Đại Kỷ Nguyên

20 bức hình cho thấy vũ trụ lộng lẫy và kỳ thú như thế nào

“Có hai điều mà càng suy nghĩ đến tâm tư tôi lại càng chứa đầy một sự thán phục và kính nể: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và ràng buộc đạo đức ở trong tôi.” – triết gia thế kỷ 18 Immanuel Kant đã từng nói như vậy. Quả thật khi quan sát bầu trời đầy sao chúng ta không thể không có cảm giác mình thật nhỏ bé và khiêm nhường.

Bầu trời đêm luôn hấp dẫn và đầy bí ẩn, có vẻ như chúng ta đều cảm thấy được sự kết nối nhiều hơn bao giờ hết với vũ trụ khi đứng dưới bầu trời đầy sao. Ngày nay, bằng công nghệ hiện đại, chúng ta không chỉ nhìn ngắm được các ngôi sao mà còn có thể khám phá các thiên hà xa xôi. Với kính thiên văn không gian Spitzer và Hubble, các nhà khoa học của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) đã chụp 100 bức ảnh của các hành tinh, tinh vân, và các vật thể sáng lấp lánh khác trên bầu trời đêm tuyệt đẹp.
Sau đây là những bức ảnh ấn tượng nhất, hãy cùng chúng tôi du lịch vào không gian và khám phá những vùng trời xa xôi đầy bí hiểm thông qua những tác phẩm được ghi lại bởi kính thiên văn hiện đại nhất thế giới.

1. Trái đất

(Ảnh: Flickr/NASA Goddard Space Flight Center)

Đây là nhà của chúng ta.

2. Những Cột trụ của tạo hóa

(Ảnh: Flickr/NASA Goddard Space Flight Center)

Các cột này trong thực tế là sự tích tụ của những cột bụi khí hidro lạnh, tối và dài nằm giữa các sao trong Tinh vân Đại bàng.

3. Hố đen

(Ảnh: Flickr/NASA Goddard Space Flight Center)

Một lỗ đen khổng lồ trong một trong những thiên hà nhỏ nhất.

4. Những gì còn lại của một ngôi sao

(Ảnh: Flickr/NASA Goddard Space Flight Center)

Sau khi các ngôi sao nổ tung, nó trở thành một tinh vân hành tinh (planetary nebula – do nhà thiên văn William Herschel đặt ra vào những năm 1780 là một cách đặt tên sai do hiểu nhầm, thực sự thì tinh vân hành tinh không tạo nên hành tinh nào cả). Đây là một loại tinh vân phát quang chứa lớp vỏ khí bị ion hóa.

5. Siêu tân tinh

(Ảnh: Flickr/NASA Goddard Space Flight Center)

Hai ngôi sao tương tác gây ra một vụ nổ vũ trụ. Sau vụ nổ, một trong những ngôi sao nằm ở trung tâm của tinh vân được bao quanh bởi các mảnh vụn vũ trụ.

6. Tập hợp khí và bụi thiên hà

(Ảnh: Flickr/NASA Goddard Space Flight Center)

Đây là một ngôi sao mới hình thành, nó đang trở nên lớn hơn do các chất khí bao quanh nó.

7. Tinh vân Đầu ngựa

(Ảnh: Flickr/NASA Goddard Space Flight Center)

Các nếp gấp khéo léo của khí cùng với những làn sóng của bụi tạo nên một cấu trúc mỏng manh trông giống như một cá ngựa khổng lồ.

8. Tinh vân Con Cua

(Ảnh: Flickr/NASA Goddard Space Flight Center)

Tinh vân này nằm trong chòm sao Kim Ngưu, là một tinh vân gió sao xung, là tàn dư của vụ nổ siêu tân tinh xảy ra vào năm 1054.

9. Tinh vân Mắt mèo

(Ảnh: Flickr/NASA Goddard Space Flight Center)

11 vòng khí tạo nên tinh vân này khiến nó trông giống như mắt của một con mèo. Mắt mèo là một ngôi sao đang hấp hối, tuy đã được nghiên cứu nhiều nhưng vẫn còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn.

10. Tiếng vang nhẹ

(Ảnh: Flickr/NASA Goddard Space Flight Center)

Năm 2002, một trong những ngôi sao trong chòm sao Kỳ Lân (Monoceros) bị bùng nổ đột ngột. Ngôi sao trở nên rất lớn và đã trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất từng được quan sát, nhưng sau đó nó bắt đầu mờ dần nhanh chóng. Sau khi đi qua lớp vỏ bụi, sóng ánh sáng được khuếch đại và có thể nhìn thấy qua kính thiên văn.

11. Tinh vân Carina

(Ảnh: Flickr/NASA Goddard Space Flight Center)

Tinh vân này là một trong những tinh vân khuếch tán lớn nhất trên bầu trời.

12. Tinh vân Bong bóng

(Ảnh: Apod.nasa.gov)

Tinh vân nằm trong chòm sao Thiên Hậu (Cassiopeia) này trên thực tế là một đám mây khí và bụi được chiếu sáng bởi các ngôi sao rực rỡ bên trong nó. Do kích thước rất lớn của nó trên bầu trời, trước giờ Kính thiên văn không gian Hubble chỉ chụp được một phần nhỏ của tinh vân. Nhưng giờ đây với công nghệ máy ảnh WFC3, chúng ta đã có thể thấy toàn bộ tinh vân này một cách trọn vẹn nhất.

13. Tinh vân hình Nón

(Ảnh: Flickr/Nasa Appel)

Tinh vân hình Nón là một cột trụ tối của khí và bụi, màu đỏ bao quanh nó được hình thành bởi khí hydro.

14. Những ngôi sao xanh

(Ảnh: Nasa)

Những cụm sao màu xanh tươi sáng đang nằm trong Đám mây Magellan nhỏ. Sự hình thành sao trong những đám mây vũ trụ bụi vẫn đang tiếp tục ngay tại thời điểm này.

15. Tinh vân Con Bướm

(Ảnh: Hubblesite)

Nằm trong thiên hà Milky Way, tinh vân này trải dài hơn hai năm ánh sáng, đó là khoảng một nửa khoảng cách từ mặt trời tới ngôi sao gần nhất, Alpha Centauri.

16. Tinh vân Helix

(Ảnh: Nasa)

Helix là một ví dụ về tinh vân hành tinh, lớp khí sặc sỡ mở rộng xung quanh một ngôi sao sắp chết. Nếu nhìn qua kính thiên văn, tinh vân này trông giống như một con mắt khổng lồ.

17. Mặt cười trong không gian

(Ảnh: Flickr/NASA Goddard Space Flight Center)

Đôi mắt của khuôn mặt hạnh phúc này là hai thiên hà cách nhau rất xa và vệt sáng tạo nên nụ cười  là một vòng cung tạo ra bởi một hiệu ứng gọi là “thấu kính hấp dẫn mạnh mẽ”, xảy ra khi ánh sáng (và sóng điện từ nói chung) phát ra từ một vật thể bị lệch hướng trên đường đi dưới tác dụng của lực hấp dẫn khi qua gần các thiên thể khác.

18. Thiên hà Sombrero

(Ảnh: Flcikr/Paul Stein)

Thiên hà Sombrero là một trong những thiên hà to lớn nhất trong Cụm Thiên hà Virgo. Phần bụi mờ, tối màu che khuất phần trung tâm của thiên hà sẽ phát sáng khi quan sát qua ánh sáng hồng ngoại.

19. Tinh vân Đầu Khỉ

(Ảnh: Flickr/Hubble ESA)

Tinh vân này là một vườn ươm sao khi nó có chứa tất cả các thành phần cần thiết cho sự hình thành sao.

20. Hoa hồng thiên hà

(Ảnh: Flickr/NASA Goddard Space Flight Center)

Các nhà thiên văn cho rằng bông hoa Hồng này là kết quả của bốn cụm thiên hà hút lẫn nhau. Màu sắc khác nhau của cánh hoa chỉ ra rằng chúng ở các độ tuổi khác nhau.

Theo Brightside
Thu Hiền

Xem thêm:

Exit mobile version