Châu Âu gần đây ghi nhận lượng phóng xạ gia tăng đột biến tại 7 nước. Một số cho rằng đây có thể là do Nga đang bí mật thử nghiệm hạt nhân tại Bắc Cực.
Châu Âu vừa chứng kiến một sự gia tăng mức độ phóng xạ bất ngờ, khiến giới khoa học đau đầu đi tìm lời giải. Vào tháng 1, các nhà khoa học đã phát hiện được sự gia tăng chất đồng vị phóng xạ iodine-131 tại biên giới giữa Nga và Na-uy. Kể từ đó tình trạng này đã lan rộng ra 7 nước thành viên Châu Âu.
Ghi nhận sự gia tăng gần đây của Iodine-131. (Ảnh: Internet)
Sự gia tăng nồng độ phóng xạ đã được ghi nhận ở Phần Lan, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Đức, Pháp và Tây Ban Nha nhưng chính phủ các nước này quyết định giữ kín thông tin với lý do “không có giá trị về mặt tin tức”, theo Cơ quan Bảo vệ Phóng xạ Na-uy NRPA.
Tình trạng phóng xạ gia tăng được ghi nhận ở 7 nước Châu Âu. (Ảnh: IRSN)
Cơ quan an toàn hạt nhân của Pháp cho biết tình trạng gia tăng Iodine-131 “không làm dấy lên bất kỳ vấn đề sức khỏe nào”, và kể từ đó các chỉ số đã trở lại bình thường.
Các nhà khoa học đang nỗ lực giải thích hiện tượng này, nhưng một số tin rằng thử nghiệm hạt nhân tại Nga có thể đóng một phần vai trò. Đồng vị Iodine-131 có một chu kỳ bán rã [1] chỉ khoảng 8 ngày, nên sự gia tăng đột biến của chất này trong môi trường chính là bằng chứng của một sự cố rò rỉ chất phóng xạ đột ngột và gần đây. Có nhiều giả thuyết cho rằng Nga đang thử nghiệm vũ khí hạt nhân tại vòng Bắc Cực, bởi Iodine-131 là một chất đồng vị phóng xạ có trong bom nguyên tử được Mỹ và Liên Xô thử nghiệm vào giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Internet)
Trang web Cornucopia của Thụy Điển cho biết Iodine-131 là “một đồng vị được sản sinh khi cho phát nổ đồng vị uranium-235 hay vũ khí plutonium”.
Nó nói thêm: “Nga đang nâng cấp vũ khí hạt nhân của mình lên mức robot tối tân, nên không phi lý khi cho rằng bằng cách làm vậy, họ đang phát triển các đầu đạn hạt nhân mới chứ không chỉ là thiết bị chuyên chở”.
Giả thuyết này đã phần nào được củng cố khi Không quân Hoa Kỳ triển khai máy bay dò hạt nhân WC-135 đến tìm kiếm nguồn phát tán phóng xạ.
Một số cho rằng vụ thử hạt nhân chính là nguyên nhân của tình trạng này. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho biết họ không tìm thấy bất kỳ chất phóng xạ nào khác, do đó có thể loại trừ khả năng đây là một vụ thử hạt nhân. Nguồn rò rỉ phóng xạ tiềm năng nhất là sự cố từ nhà máy dược.
Astrid Liland, người đứng đầu bộ phận ứng phó khẩn cấp tại NRPA, cho biết:
“Vì chỉ phát hiện và đo đạc được Iodine-131, chứ không tìm thấy bất kỳ chất phóng xạ nào khác, nên chúng tôi cho rằng sự cố này bắt nguồn từ một công ty dược sản xuất thuốc phóng xạ, vì Iodine-131 được dùng trong điều trị ung thư”.
Chú thích:
[1] Chu kỳ bán rã hay chu kỳ nửa phân rã là thời gian cần để một đại lượng biến đổi với thời gian theo hàm suy giảm số mũ đạt đến lượng bằng một nửa lượng ban đầu. Khái niệm này xuất hiện lần đầu trong phân rã hạt nhân. Mỗi chất phóng xạ, cứ sau mỗi chu kỳ bán rã, một nửa số nguyên tử của chất ấy biến đổi thành chất khác.
Quý Khải (theo Express)
Xem thêm: