“Một trăm năm sau, tình tiết trong vụ Ota Benga vẫn còn là một minh họa điển hình của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc lan tràn khắp New York vào thời đó”. Đó là một nhận định, một kết luận trong bài báo “Vụ bê bối ở vườn thú” của Mitch Keller trên tờ New York Times ngày 06 Tháng 08 năm 2006. Tôi xin giới thiệu bài báo đó với độc giả Việt Nam thông qua bản lược dịch sau đây…..
Quý độc giả lưu ý:Loạt bài về thuyết tiến hóa trên Đại Kỷ Nguyên được phân thành 2 mục chính sau:
Quý độc giả có thể bookmark, ghi lại đường link hai mục trên để tiện theo dõi loạt bài này một cách có hệ thống. Các bài mới sẽ được thêm vào hai mục trên. Trân trọng thông báo. |
Khi dân chúng New York đến vườn thú Bronx vào ngày Thứ Bẩy 08/09/1906, họ được chứng kiến một trò biểu diễn mới lạ trong Chuồng Khỉ (Monkey House).
Thoạt tiên, một số người không biết đó là cái gì. “Nó”, à “hắn”, dường như là một con khỉ hơn là một con người, mặc dù đó là một người da đen rất nhỏ bé với một hàm răng trắng nhọn thô thiển. Anh ta mặc quần áo như người ngày nay nhưng không có giầy. Anh ta thành thạo bắn cung, và mua vui cho khách xem bằng việc bắn tên vào đích. Anh ta còn khoe tài bện dây, làm cho khách xem cười thích thú.Khi dân chúng New York đến vườn thú Bronx vào ngày Thứ Bẩy 08/09/1906, họ được chứng kiến một trò biểu diễn mới lạ trong Chuồng Khỉ (Monkey House).
Cư dân mới của Chuồng Khỉ thực ra là một con người, một người lùn Công-gô (người pích-mê) tên là Ota Benga. Hôm sau, một bảng giới thiệu được trưng lên cho biết Ota Benga cao 4 feet 11 inches, nặng 103 pounds và 23 tuổi, kèm theo thông báo: “Trưng bày vào các buổi chiều Tháng 9”.
Khách xem Chuồng Khỉ ngày thứ hai còn được xem một trò diễn hay hơn. Ota Benga và một con khỉ đùa nghịch với nhau, ghì nhau, vật nhau, chơi khăm nhau. Đám đông thích xem trò đó. Để nâng cao hiệu quả rừng rú, một con vẹt đã được đặt vào trong cũi và xương được vãi ra xung quanh nó. Đám đông khán giả cười phá lên khi người lùn pích-mê ngồi nhìn chằm chằm vào một đôi giày vải người ta vừa cho anh. Hôm sau, tờ New York Times viết: “Trước cảnh tượng một con người bị nhốt vào cũi cùng với một con khỉ như những đồng loại, vài người bày tỏ sự phản đối ở mức có thể nghe thấy, nhưng đa số người xem coi việc triển lãm kết hợp người với khỉ là một trò giải trí thú vị nhất tại vườn thú Bronx”.
Nhưng “trò triển lãm” Ota Benga không kéo dài được lâu. Một vụ tai tiếng bùng lên hầu như ngay tức khắc, được châm ngòi bởi vị mục sư da đen James H. Gordon, người quản lý Viện trẻ mồ côi ở Brooklyn. Ông nói: “Chúng tôi cho rằng người da đen chúng tôi bị đè nén đủ lắm rồi, không cần phải triển lãm một trong chúng tôi cùng với khỉ như thế nữa. Chúng tôi nghĩ chúng tôi cũng đáng được xem như những con người với đầy đủ phẩm giá linh hồn”.
Một trăm năm sau, cuộc triển lãm Ota Benga vẫn còn là một minh họa rõ nét về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc phổ biến ở New York thời bấy giờ. Thị trưởng hồi đó là George McClellan đã từ chối gặp các mục sư da đen và không ủng hộ khiếu nại của họ. Nhờ đó ông này được giám đốc vườn thú là William Temple Hornaday chúc mừng. Ông giám đốc này là một khuôn mặt chủ yếu không chỉ trong lịch sử vườn thú mà còn trong lịch sử của chủ nghĩa bảo thủ ở Mỹ. Ông ta viết thư cho ông thị trưởng rằng “Khi lịch sử của Công viên Vườn thú được viết, vụ rắc rối này sẽ tạo nên một trang thú vị nhất”.
Vườn thú Bronx, mở cửa năm 1899, là một tổ chức non trẻ trong giai đoạn vụ tai tiếng Ota Benga xẩy ra. Những người làm việc ở vườn thú ngày nay nhìn lại câu chuyện đó với một cảm giác lẫn lộn sự hối hận với sự nhẫn nhục. John Calvelli, phó chủ tịch thứ nhất phụ trách các vấn đề công cộng của Hội Bảo tồn động vật hoang dã, người sở hữu và lãnh đạo vườn thú, nói “Đó là một lỗi lầm, Khi bạn nghĩ tới vụ tai tiếng đó, bạn sẽ nhận thấy đó là một mốc thời gian. Bạn phải nhìn vào thời kỳ đó, khi vụ việc xẩy ra, và bạn hãy cố gắng hiểu tại sao điều này xẩy ra”.
Sự thấu hiểu này có thể sẽ sâu sắc hơn khi ta cảm thấy đau nhói vì mối thương tâm đối với Ota Benga, chết vào Tháng 03/1916 khi anh ta tự bắn vào tim mình. Câu chuyện của anh đã tạo cảm hứng cho các nhà văn, nghệ sĩ và nhạc sĩ, thậm chí đã có môt nỗ lực khai quật thi hài anh ta ở nghĩa trang Lynchburg, nơi anh ta sống 6 năm cuối đời, để mang trả anh ta về Công-gô.
“Đó là ước nguyện của anh ta”, Dibinga Said, một người Công-gô tham gia vào việc khai quật mộ, nói, “anh ta muốn về nhà”.
TỪ BUSH ĐẾN BRONX
Ota Benga đã sống một cuộc đời đầy ắp những sự kiện quan trọng vào thời anh ta đến Bronx. Theo cuốn “Ota Benga: The Pygmy in the Zoo,” (Ota Benga: Người lùn pích-mê trong vườn thú) của Phillips Verner Bradford và Harvey Blume, xuất bản năm 1992, anh ta là một kẻ sống sót sau một cuộc tàn sát người lùn pích-mê do lực lượng Force Publique tiến hành. Đó là một lực lượng vũ trang hung ác của nhà vua Bỉ thời đó là Leopold II, người sau đó trở thành kẻ cai trị Nhà nước Công-gô Tự do (Congo Free State). Trong số những người bị chết trong cuộc tàn sát này có vợ và 2 con của Ota Benga.
Những kẻ chiến thắng trong cuộc tàn sát đã bán Ota Benga cho những kẻ buôn nô lệ, và cuối cùng anh được trao vào tay người mua là Samuel Phillips Verner, 30 tuổi, một nhà thám hiểm Châu Phi, một nhà nhân chủng học mang theo sứ mệnh được giao từ South Carolina.
Thật vậy, ông Verner được thuê làm thế nào để mang được một số người pích-mê và người Phi Châu khác về St.Louis để làm vật “trưng bày nhân chủng học” tại Hội Chợ Quốc Tế năm 1904. Tại đó, để mở mang hiểu biết cho người đến tham quan hội chợ, đám người pích-mê đó cùng với những đại diện thổ dân khác như người Eskimos, người thổ dân Châu Mỹ (người da đỏ) và người bộ lạc Filipino sẽ được trưng bày trong những cái lều và làng mạc truyền thống.
