Đại Kỷ Nguyên

Tại sao một số loài cây có thể ăn thịt côn trùng?

(Ảnh: Internet)

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Buffalo (Mỹ) hé lộ nguyên nhân các loài cây ăn thịt phát triển khả năng này.

Các nhà khoa học tại Đại học Buffalo cho biết, chính môi trường thiếu chất dinh dưỡng đã khiến một số loài cây “đổi chế độ ăn” và trở thành kẻ săn mồi.

Nghiên cứu giải thích: “Đối với một người ăn chay, việc một loài cây đổi chế độ ăn để tiêu thụ động vật dường như là một điều gì đó khủng khiếp. Khoa học sẽ cho chúng ta thấy những đặc tính rùng rợn này ấn tượng đến thế nào”.

Nghiên cứu mới tiết lộ nguyên nhân các loài cây đổi khẩu vị và bao hàm cả côn trùng trong thực đơn. (Ảnh: Internet)

Nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân một lượng lớn các loài thực vật phát triển khả năng “ăn thịt”: chính vì do liên tục bị đẩy đến cực hạn sinh tồn trong một môi trường sống cằn cỗi hoặc thiếu dưỡng chất.

Đồng tác giả nghiên cứu Kenji Fukushima nói:

“Các loài thực vật ăn thịt thường sống trong các môi trường thiếu dưỡng chất, nên khả năng đánh bẫy và tiêu hóa động vật (côn trùng) là điều không thể thiếu trước bối cảnh thiếu vắng các nguồn dinh dưỡng thay thế”.

Một con ong bất cẩn đang liều mạng trên cây bẫy ruồi Venus flytrap. (Ảnh: Internet)

Nghiên cứu đã giải thích quá trình phát triển phức tạp cần thiết để các loài thực vật trở thành kẻ săn mồi. Theo đó, chúng có thể làm vậy nhờ “kết hợp rất nhiều protein cổ đại tương đồng để tạo ra các en-zim cho việc tiêu hóa con mồi”.

Nghiên cứu nói thêm: “Qua thời gian, cả ba chủng, họ protein thực vật mà nguyên ban đầu hỗ trợ chức năng phòng vệ bệnh tật và các chứng căng thẳng khác đều đã phát triển thành các en-zim tiêu hóa chúng ta biết đến ngày nay. Kết luận này được đưa ra dựa trên dấu hiệu di truyền”.

Một cây nắp ấm chết người. Cây này sẽ bắt và nhốt côn trùng trong thứ dung dịch cô đặc, dính chắc. (Ảnh: Internet)

Sự phát triển này đã tạo ra nhiều giống cây ăn thịt, từ cây bẫy ruồi Venus flytrap khét tiếng cho đến giống cây nắp ấm “đẹp bên ngoài, chết người bên trong”.

Cây bẫy ruồi Venus flytrap bắt côn trùng khi chúng bất cẩn đậu trên lá và kích hoạt các sợi tóc nhỏ. Một khi được kích hoạt, lá cây sẽ đóng sập lại, kìm kẹp con côn trùng xấu số bên trong để từ từ tiêu hóa.

Một con côn trùng bị cây bẫy ruồi Venus flytrap bắt nhốt và tiêu hóa. (Ảnh: Internet)

Trong khi đó, cây nắp ấm thu hút và tấn công con mồi theo một cách thức không kém phần ghê rợn. Nó dụ chúng vào một hố sâu chứa đầy dung dịch tiêu hóa cô đặc, dính chắc. Một khi bị nhốt trong nắp ấm tử thần, vốn có thành trong trơn trượt khiến việc trốn thoát trở nên gần như không thể, con côn trùng sẽ chầm chậm bị cái cây phân hủy rồi hấp thụ.

Quý Khải (theo Express)

Xem thêm:

Exit mobile version