành tinh (hành tinh ngoài hệ Mặt Trời). Tháng 4 vừa qua, đội tàu vũ trụ Kepler tuyên bố đã phát hiện được 1.284 hành tinh mới bên ngoài hệ Mặt trời của chúng ta.
GS Adam Frank đã viết trong mục ý kiên-bình luận của ông rằng: “Ba trong số bảy thừa số trong phương trình Drake hiện đã được biết rõ. Chúng ta biết số lượng các ngôi sao được sinh ra mỗi năm. Chúng ta cũng biết tỷ lệ các ngôi sao có các hành tinh quay xung quanh để tạo thành một hệ hành tinh là khoảng gần 100%; và cũng biết rằng 20-25% những hành tinh này đang nằm tại một vị trí thích hợp để hình thành sự sống. Điều này đã lần đầu tiên đặt chúng ta vào vị trí có thể nói điều gì đó rõ ràng về sự tồn tại của những nền văn minh ngoài Trái Đất”.
Bằng việc cân nhắc khả năng một nền văn minh ngoài hành tinh đã từng tồn tại trong quá khứ, thay vì ở thời điểm hiện tại, hai nhà khoa học Frank và Sullivan cũng đã bỏ qua các giới hạn thời gian được đưa vào các thừa số của phương trình Drake.
“Điều này đã để lại cho chúng ta chỉ duy nhất 3 nhân tố chưa được xác định, và chúng tôi đã tổng hợp chúng lại thành một xác suất ‘kỹ thuật sinh học’: khả năng hình thành sự sống; sự sống có trí thông minh; và trình độ công nghệ kỹ thuật tiềm năng”, GS Frank viết. Ông đi đến kết luận rằng: “Khả năng chúng ta không phải là nền văn minh đầu tiên sở hữu trình độ công nghệ kỹ thuật thật ra là khá cao. Cụ thể hơn, trừ phi xác suất hình thành một nền văn minh trên một hành tinh phù hợp cho sự sống là nhỏ hơn 1 phần 10 tỷ tỷ (1/10^19), thì chúng ta không phải là nền văn minh đầu tiên”.
Năm 2013, hai nhà toán học tại Đại học Edinburgh ở Anh, GS Arwen Nicholson và GS Duncan Forgan, đã đưa ra một tuyên bố tương tự về khả năng các nền văn minh ngoài hành tinh từng gửi các tàu thăm dò đến Trái Đất.
Hai vị giáo sư đã cân nhắc đến những yếu tố như vận tốc các tàu thăm dò có thể đạt được bằng cách khai thác năng lượng từ chuyển động của một ngôi sao và cách thức công nghệ tự nhân bản có thể tác động đến khoảng thời gian thăm dò.
Trong một bản tóm tắt nghiên cứu của họ, được đăng trên Tạp chí Sinh học Vũ trụ Quốc tế, họ đã viết: “Chúng tôi đi đến kết luận rằng một đội tàu thăm dò tự nhân bản sẽ thật sự có thể khám phá thiên hà trong một khoảng thời gian đủ ngắn để chứng thực sự đúng đắn của Nghịch lý Fermi”.
Nghịch lý Fermi được đặt theo tên của nhà vật lý Enrico Fermi, và nó ám chỉ khả năng rất cao tồn tại các nền văn mình ngoài hành tinh, nhưng lại thiếu hụt các bằng chứng trên thực tế về sự tồn tại của họ. Vậy nên khi GS Nicholson và GS Forgan nói rằng các tính toán của họ “chứng thực sự đúng đắn của Nghịch lý Fermi”, họ muốn ám chỉ rằng họ đã xác thực được khả năng tồn tại của các nền văn minh ngoài hành tinh là rất cao.
Họ đã được truyền cảm hứng từ những tiến triển của cuộc thăm dò của tàu vũ trụ NASA Voyager 1, vốn sẽ gặp gỡ một ngôi sao tên AC+79 3888 sau 40.000 năm nữa. Họ tự hỏi rằng liệu có khả năng một nền văn minh ngoài hành tinh đã gửi một tàu thăm dò đến chỗ chúng ta vào 40.000 năm trước thông qua các phương pháp tương tự, được lên kế hoạch tiếp cận chúng ta trong nay mai.
Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc tại đây.
Thạch Khánh biên dịch
Xem thêm :