Sau khi kiểm tra thân thể Ota Benga và đặc biệt hài lòng với bộ răng đã được mài dũa sắc nhọn theo kiểu truyền thống trong cộng đồng pich-mê của anh, ông Verner mua anh cùng với vài người pích-mê và người Phi Châu khác. Ông đưa họ về St. Louis. Hết hội chợ, ông lại đưa họ về Phi Châu như ông đã hứa.
Riêng Ota Benga không thể trở lại cuộc sống cũ được nữa, vì bộ lạc và vợ con của anh đã bị giết trong cuộc tàn sát. Thế là anh tiếp tục sống quanh quẩn bên cạnh ông Verner, một nhà nhân chủng học có nhiều mối quan tâm đối với Phi Châu. Tình bạn giữa họ nẩy nở, Ota Benga đề nghị với ông Verner trở lại “mảnh đất của người muzungu” – mảnh đất của người da trắng. Thế là hai thầy trò Verner và anh chàng pich-mê lại tới New York vào Tháng 8/1906.
Điểm dừng chân đầu tiên là Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ (American Museum of Natural History). Giám đốc bảo tàng là ngài Hermon Bumpus không những đồng ý nhận chứa thùng hàng của ông Verner với bộ sưu tập của ông bao gồm một cặp tinh tinh, mà còn nhận luôn cả Ota Benga nữa. Ông Verner lúc ấy đã khánh kiệt, phải đi về Miền Nam để xoay sở kiếm thêm tiền, thế là anh chàng pich-mê chính thức trở thành đồ vật của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên. Anh ta được dành cho một chỗ để ngủ và được tự do đi chơi rong trong bảo tàng.
Nhưng tại đó, anh chàng pích-mê có những nghịch ngợm đến mức khó kiểm soát. Một lần anh ta ném một chiếc ghế suýt vào đầu quý bà Florence Guggenheim, một phụ nữ chuyên làm từ thiện. Thế là giám đốc bảo tàng gợi ý với ông Verner rằng nên đưa anh ta đến vườn thú. Giám đốc vườn thú là Hornaday đồng ý tiếp nhận Ota Benga ngay, cùng với mấy con vật của Verner nữa.
SỰ HẠ THẤP PHẨM GIÁ CON NGƯỜI VÀ HỌC THUYẾT DARWIN
Ngay ngày hôm sau buổi trình diễn Ota Benga như một con thú trong chuồng khỉ, tin tức bay đi khắp nơi. Tờ New York Times đưa tin: “Một người rừng sống chung với khỉ trong cũi ở công viên Bronx”. Hàng nghìn người đã kéo đến vườn thú để xem trò diễn mới lạ, ngắm anh chàng thổ dân đùa giỡn vật nhau với con đười ươi có tên là Dohung.
Nhưng trò diễn đó bị kết thúc nhanh chóng. Đối mặt với sự phản đối của Hội đồng Mục sư Tin Lành da màu, ông giám đốc vườn thú phải tạm hoãn buổi trình diễn tiếp theo.
Đối với các mục sư da đen và những người bạn của họ, trò trình diễn đã phát đi một thông điệp rõ ràng: Người Phi Châu bị xem như một sinh vật nằm ở một bậc thang tiến hóa trong khoảng giữa loài khỉ với đám đông người da trắng, đám đông này coi Ota Benga như một trò giải trí.
Ngài R. S. MacArthur, một mục sư da trắng của Nhà Thờ Tin Lành ở Calvary, cũng lên tiếng: “Người chịu trách nhiệm về trò trình diễn này đã tự làm mất phẩm giá của chính mình như đã làm đối với người Phi Châu. Thay vì biến cậu bé thành một con thú, lẽ ra chúng ta nên đưa cậu bé đó tới trường học để phát triển khả năng của cậu như Chúa đã cho cậu”.
Không phải chỉ có chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mới xúc phạm các mục sư, giáo sĩ. Với tư cách những người Thiên Chúa giáo, họ không tin vào học thuyết Darwin. Như ông Gordon ở Viện trẻ mồ côi da màu ở Howard đã nói, cuộc trưng bày Ota Benga “rõ ràng là có mục đích chứng minh Thuyết Tiến hóa của Darwin”.
“Thuyết Tiến hóa của Darwin hoàn toàn chống lại Thiên Chúa giáo, và một cuộc trưng bày công cộng nhằm thỏa mãn ý đồ của lý thuyết đó cần phải bị cấm”, ông Gordon nói.
Trong khi đó tờ The Evening Post mô tả, rằng Ota Benga, theo nhận xét của những người trông nom động vật ở vườn thú, “có ảnh hưởng lớn đối với các con thú – thậm chí đối với con vật lớn hơn, bao gồm con đười ươi đó, anh ta chơi với nó như một thành viên trong bầy đàn của nó, lăn xung quanh sàn trong cũi để vật nhau với nó một cách hoang dại và nói chuyện với nó bằng những âm thanh phát ra từ trong yết hầu mà dường như con vật cũng hiểu”.
Nhưng tờ New York Times viết trong mục xã luận: “Trong khi chẳng hề cảm thấy sự kích thích mãnh liệt đặc biệt nào với trò trình diễn một người pích-mê Phi Châu trong chuồng khỉ của Công viên Vườn thú, chúng tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi tất cả những cảm xúc mà những người khác biểu lộ ra trong sự kiện này. Hơn nữa, cuộc trình diễn này đúng là một trò chẳng thú vị gì, và chúng tôi băn khoăn rằng ông Giám đốc vườn thú không nhìn thấy trước vấn đề và tránh khỏi những lời trách mắng hiện nay đang chĩa vào sự lãnh đạo của ông. Trong khi đối với bản thân Benga, lẽ ra anh ta có thể hưởng thụ cuộc sống như anh ta muốn ở bất kỳ nơi nào trong đất nước của anh ta, và thật là ngu xuẩn khi tạo ra những lời ta thán trách móc do việc làm nhục và hạ thấp nhân phẩm mà anh ta phải chịu đựng”.
Tờ The New York Globe đăng một thư độc giả nói: “Tôi sống ở miền nam nhiều năm, và do đó tôi không thích người da đen lắm, nhưng tôi tin rằng họ cũng là con người. Tôi cho rằng thật đáng xấu hổ khi những người có thẩm quyền của thành phố lớn này có thể cho phép một cảnh tượng như thế diễn ra ở Công viên Bronx để mọi người chứng kiến – một cậu bé da đen được trưng bày trong một chuồng khỉ”.
Ông giám đốc Hornaday vẫn không xin lỗi, cố nói rằng ông ta chỉ có ý định làm “một triển lãm dân tộc học” mà thôi… (Đó là 1 lời nói dối trắng trợn. Tiến sĩ William T. Hornaday, giám đốc sở thú cũng là tín đồ tiến hóa, đã từng đọc nhiều bài phát biểu rất dài, về việc ông ta tự hào có “loài chuyển tiếp” đặc biệt này trong vườn thú của mình ra sao. Ông ta đối xử với Ota Benga – đang bị nhốt trong lồng – như thể anh là một con vật).
Xem thêm:
TỰ TỬ VÀ TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG CỦA MÌNH
Cuối Tháng 9, một cuộc dàn xếp đã được thực hiện để Ota Benga sống trong Viện trẻ mồ côi người da màu ở Howard. Cuối cùng cậu được đưa về một cơ sở của viện ở Long Island. Tháng 1 năm 1910, ông Gordon lại thu xếp cho Ota Benga đến Lynchburg, ở đó cậu đã được học một khóa học của Đạo Tin Lành.
Tại Lynchburg, Ota Benga đã được bọc lại răng và được gọi là Otto Bingo. Cậu dành nhiều thời gian vào rừng, săn bắn, hái lượm cây cỏ. Cậu làm những việc vặt rồi làm việc cho một nhà máy thuốc lá. Cậu trở thành bạn quen biết nhà thơ Anne Spencer ở Lynchburg, và thông qua nhà thơ này cậu còn gặp những người nổi tiếng như W. E. B. Du Bois and Booker T. Washington.
Nhưng không ai biết vì sao Ota Benga tự tử vào một buổi chiều Tháng 3 năm 1916. Người ta đoán cậu nhớ quê hương nhưng không sao trở về được vì không có tiền. Nhưng Phillips Verner Bradford, một trong hai tác giả cuốn sách về Ota Benga đã nói ở đầu bài viết này, thì cho rằng có lẽ Benga không chịu đựng nổi chỉ từ sau khi anh ta cảm thấy không thể nào hòa nhập được với môi trường sống mới của mình nữa.
Theo ước nguyện của Ota Benga, thi hài của anh cuối cùng đã được đưa về Công-gô, nơi anh sinh ra và lớn lên. Anh trở về với không gian sống của anh.
Ý KIẾN CỦA NGƯỜI DỊCH:
1/ Một câu chuyện thật buồn. Buồn về con người. Buồn về những loại khoa học như Học thuyết Darwin. Buồn vì cho đến nay học thuyết này vẫn được coi là khoa học.
2/ Nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều. Thế hệ tôi, những thanh niên trong thập kỷ 1960, vẫn còn nhớ rõ những tin tức sôi động lan truyền từ Mỹ ra khắp thế giới về những cuộc biểu tình ồ ạt xuống đường của người da đen ở Mỹ. Lãnh tụ người da đen Martin Luther King đã hy sinh mạng sống của mình để đem lại quyền bình đẳng cho người da màu ở Mỹ như hiện nay. Ông là một người vĩ đại. Nói như vậy để nhấn mạnh công lao của những người như Luther King lớn như thế nào. Tôi tin rằng thế hệ những người sinh ra từ đầu thế kỷ 20 ở Mỹ, chắc chắn sẽ càng thấm thía hơn về nỗi nhục của người da màu trước đây, càng thấm thía ý nghĩa nhân bản của cuộc đấu tranh của người da đen ở Mỹ nhiều hơn những người không được chứng kiến.
3/ Nhưng càng hướng tới giá trị nhân bản nhiều chừng nào, càng không sao hiểu nổi một học thuyết phi nhân bản như Học thuyết Darwin lại có thể được tin tưởng như thế. Tôi tin rằng chừng nào học thuyết này còn được coi là khoa học, chừng ấy con người còn đối xử với nhau tệ bạc như người ta đã đối xử với Ota Benga. Con người vốn đã có chủng ác trong người. Nếu không có những lý thuyết khẳng định kẻ mạnh sẽ chiến thắng thì cái ác sẽ ít có dịp tác yêu tác quái hơn.
4/ Trước đây tôi tưởng chỉ có chủ nghĩa quốc xã Đức những năm 1920-1940 mới là kẻ chịu nhiều ảnh hưởng của Học thuyết Darwin. Nay tôi mới vỡ nhẽ ra rằng không phải như thế: rất nhiều kẻ mang sẵn trong thâm tâm ý nghĩ và tư tưởng phân biệt chủng tộc trên khắp thế giới, kể cả ở Mỹ, ở Úc, đều nhanh chóng vớ lấy Học thuyết Darwin như một thứ lý thuyết phù hợp với “lương tri” để tiến hành những hành vi phản lương tri. Tôi sẽ tiếp tục công bố những sự thật tương tự mà tôi biết.
Tác giả: Mitch Keller, New York Times.
Bản dịch của Gs Phạm Việt Hưng. Bản dịch gốc được đăng ở đây.
The Scandal at the Zoo / Vụ bê bối ở vườn thú
Xem thêm: