Trên thế giới đã ghi nhận trường hợp những người bị tâm thần phân liệt, bệnh Alzheimer, và các bệnh lý gây tổn thương trầm trọng chức năng thần kinh khác, lại đột nhiên có thể khôi phục trí nhớ và sự minh mẫn không lâu trước khi qua đời. Tâm trí họ dường như trở lại nguyên vẹn, tư duy họ trở nên mạch lạc không ngắt quãng, ngay cả khi bộ não đã thoái hóa suy kiệt đến mức độ cùng cực.
Những bệnh nhân không thể nhớ nổi tên mình trong nhiều năm lại đột nhiên nhận ra các thành viên gia đình và trò chuyện bình thường với họ về quá khứ, hiện tại, và tương lai. Không ai biết tại sao điều này có thể.
Lấy ví dụ, trong một bài viết trên Tạp chí Time, bác sĩ Scott Haig kể về một bệnh nhân trẻ tên David bị mắc chứng u não. Trước khi mất vài tuần, David đã không thể nói chuyện và cử động. Kết quả chụp quét hộp sọ cho thấy “không còn bất kỳ tế bào não nào còn sót lại”, TS Haig giải thích. Nhưng vào đêm anh mất, anh đột nhiên trở nên hoàn toàn tỉnh táo trong khoảng 5 phút, nói lời chào từ biệt gia đình.
“Không phải bộ não của David đã chỉ huy anh ta thức dậy nói lời chào từ biệt”, TS Haig nói. “Bộ não anh đã hoàn toàn bị hủy hoại. Tế bào ung thư di căn không chỉ xâm lấn không gian và chèn ép các cơ quan nội tạng, để lại một bộ não nguyên vẹn [bị ép nén]. Các tế bào di căn này thực ra còn thay thế các tế bào gốc. … Bộ não không còn ở đó nữa.
“Điều đánh thức bệnh nhân của tôi … chỉ đơn giản là tâm trí anh ta, gắng gượng luồn lách qua một bộ não đã bị vỡ vụn, cử chỉ cuối cùng của người cha nhằm xoa dịu [nỗi đau] của gia đình”.
Đây gọi là hiện tượng minh mẫn cuối đời (terminal lucidity). Đối với TS Haig, cách giải thích hiển nhiên là tâm trí tồn tại độc lập với não bộ. Còn những người khác thì tìm kiếm các lý do sinh lý tiềm năng cho hiện tượng này.
Những bệnh nhân không thể nhớ nổi tên mình trong nhiều năm lại đột nhiên nhận ra các thành viên gia đình và trò chuyện bình thường với họ
Một cơ chế đơn lẻ là không đủ để giải thích cho các trạng thái sinh lý biến đổi của những người xuất hiện hiện tượng minh mẫn cuối đời. Đây là kết luận của các nhà nghiên cứu từ Đại học Virginia và Đại học Iceland, trong bài viết “Hiện tượng minh mẫn cuối đời: Một bản xem xét và sưu tầm các trường hợp”, trong Kho lưu trữ Lão khoa vào năm 2012.
“Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng chưa thể đưa ra các cơ chế rõ ràng cho hiện tượng minh mẫn cuối đời”, theo các nhà nghiên cứu TS Michael Nahm, TS Bruce Greyson, TS Emily Williams Kelly—tất cả từ Đại học Virginia—và TS Erlendur Haraldsson từ Đại học Iceland. “Thật vậy, hiện tượng minh mẫn cuối đời trong các trường hợp hỗn loạn tâm thần khác nhau có thể là do các cơ chế khác nhau, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Lấy ví dụ, hội chứng suy mòn [sụt cân kèm tiêu chảy kéo dài] ở người bệnh kinh niên có thể gây nên tình trạng teo não, giảm áp lực do các tổn thương nội sọ xâm lấn [ví như khối u phình to xâm lấn diện tích] và cho phép khôi phục tạm thời một số chức năng não bộ”.
Một số bệnh nhân bị rút máy thở có thể xuất hiện một đợt sóng điện não ngắn ngủi không thể lý giải.
— TS Michael Nahm và những người khác
Họ cũng lưu ý rằng, “Một số bệnh nhân bị rút máy thở có thể xuất hiện một đợt sóng điện não ngắn ngủi không thể lý giải khi huyết áp bị mất ngay trước lúc qua đời. Tuy rằng những bệnh nhân này không cho thấy bất kỳ bằng chứng tồn tại của khả năng nhận thức lâm sàng nào, nhưng phát hiện này đã cho thấy các hoạt động và trạng thái thần kinh vào giai đoạn cuối cùng của người bệnh có thể phức tạp hơn chúng ta nghĩ”.
Ngay cả nếu một số bộ phận trong não bộ được tái kích hoạt thông qua việc giải phóng áp lực nội sọ hay sốc điện não, thật khó có thể tưởng tượng làm thế nào một bộ não bị tổn thương nghiêm trọng đến vậy (hay gần như không tồn tại, như trong trường hợp của bệnh nhân David kể trên) lại cho phép người chủ sở hữu hồi tưởng ký ức mạch lạc và giao tiếp bình thường. Trong một số trường hợp, dường như toàn bộ tâm trí đã trở lại nguyên vẹn, không bị đứt quãng. Làm thế nào một bộ não bị thương tổn lại cho thấy một tâm trí nguyên vẹn, một tư duy mạch lạc đến vậy trong các trường hợp minh mẫn cuối đời; Đại Kỷ Nguyên đã đặt câu hỏi này cho một số nhà nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu Nhận thức thuộc Đại học Virginia, bao gồm cả đồng tác giả nghiên cứu TS Greyson. Đây là một câu hỏi hay, họ nói, nhưng họ không biết câu trả lời.
Hiện tượng minh mẫn cuối đời khá phổ biến trong y học thế kỷ 19, nhưng nó gần như vắng bóng trong tài liệu y học thế kỷ 20, theo các tác giả nghiên cứu. Họ đã xem xét 83 trường hợp được miêu tả trong vòng 250 năm qua. Nghiên cứu được tiến hành để tăng cường vốn hiểu biết về mối liên hệ giữa tâm trí-não bộ.
Không chỉ vậy, kiến thức về hiện tượng này cũng giúp ích khi phát triển phương pháp điều trị.
Lấy ví dụ, bác sĩ người Áo Julius Wagner-Jauregg (1857–1940) nhận thấy các triệu chứng rối loạn thần kinh đôi lúc sẽ giảm thiểu khi người bệnh sốt cao. Từ đó ông đã phát triển liệu pháp điều trị chứng mất trí phân liệt (dementia paralytica) bằng việc gây sốt nhân tạo, mang lại cho ông giải Nobel Y học vào năm 1927.
Alexander Batthyany, một giáo sư tại khoa khoa học nhận thức tại trường Đại học Viên (Áo), đã bắt tay nghiên cứu hiện tượng này trong những năm gần đây. Ông đã trình bày kết quả nghiên cứu gần đây của mình tại Hội Thảo năm 2014 của Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Cận tử (International Association for Near-Death Studies-IANDS).
Khoảng 10% số bệnh nhân này đã đột ngột khôi phục trạng thái minh mẫn trong khoảng thời gian ngắn trước lúc qua đời.
Ông đã khảo sát 800 điều dưỡng viên, nhưng chỉ có 32 người phản hồi. 32 điều dưỡng viên này đã chăm sóc cho tổng cộng 227 bệnh nhân bị chứng Alzheimer hay chứng mất trí. Họ cho biết, có khoảng 10% bệnh nhân từng đột ngột khôi phục trạng thái minh mẫn trong khoảng thời gian ngắn trước lúc qua đời. Tuy nhiên, những điều dưỡng viên này đã được tự mình chọn lựa tham gia nhóm khảo sát (có thể dẫn đến kết quả sai lệch do tính chủ quan), TS Batthyany lưu ý. Tỷ lệ phản hồi thấp chứng tỏ hiện tượng minh mẫn cuối đời là hiếm gặp, và ông chủ yếu nhận được phản hồi từ những điều dưỡng viên từng chứng kiến hiện tượng này ở các bệnh nhân hấp hối. Dù sao, việc chứng kiến các trường hợp “minh mẫn cuối đời” đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến một số họ.
Xem thêm:
Một điều dưỡng viên thổ lộ: “Trước khi chứng kiến việc này, tôi thường tỏ ra coi thường những bệnh nhân thực vật mà tôi chăm sóc. Nhưng bây giờ, tôi hiểu rằng tôi đang chăm sóc cho những người có linh hồn bất tử. Nếu bạn có thể chứng kiến điều tôi đã thấy, bạn sẽ hiểu rằng chứng mất trí có thể ảnh hưởng đến linh hồn người ta, nhưng không thể hủy hoại được nó”.
Nếu bạn có thể chứng kiến điều tôi đã thấy, bạn sẽ hiểu rằng chứng mất trí có thể ảnh hưởng đến linh hồn người ta, nhưng không thể hủy hoại được nó.
Sau đây là một vài trường hợp được thu thập bởi TS Batthyany cùng các nhà nghiên cứu từ Đại học Virginia.
Các trường hợp minh mẫn cuối đời
“Một bà lão mắc chứng mất trí, gần như bị câm, không thể nhận ra ai, và không thể biểu lộ cảm xúc. Một ngày nọ, bất chợt bà gọi cho con gái và cảm ơn cô vì tất cả … [bà] đã gọi điện cho các cháu, để chia sẻ lòng tử tế và sự ấm áp, rồi nói lời tạm biệt. Bà qua đời không lâu sau đó”, trích bài thuyết trình của TS Batthyany tại Hội thảo IANDS.
Trong một tài liệu y học, TS Nahm và đồng nghiệp đã kể lại một trường hợp từ năm 1840:
“Một phụ nữ 30 tuổi bị chẩn đoán mắc chứng ‘lang thang u sầu’ (melancholia errabunda) đã được đưa vào viện tâm thần. Không lâu sau đó, cô trở nên vui buồn thất thường. Trong 4 năm, cô hoàn toàn sống trong trạng thái tâm lý lộn xộn, rời rạc. Sau đó cô bị sốt, nhưng cương quyết từ chối dùng thuốc. … Sức khỏe cô nhanh chóng xấu đi. Nhưng cơ thể cô càng yếu, thì thần trí cô lại càng tỉnh táo. Hai ngày trước khi mất, cô trở nên hoàn toàn tỉnh táo. Cô nói chuyện với sự tỉnh táo và một vốn hiểu biết vượt quá trình độ học vấn của cô. Cô hỏi thăm cuộc sống của người thân, và trong dòng nước mắt tuôn rơi cô hối hận vì đã ngoan cố không chịu dùng thuốc. Cô qua đời không lâu sau đó”.
Nhưng cơ thể cô càng yếu, thì thần trí cô lại càng tỉnh táo.
TS Nahm cũng đã kể lại một trường hợp khác được ghi chép bởi bác sĩ A. Marshall trong cuốn sách năm 1815 có tựa đề “Giải phẫu bệnh học bộ não trong chứng phấn khích và chứng sợ nước (The Morbid Anatomy of the Brain in Mania and Hydrophobia)”: “Bác sĩ Marshall (1815) trình bày trường hợp một bệnh nhân bị điên và cực kỳ hung hăng mắc chứng mất trí nhớ đến độ không thể nhớ được tên mình. Sau 10 năm trong viện tâm thần, ông đổ bệnh nghiêm trọng và trở nên trầm tĩnh hơn. Vào ngày trước khi mất, ông đột nhiên trở nên lý trí và yêu cầu được gặp một vị linh mục. Ông dường như chăm chú lắng nghe vị linh mục và bày tỏ nguyện vọng được Chúa rủ lòng thương. Tuy rằng bác sĩ Marshall không miêu tả chi tiết trạng thái tinh thần của người bệnh, nhưng báo cáo của ông gợi ý người đàn ông kia đã tiếp cận trở lại ký ức cuộc đời mình”.
Tác giả Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: