Từ loài cá mập hai đầu cho đến loài hươu cao cổ với nước da trắng muốt, chúng ta sẽ điểm qua những tạo vật kỳ dị nhất của giới tự nhiên trong năm vừa qua.
9) Tìm ra loài động vật có xương sống có thể sống lâu nhất thế giới
Một nghiên cứu vào tháng Tám cho thấy cá mập Greenland là động vật có xương sống sống lâu nhất thế giới.
Loài vật này cư trú ở nơi khí hậu lạnh, dưới đáy biển sâu của vùng Bắc Đại Tây Dương. Theo ghi nhận, chúng có thể sống đến ít nhất 272 năm. Tuổi thọ của chúng còn có thể lên đến 500 năm với các cá thể trưởng thành.
“Chúng tôi cũng đoán rằng chúng là một loài động vật sống rất lâu, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi biết chúng có tuổi thọ cao đến vậy”, trưởng nhóm nghiên cứu, TS. Julius Nielsen từ Đại học Copenhagen (Thụy Điển), nhận định.
8) Phát hiện loài hươu cao cổ trắng cực hiếm
Một con hươu cao cổ trắng đã được phát hiện tại Vườn Quốc gia Tarangire ở Tanzania, Châu Phi.
Các nhà khoa học tại tổ chức nghiên cứu thiên nhiên Wild Nature Institute có trụ sở tại New Hamshire (Mỹ) đã từng báo cáo về con hươu cao cổ Masai thân trắng kỳ lạ vào năm 2015. Cũng trong khoảng thời gian đó một hướng dẫn viên du lịch đã đặt tên cho nó là “Omo”, theo sau tên của một hãng bột giặt thông dụng.
Omo không bị bạch tạng mà có một thể trạng gen đặc biệt gọi là leucism (khiếm khuyết sắc tố da). Da của nó không tiết ra sắc tố (nên về cơ bản không có màu sắc), mà là những mô mềm.
7) Nhện với chiếc bụng đập nhịp
Được phát hiện gần đây ở Singapore, cấu trúc đập nhịp bên trong mình con nhện trên khiến các nhà khoa học phải vò đầu bứt tóc.
Các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích được bằng cách nào con nhện có thể tạo ra những chuyển động bên trong nội tạng như vậy, và mục đích của hoạt động này.
“Tôi chưa từng thấy điều gì tương tự như vậy,” bà Linda Rayor, một nhà sinh học về nhện tại Đại học Cornell, chia sẻ. “Nó thật sự kỳ dị và thú vị”.
6) Cá mập hai đầu là có thật (không phải sản phẩm điện ảnh!)
Cá mập hai đầu nghe có vẻ như sản phẩm của điện ảnh, nhưng chúng tồn tại và không ngừng xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới, các nhà khoa học cho hay.
Lấy ví dụ, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã tìm thấy phôi thai của một con cá nhám mèo đuôi cưa Đại Tây Dương có tới 2 cái đầu, theo một nghiên cứu tháng 11, và một vài trường hợp tương tự cũng đã được phát hiện trong những năm gần đây.
Không ai biết rõ nguyên nhân tại sao loài cá mập hai đầu xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng một số phỏng đoán việc đánh bắt cá quá mức đã làm giảm số lượng vốn gen, dẫn đến tình trạng rối loạn gen trong quần thể. Vì các cá thể cá mập phối ngẫu càng gần họ hàng (càng cận huyết), thì càng dễ phát sinh đột biến gen, hay dị dạng ở thế hệ sau này. Về điểm này thì khá giống với người, vì vậy đây là một trong những nguyên nhân cần tránh hôn nhân cận huyết.
5) Nước tiểu loài gấu mèo có mùi giống bắp rang bơ
Gấu mèo, còn được gọi là binturong, vốn không phải gấu mà cũng chẳng phải mèo, là một loài động vật tại vùng Đông Nam Á. Nước tiểu của chúng có mùi giống với mùi bạn thường gặp ở rạp chiếu phim: bắp rang bơ.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 4 chỉ ra rằng thứ mùi hấp dẫn kỳ lạ này được tạo ra bởi một hợp chất hóa học trong nước tiểu của chúng gọi là 2-AP
Theo nghiên cứu, đây cũng chính là hợp chất khiến bắp rang bơ có mùi thơm ngầy ngậy đặc trưng của mình. Khi hạt bắp được làm nóng, protein và đường sẽ thông qua một phản ứng hóa học để tạo thành 2-AP.
4) Cáo Bắc cực tự vun đắp khu vườn riêng cho mình
Hang của loài động vật này quả là một ốc đảo xanh giữa lòng lãnh nguyên hoang vu, giá lạnh.
Với lũ cáo con khoảng 8-10 con, đôi khi lên đến 16, nhiều con cáo đang thải ra xung quanh khu vực hang ngầm của chúng nhiều “phân bón” mang chất dinh dưỡng dưới dạng phân, nước tiểu, và xác con mồi.
Chất hữu cơ được đưa vào đất hỗ trợ sự sinh trưởng của thảm cỏ thô màu mỡ, cỏ lá liễu, và hoa dại – một cảnh tượng đầy sắc màu giữa hoang mạc xám trắng
3) Nhện ngụy trang thành chiếc lá
Chúng ta đều biết rằng loài châu chấu có thể ngụy trang thành những chiếc lá, cành cây v.v… nhưng tại vùng tây nam Trung Quốc người ta đã phát hiện ra một loài động vật khác có thể làm điều tương tự – một con nhện có thể bắt chước một chiếc lá. Đây là trường hợp đầu tiên thuộc loại này được ghi nhận.
Con nhện sử dụng tơ để gắn kết lá với cành cây rồi ẩn núp giữa các cành, theo một nghiên cứu hồi tháng 11 trên Tạp chí Journal of Arachnology. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ tại sao con nhện làm điều này, nhưng phỏng đoán đó là để ẩn náu trước kẻ săn mồi hay để rình bắt con mồi.
2) Phát hiện loài nhện mới giống hệt chiếc mũ phân loại trong Harry Potter
Các nhà khoa học Ấn Độ vừa tìm thấy một loài nhện mới trông giống hệt Chiếc mũ Phân loại trong truyện Harry Potter. Loài nhện này được các nhà khoa học tìm thấy trong rừng Kans, thuộc Ghats tây, bang Karnataka, Ấn Độ. Nó chỉ dài vỏn vẹn 7 mm, và có hình dáng bên ngoài giống hệt Chiếc mũ Phân loại trong truyện Harry Potter. Trong truyện, chiếc mũ này thuộc về Godric Gryffindor – một trong những phù thủy sáng lập trường Hogwart. Chính vì vậy, tên gọi mới của nó là Eriovixia gryffindori.
“Chúng tôi rất phấn khích khi tìm thấy một loài nhện mới có hình dáng rất tương đồng chiếc mũ phân loại thần kỳ của thầy phù thủy [trứ danh Gryffindor] trong truyện Harry Potter,” tác giả chính Javed Ahmed trao đổi với Times of India.
“Khi còn trẻ, tôi rất thích đọc truyện Harry Potter. Chính vì vậy, khi bắt gặp chú nhện nhỏ này, tôi nghĩ ngay đến chiếc mũ phép thuật,” anh chia sẻ.
1) Cá mập ma dưới đáy biển sâu lần đầu tiên xuất hiện trước ống kính
Xem video:
Một video được công bố vào tháng 12 hé lộ điều mà các nhà khoa học cho là đoạn băng đầu tiên về loài cá Chimeara xanh mũi dài (Hydrolagus trolli). Được phát hiện ở ngoài khơi bờ biển California, loài cá kỳ lạ này trước đây được cho là chỉ cư trú ở khu vực Nam bán cầu.
Khác với những con cá mập thông thường, cá Chimaera không có hàm răng lởm chởm mà thay vào đó nhai con mồi – các loài nhuyễn thể, sâu biển, và các loài động vật dưới đáy biển khác – bằng hàm răng giả được khoáng hóa.
Và có lẽ điều thú vị hơn cả là chúng có bộ phận sinh dục có thể co rút nằm trên trán.
Theo National Geographic
Thạch Khánh biên dịch
Xem thêm: