Ra đời từ thế kỷ thứ 16, bức chân dung nổi tiếng Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci là một trong những tác phẩm nghệ thuật được thảo luận nhiều nhất trong giới chuyên môn do trạng thái cảm xúc mơ hồ và khó đoán của nhân vật được phác họa.
Theo nghiên cứu mới nhất được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Đại học Freiburg (Đức), nét biểu cảm của nàng Mona Lisa trong bức tranh nổi tiếng thực chất là một nụ cười biểu lộ sự vui vẻ.
Để đưa ra được kết luận này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa ảnh để tạo ra 8 bức ảnh đen trắng của bức tranh với các sắc thái khác nhau. Họ đã chỉnh góc khuôn miệng của nàng Mona Lisa lên vài độ để làm ra 4 bức ảnh “vui vẻ hơn”, đồng thời giảm vài độ để có 4 bức ảnh “buồn bã hơn”.
Bản sao đen trắng của bức tranh nàng Mona Lisa, trong đó ảnh gốc (bên trái), ảnh chỉnh sửa trông buồn hơn (chính giữa), ảnh chỉnh sửa trông hạnh phúc hơn (bên phải). (Ảnh: Scientific Reports)
Cùng với bức ảnh gốc không chỉnh sửa, 9 phiên bản ảnh được tráo theo thứ tự ngẫu nhiên và giới thiệu đến từng người trong tổng số 12 tình nguyện viên, để họ nhận xét xem nhân vật trong tranh đang vui hay đang buồn. Quá trình này được lặp lại cẩn thận 30 lần với từng người.
Kết quả cho thấy có đến 97% số lần nhân vật trong bức ảnh nguyên gốc chưa qua chỉnh sửa được cho là đang “vui vẻ”.
“Chúng tôi thật sự kinh ngạc,” nhà khoa học thần kinh Juergen Kornmeier trao đổi với AFP. “Với các mô tả từ nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật, chúng tôi cho rằng bản gốc là mơ hồ nhất,” ông nói.
Leonardo da Vinci đã phải mất 16 năm để hoàn thành kiệt tác này. (Ảnh: Internet)
Để chắc chắn, một thử nghiệm thứ hai đã được tiến hành, bao gồm tám phiên bản “buồn” của bức chân dung được đưa ra cho những người tham gia với các thay đổi tinh tế hơn. Kết quả là, trong khi bản gốc vẫn được nhìn nhận là hạnh phúc, một số bức ảnh chỉnh sửa đã được nhận xét là buồn hơn bao giờ hết..
Theo ông Kornmeier, các kết quả cho thấy không có “thang đo cố định tuyệt đối về sự hạnh phúc và sự buồn bã trong não bộ”. Thay vào đó, bộ não sẽ rất nhanh chóng quét qua toàn bộ khung cảnh. Chúng ta chú ý đến toàn bộ quang cảnh, sau đó điều chỉnh các đánh giá cá nhân”.
Nhà thần kinh học kết luận: “Có thể có một số mơ hồ trên phương diện khác nhưng không phải sự mơ hồ về việc nhân vật trong bức tranh đang vui hay đang buồn”.
Tôn Kiên
Xem thêm: