Vài năm trở lại đây, các nhà khảo cổ học thường hay cho rằng hầu hết những phát hiện quan trọng tại Ai Cập đều đã đón ánh mặt trời từ nhiều năm về trước. Do đó, khi một nhóm từ Bộ Cổ vật Ai Cập bắt đầu tiến hành khai quật gần thành cổ Abydos, họ không mong đợi sẽ tìm được thứ gì đó lớn.
Lúc đầu quá trình khai quật, họ phát hiện nhiều mảnh gốm vỡ và công cụ, đúng như mong đợi. Tuy nhiên, khi bắt đầu kiểm tra niên đại, các nhà khảo cổ mới nhận ra họ đã đụng phải di chỉ một thành phố cổ xưa vượt ngoài sức tưởng tượng!
Các nhà khảo cổ làm việc cho Bộ Cổ vật Ai Cập bắt đầu khai quật ở khu vực Sohag và rất lạc quan khi tìm thấy những mảnh gốm vỡ và công cụ lao động. Nhưng khi đưa chúng đi giám định niên đại, họ thật sự bị chấn động.
Những cổ vật được tìm thấy là di vật của một thành phố có niên đại hơn 7.000 năm tuổi! Đáng ngạc nhiên nhất là, di chỉ này nằm rất gần ngôi đền Seti I, nhưng lại có từ sớm hơn công trình cổ đại này rất nhiều.
Từng có thời điểm, di chỉ này nằm bên trong thành cổ Abydos, vốn từng được coi là một thành phố linh thiêng trong lịch sử. Tuy nhiên, phát hiện mới cho thấy Abydos rất có thể không có liên quan gì đến thành phố 7000 năm tuổi này.
(Ảnh: facebook/ Ministry of antiquities)
Ngoài công cụ và đồ gốm, cho đến nay các nhà khảo cổ đã phát hiện được tổng cộng 15 ngôi mộ trong thành cổ, hầu hết chúng đều trong tình trạng tương đối nguyên vẹn kể từ khi được xây dựng từ nhiều thiên niên kỷ trước.
(Ảnh: facebook/ Ministry of antiquities)
Những ngôi mộ gây sự chú ý do chúng nằm trong những “matabas” – một kiến trúc giống hầm mộ làm từ gạch bùn.
Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: facebook/ Ministry of antiquities)
Đây là ngôi mộ matabas cổ xưa nhất từng được phát hiện tại Ai Cập, vượt xa niên đại của nghĩa trang Saqqara. Khi Bộ Cổ vật công bố phát hiện này, họ nhấn mạnh nó sẽ cho chúng ta biết rất nhiều về những cư dân đầu tiên của Ai Cập.
Đền Seti I. (Ảnh: wikimedia commons/ roweromaniak)
Trao đổi với BBC, nhà Ai Cập học từ Đại học Liverpool (Anh), GS Christopher Eyre cho biết:
“Khoảng 1 dặm (1,5 km) đằng sau nơi tìm thấy các di vật trên, là một khu nghĩa trang với lăng mộ hoàng gia, có từ thời tiền sử cho đến khi chúng ta phát triển cách đặt tên hiệu hoàng gia, và bắt đầu có các vị vua”.
Một khía cạnh quan trọng nhưng ít được đề cập của khám phá này: đây là một trong những phát hiện khảo cổ học quan trọng đầu tiên được khám phá bởi một nhóm nhà khảo cổ từ Ai Cập, thay vì nhóm nghiên cứu từ những quốc gia khác. Điều này từng là một vấn đề không nhỏ trong quá khứ.
Trên thực tế, trong vài năm trở lại đây chính phủ Ai Cập đang ngày càng tỏ rõ sự bất bình khi các chính phủ và bảo tàng ngoại quốc đào bới những di chỉ của Ai Cập trong thời gian dài, buộc họ phải bắt đầu yêu cầu hoàn trả lại số cổ vật thu được.
Bộ Cổ vật Ai Cập đã có một số thành công nhất định trong việc thu hồi các cổ vật bị mất cắp. Gần đây, họ vừa thu về một phiến đá hoa cương đen khắc chữ tượng hình từ Thụy Sĩ, và một phiến đá được chạm khắc tương tự từ Mỹ.
Việc tìm thấy thành phố cổ đại này không chỉ là niềm tự hào dân tộc, mà còn giúp thu hút khách du lịch đến với khu vực Sohag. Trước kia phần lớn du khách chỉ dừng chân ở miền bắc Ai Cập.
Các nhà nghiên cứu hy vọng những thông tin mới được khám phá từ di chỉ cổ đại này sẽ giúp làm sáng tỏ bí ẩn về thành cổ Abydos và ngôi đền Seti I; cả hai đều là bài toán hóc búa đối với các nhà Ai Cập học trong những năm qua.
Chỉ riêng ngôi đền Seti I đã khiến nhiều nhà nghiên cứu phải đau đầu. Bên trong ngôi đền có lưu giữ các ký tự tượng hình thường được bắt gặp ở các di chỉ Ai Cập cổ đại khác, nhưng chúng có đôi chút khác biệt.
Một số phiến đá trên tường lăng mộ có chạm khắc các ký tự tượng hình dường như miêu tả những cỗ máy công nghệ cao mà lẽ ra con người thời đó không thể biết được, ví như máy bay trực thăng, tàu ngầm và tàu vũ trụ.
Một số người cho rằng những ký tự này là bằng chứng về sự tiếp xúc với người ngoài hành tinh hoặc nhà du hành xuyên thời gian, nhưng đa số các nhà khoa học dòng chính coi những tuyên bố trên như thứ gì đó ngụy khoa học.
Có những ký tự tượng hình huyền bí hơn có thể là biểu tượng của các pha-ra-ông như Ramses II hoặc Seti I.
Giải thích được nguồn gốc của những ký tự bí ẩn trong ngôi đền chỉ là một trong những mục tiêu mà các nhà Ai Cập học đang nhắm tới dựa trên khám phá mới về thành phố cổ 7000 năm tuổi này; và nếu những gì họ phát hiện được cho tới nay gợi lên manh mối nào đó, thì họ rất có khả năng làm được điều này.
Đây quả là một khám phá gây chấn động! Không nghi ngờ gì nữa, khám phá mới về thành phố cổ 7.000 năm tuổi này sẽ giúp chúng ta tiến một bước dài để hiểu rõ hơn về nhân loại thời cổ đại.
Thạch Khánh ̣(theo Boredom Therapy)
Xem thêm: