Tưởng như đã trôi vào dĩ vãng, một dự án hạt nhân tuyệt mật của Mỹ – thành phố ngầm bí mật dưới lớp băng dày hàng chục mét tại Greenland – sẽ đón ánh mặt trời trong tương lai không xa dưới “sức nóng” của hiện tượng ấm lên toàn cầu, mang theo mình khối lượng chất thải phóng xạ, hóa học, sinh học đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sự sống chúng ta. Đây là kết luận của một nhóm nhà khoa học, dẫn đầu bởi TS William Colgan, chuyên gia về sông băng và khí hậu từ ĐH York (Canada).
Từ dự án hạt nhân tuyệt mật ẩn dưới lớp băng dày chục mét ở Greenland …
Năm 1959, Mỹ thiết lập căn cứ quân sư mang tên Camp Century trên đảo Greenland, lúc đó thuộc Đan Mạch. Được mệnh danh “thành phố ngầm dưới băng”, và được vận hành bởi một lò phản ứng hạt nhân di động, căn cứ này là một hệ thống đường hầm trải dài 3 km, nằm sâu dưới lớp băng 8 m, bên trong chứa phòng thí nghiệm, cửa hàng, bệnh viện, rạp chiếu bóng, nhà nguyện và cơ sở vật chất cho khoảng 200 quân nhân.
Mục đích bề mặt mà Bộ Quốc phòng Mỹ trình ra cho các quan chức Đan Mạch khi đó là để thử nghiệm các kỹ thuật xây dựng khác nhau trong điều kiện môi trường Bắc Cực, cùng lúc tiến hành nghiên cứu [về khí hậu]. Khi đó, trên thực tế đúng là các nhà khoa học tại căn cứ đã khoan lấy mẫu băng, thu thập số liệu nhằm nghiên cứu khí hậu Trái Đất.
Nhưng chính phủ Đan Mạch đâu ngờ được rằng, ẩn sau các hoạt động nghiên cứu thuần túy đó là một dự án tuyệt mật nhằm biến Greenland thành một cứ địa quân sự hạt nhân của Mỹ trong bối cảnh đối đầu với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Với cái tên Dự án Sâu Băng (Iceworm), Mỹ muốn thử nghiệm tính khả thi của việc xây dựng một bệ phóng lớn bên dưới lớp băng, đủ gần để phóng tên lửa hạt nhân tầm trung nhắm thẳng vào Liên Xô ở bờ bên kia Đại Tây Dương. Có thể đây là phản ứng của Mỹ sau khi Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung ở Cuba, vốn ngay gần đất Mỹ.
Mục tiêu khi ấy là thiết lập một hệ thống đường hầm và phòng chứa trải dài 4.000 km, bao phủ một diện tích gấp 3 lần Đan Mạch, với khả năng lưu trữ 600 tên lửa đạn đạo nhắm thẳng vào Mát-xcơ-va và các vệ tinh của nó.
Tuy nhiên sau khi nhận thấy các khối băng dịch chuyển liên tục, và có khả năng đổ sập bất cứ lúc nào, Mỹ quyết định từ bỏ dự án vào năm 1967.
Họ bỏ lại phần lớn cơ sở hạ tầng đã được dựng lập- bao gồm toàn bộ lượng chất thải phóng xạ, hóa học, sinh học – với giả định chúng sẽ mãi “ngủ vùi” bên dưới lớp băng đang không ngừng tích lũy và gia tăng.
… cho đến hậu quả gây hại tiềm tàng trong tương lai không xa
Giả định của họ, cho đến nay, vẫn chính xác. So với thời đó, lớp băng đã dày thêm 27 m, đạt ngưỡng 35 m. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ bị đảo ngược trong thời gian không xa. Thời ấy, người ta còn chưa biết đến khái niệm “ấm lên toàn cầu”. Nhưng hiện nó đã xuất hiện, và có ảnh hưởng rất thực tại đến cuộc sống chúng ta.
Lấy ví dụ, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2003-2010, lớp băng bao phủ phần lớn hòn đảo đã tan chảy nhanh gấp đôi so với toàn bộ thế kỷ trước gộp lại. Năm nay, băng tan chảy nhanh hơn một tháng so với bình thường.
Như vậy, dựa theo mô hình giả lập thời tiết trong khu vực và trên toàn cầu, dự tính đến năm 2090, toàn bộ lớp băng phủ bên trên sẽ biến mất, hiển lộ ra thành phố ngầm dưới băng. Theo tài liệu giải mật của quân đội Mỹ, ước tính có đến 200.000 lít dầu diesel, lượng nước thải tương đương, chất làm mát nhiễm phóng xạ và chất gây ô nhiễm hữu cơ độc hại được ví như PCB (chất gây ung thư) được tồn trữ bên trong.
Trước hết chúng sẽ xâm nhập vào đại dương, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái biển. Nhưng tác hại này không chỉ mang tính cục bộ. Các dòng hải lưu sẽ phát tán các chất thải hạt nhân này ra khắp các đại dương trên thế giới.
Một số chuyên gia nhận định vấn đề trên ở Camp Century sẽ khiến mối quan hệ giữa Mỹ, Đan Mạch và Greenland (hiện đã trở thành một quốc gia độc lập) trở nên căng thẳng và phức tạp, nếu không có biện pháp xử lý, giải quyết thích hợp.
Theo The Guardian
Quý Khải lược dịch