Đại Kỷ Nguyên

4 phát minh khác ra đời từ giấc mơ

Khi giấc mơ không đơn thuần chỉ là giấc mơ…

Xem thêm:

Ngành khoa học thần kinh ra đời

Tiến sĩ Otto Loewi, được coi là “cha đẻ của ngành khoa học thần kinh”, từng đưa ra lý thuyết về khả năng tồn tại của một sự truyền dẫn hóa học giữa các xung lực thần kinh. Nhưng ông không biết chứng minh điều này bằng cách nào.


Otto Loewi (Ảnh: Wikimedia Commons)  Phông nền: (Ảnh: Xrender/iStock)

Năm 1920, ông đã có 2 giấc mơ trong hai đêm liên tiếp, trong đó ông mơ thấy các bước thí nghiệm để chứng minh lý thuyết của mình, theo đài BBC. Sự kiện này đã định hướng một con đường giúp ông đoạt giải Nobel y học sau này vào năm 1936.

Công thức mỹ phẩm tạo nên lịch sử

Madame C. J. Walker là nữ triệu phú gốc Phi đầu tiên ở Mỹ. Cô nói bí quyết thành công của cô đến từ một giấc mơ. Vào giai đoạn chuyển giao thế kỷ 20, cô bắt đầu bán thuốc mọc tóc Madam Walker, một công thức trị liệu và dưỡng tóc. Cô bị rụng tóc và sau khi thử sử dụng các sản phẩm có sẵn trên thị trường mà không thấy hiệu quả, cô bắt đầu phát triển dòng sản phẩm của riêng mình.


Chân dung Madame C.J. Walker, khoảng năm 1905-1919. (Hiệu ảnh Scurlock)

Theo cuốn sách “Madam C. J. Walker: Doanh nhân” của tác giả A’Lelia Perry Bundles, nữ doanh nhân gốc Phi này đã kể với phóng viên rằng, “[Chúa] đã đáp lại lời cầu nguyện của tôi, vì một đêm nọ tôi có một giấc mơ. Trong giấc mơ đó một người đàn ông da đen cao lớn xuất hiện trước mặt và chỉ cho tôi các nguyên liệu cần pha trộn để dùng cho tóc. Một số nguyên liệu được trồng ở Châu Phi, nhưng tôi đã nhờ người đi thu thập chúng, pha trộn chúng, và đắp lên da đầu của tôi. Trong một vài tuần tóc của tôi mọc trở lại nhanh như thể nó chưa từng rụng. Tôi thử sử dụng nó với các bạn bè của tôi; và nó cũng có hiệu quả đối với họ. Tôi quyết định sẽ bán nó ra thị trường”.

Con cá kỳ lạ

Nhà sinh học kiêm địa chất học Louis Agassiz (1807-1873) đã nghiên cứu một dấu tích mơ hồ của hóa thạch một loài cá trên tảng đá nhưng không thể rút ra được thông tin gì ý nghĩa.  Ông ngần ngại phải đục tảng đá vì lo sợ có thể làm tổn hại đến mẫu vật hóa thạch.

Ông đã có ba giấc mơ trong vòng ba đêm liên tiếp, trong đó ông nhìn thấy con cá với tất cả các đặc điểm hình dạng nguyên gốc, trích lời vợ ông, bà Elizabeth Agassiz, trong tư liệu “Louis Agassiz: Cuộc đời và thư từ của ông.” Trong hai đêm đầu tiên, ông không thể hình dung lại hình ảnh trong tâm trí sau khi tỉnh giấc. Nhưng vào đêm thứ ba, ông đã chuẩn bị sẵn giấy bút để vẽ lại cảnh tượng trong mộng.

“Ông ấy thường đề cập đến nó như một minh họa phù hợp về cái thực tế đã được biết rõ, tức là khi cơ thể đang trong trạng thái nghỉ ngơi, bộ não mệt mỏi sẽ thực hiện công việc mà trước đây nó chối từ”.

— Elizabeth Agassiz


Nhà sinh học kiêm địa chất học Louis Agassiz (Ảnh: Wikimedia Commons)

Vợ ông viết: “Ông vội vã đến gặp Jardin des Plantes, và, với bản vẽ chỉ dẫn, ông đã thành công trong việc đẽo ra lớp bề mặt của tảng đá để để lộ các bộ phận của con cá bên dưới. Khi lôi mẫu vật ra bên ngoài, ông phát hiện con cá này có hình dạng giống với trong giấc mơ cũng như trên bản vẽ của mình, và ông đã có thể dễ dàng phân loại nó. Ông ấy thường đề cập đến nó như một minh họa phù hợp về cái thực tế đã được biết rõ, tức là khi cơ thể đang trong trạng thái nghỉ ngơi, bộ não mệt mỏi sẽ thực hiện công việc mà trước đây nó chối từ”.

Cảnh tượng trong mộng biến cậu bé Ấn Độ thành nhà toán học nổi tiếng

Srinivasa Ramanujan sinh ra vào năm 1887 trong một gia đình nghèo khó ở miền nam Ấn Độ. Chuyện kể rằng một nữ thần đã xuất hiện trong giấc mơ và ban cho cậu các phương trình toán học. Không một ai ở Ấn Độ hiểu chúng khi cậu đưa cho họ xem, nhưng khi những phương trình này đến tay nhà toán học G.H. Hardy thuộc trường Đại học Cambridge ở Anh trong một bức thư tay cậu viết vào năm 1913, thì nó đã làm ông chấn động.


Srinivasa Ramanujan (Ảnh: Konrad Jacobs/Wikimedia Commons) Phông nền: (Ảnh: Vertyr/iStock; chỉnh sửa bởi Đại Kỷ Nguyên)

Nhà toán học người Mