Như độc giả đã thấy, hiện tượng siêu tự nhiên cung cấp cho chúng ta những bằng chứng về sự bất toàn của khoa học. Nói cách khác, Kurt Gödel hoàn toàn đúng khi nói rằng chủ nghĩa duy vật là sai lầm. Câu chuyện sau đây về sự sống sót kỳ diệu của bé Lily một lần nữa xác nhận con người không đơn giản là một sự kết hợp của vật chất, mà là linh hồn hoặc thông tin vẫn tiếp tục tồn tại sau khi chết…
Đó là câu chuyện về một bé gái 18 tháng tuổi, sống sót sau một tai nạn cực kỳ hiểm nghèo, trong đó có những yếu tố tâm linh đã cứu sống em. Sự kiện này có thật 100%, xảy ra gần đây ở Mỹ, được nhiều tờ báo nghiêm túc ở Mỹ và Úc loan tải. Sau đây là câu chuyện kỳ diệu của bé Lily Groesbeck, và phần bình luận kèm theo ở dưới.
Phép màu cho bé Lily
Buổi tối thứ 6 tuần qua, bà mẹ trẻ Lynn Jennifer Groesbeck 25 tuổi, lái xe trên đường lộ dọc theo bờ sông Spanish Fork River bang Utah, Mỹ, chở con gái Lily 18 tháng tuổi ngồi băng sau trong chiếc ghế an toàn. Chẳng may cô bị lạc tay lái, đụng vào thành cầu làm chiếc xe bị lộn ngược và đâm xuống sông. Chiếc xe chìm xuống, nước sông lạnh như đá ngập kín chiếc xe, chỉ còn 2 bánh sau ló lên trời, lại bị che khuất sau đám lau sậy nên từ đường lộ không ai nhìn thấy .
Mãi đến sáng hôm sau, 1 người dân địa phương ra sông câu cá mới phát hiện, ông lội lại gần xem nhưng không thể làm gì được nên vội gọi cứu hộ đến.
Khi 4 nhân viên cứu hộ đầu tiên đến hiện trường thì đã sau 12 tiếng kể từ khi chiếc xe bị nạn. Nhìn tình hình xe ngập sâu dưới nước với độ lạnh cắt da, họ đoán là không còn ai sống sót nổi nên định quay đi lên để gọi xe cần cẩu đến câu xe, thì đột nhiên họ nghe tiếng phụ nữ kêu cứu vọng ra từ trong chiếc xe: “Cứu tôi với!“.
Cả 4 nhân viên cứu hộ đều nghe rõ ràng, họ sửng sốt nhìn nhau rồi lật đật quay lại, liều ngâm mình dưới nước lạnh để đập kính xe cứu người bên trong.
(Nước lạnh đến nỗi sau đó cả 4 người phải nhập viện chữa trị vì bị hạ thân nhiệt quá thấp).
Khi họ đập được kính xe thì kỳ diệu thay, tuy bà mẹ Lynn Groesbeck đã chết, nhưng bé gái Lily, bị đeo dính trong ghế an toàn vẫn còn sống, mặc dù bị treo ngược đầu, bị hôn mê bất tỉnh và đã phải chịu cái lạnh gần 0 độ suốt 14 tiếng đồng hồ. Một điều kỳ diệu nữa là mặc dù toàn bộ chiếc xe ngập trong nước, và nước tràn theo khe cửa kính vào bên trong, nhưng chỉ vừa ngập sát đến đầu bé Lily là ngừng lại.
Bé Lily được cứu và sau khi nằm viện vài ngày, đã trở về nhà và nay được dì của bé nuôi nấng. Người dì cho biết bé hoàn toàn khỏe mạnh, không bị di chứng gì cả.
Còn 4 người cứu hộ vẫn thắc mắc không nguôi vì những điều chính mắt họ thấy, chính tai họ nghe nhưng không thể lý giải. Theo lý bình thường thì nước ngập vào 1 chiếc xe lật ngược như vậy không thể chỉ ngập 1/2 rồi ngừng, 1 em bé chưa đầy 2 tuổi không thể bị treo ngược trong cái lạnh cắt da suốt 12 tiếng đồng hồ mà vẫn còn sống, và nhất là họ không thể giải thích tiếng người phụ nữ kêu cứu vọng ra từ trong xe mà cả 4 người đều nghe rõ mồn một !
Phải chăng vong linh người mẹ, thương con nên tuy đã lìa trần vẫn không đi, ở lại để bảo vệ cho đứa con thân yêu , và để kêu cứu cho con mình? Tình mẫu tử thiêng liêng, có thể nào vượt qua cả ranh giới của sự sống và cái chết?
Bình luận của tác giả
Đối với những người đã từng có những trải nghiệm tâm linh thì câu chuyện nói trên vô cùng dễ hiểu và hoàn toàn đáng tin cậy, rằng tiếng kêu cứu mà các nhân viên cứu hộ nghe thấy chính là tiếng kêu của người mẹ. Còn những người vô thần, vốn không tin vào sự tồn tại của thế giới tâm linh, thường đem cái mớ kiến thức vật lý cỏn con mà họ học được ở nhà trường ra để giải thích, để rồi thấy rằng cái mớ khoa học ấy hoàn toàn vô dụng trong những sự kiện như sự kiện bé Lily nói trên. Những người này thường tự cho mình là có đầu óc khoa học, nhưng thực ra chỉ là “nhà khoa học nửa mùa”. Những người có trực giác nhạy bén có thể nhanh chóng phân biệt các hiện tượng mê tín dị đoan với hiện tượng siêu tự nhiên.
Còn ai có cái đầu khoa học logic sắc bén bằng Kurt Gödel, tác giả của Định lý Bất toàn nổi tiếng? Nhưng không ai quả quyết bằng Gödel khi phủ định chủ nghĩa duy vật một cách dứt khoát bằng tuyên bô “Chủ nghĩa Duy vật là sai lầm”.
Xem thêm:
- Định lý Bất toàn của Godel: Giới hạn trí tuệ của mọi thiên tài
- Nhà toán học lớn nhất thế kỷ 20: “Chủ nghĩa Duy vật là Sai lầm”
Như những gì tôi đã đề cập trong loạt bài viết về “Những hiện tượng Siêu Tự nhiên” trên PVHg’s Home, với những sự kiện tiêu biểu như trường hợp chữa bệnh của cụ Nguyễn Đức Cần, phép lạ khổ hình của nữ thánh Therese Neumann… không còn gì để những người thông minh phải nghi ngờ về sự hiện hữu của những thế giới khác với thế giới của chúng ta, như Gödel từng khẳng định theo niềm tin của ông, và tôi cũng từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài viết về triết học khoa học cũng như triết học về con người.
Xem thêm:
Điều thú vị của những chuyện tâm linh chính là ở chỗ nó bỏ ngỏ câu trả lời cho chúng ta tìm hiểu. Nó kích thích chúng ta suy ngẫm về những câu hỏi thuộc bản thể luận – bản chất thật sự của sự sống là gì? Ý nghĩa của đời người là gì?
Nếu khoa học chẳng may đã kích thích thói ngông cuồng tự phụ của con người bao nhiêu thì may mắn thay các hiện tượng tâm linh lại kích thích tình thần cầu thị khiêm tốn học hỏi bấy nhiêu. Người nào thấy mình dốt để khiêm tốn học hỏi, ấy là người thông minh; ngược lại, người nào tự mãn, kiêu căng, hiếu thắng, tưởng mình có thể giải được mọi bài toán, ấy là người dốt. Cha đẻ của Định lý Bất toàn khuyên chúng ta: “Giải thích được mọi điều là bất khả”.
Trước sự kiện bé Lily, tôi nghĩ rằng nên thừa nhận những tiên đề sau đây, để chuẩn bị cho những kiến thức về những thế giới mà khoa học chưa biết hoặc không bao giờ biết:
- Tồn tại những thế giới khác với thế giới của chúng ta.
- Bản chất con người không phải là xác thịt. Vì thế chết không phải là hết. Chết chỉ là sự phân hủy của thể xác vật chất. Cát bụi trở về với cát bụ, còn linh hồn vẫn tiếp tục tồn tại. Mẹ của bé Lily vẫn tồn tại, và đã lên tiếng cầu cứu.
- Khoa học là những nguyên lý của thế giới thuần túy vật chất, vì thế khoa học không thể giải thích được mối liên hệ giữa thế giới của chúng ta với những thế giới khác. Con đường tiếp cận với thế giới khác là những con đường siêu tự nhiên, siêu khoa học. Một số người đặc biệt, với những sứ mạng đặc biệt, có thể chứng ngộ được con đường đó, chẳng hạn như cụ Nguyễn Đức Cần, nữ thánh Therese Neumann, nhà khoa học trứ danh Nicola Tesla, nhà tiên tri lỗi lạc Nostra Damus,… Có thể các bí mật bí truyền của Công giáo, Phật giáo, Ấn giáo,… có thể tiếp cận tới những thế giới ấy gần hơn rất nhiều so với khoa học.
- Lý thuyết Thông tin có thể khép lại giới hạn của khoa học vật chất và mở ra con đường sáng lạn cho khoa học tâm linh. Linh hồn có thể là một dạng thông tin, và lý thuyết thông tin có thể sẽ giải thích được những bí mật về tác động của thế giới phi vật chất đối với thế giới vật chất. Linh hồn của mẹ bé Lily có thể là một dạng thông tin được một sức mạnh siêu nhiên nào đó truyền qua não của những nhân viên cứu hộ.
Việc tìm hiểu thế giới siêu tự nhiên một cách nghiêm túc, không mê tín, sẽ có ý nghĩa tích cực đối với thế giới của con người, vì nó dạy cho con người biết rằng chủ nghĩa vô thần là sai lầm, rằng cuộc sống thể xác hiện tại chỉ là tạm thời, còn có những cuộc sống khác đang chờ đợi chúng ta ─ thế giới khác ấy có thể thanh cao hơn và hạnh phúc hơn thế giới hiện tại của chúng ta, hoặc có thể ô trọc hơn và ghê sợ hơn, tùy theo thái độ sống của chúng ta hôm nay.
Khi tôi viết đến đây thì nhận được một tin buồn: Giáo sư NGUYỄN PHÚC GIÁC HẢI, đồng tác giả cuốn “Nguyễn Đức Cần, Nhà Văn hóa Tâm linh”, vừa mất cách đây vài phút đồng hồ. Lòng tối thắt lại, thương tiếc một con người tràn đầy nhiệt huyết, một tiếng nói trung thực của khoa học tâm linh, đã ra đi. Nhưng tôi sực tỉnh, không, anh ấy không chết. Anh ấy vẫn sống, chỉ có thể xác anh ấy ra đi thôi. Cầu Chúa cho linh hồn anh ấy được siêu thoát!
Gs.Ts Phạm Việt Hưng
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Miracle for Lily / Phép mầu cho bé Lily
Xem thêm: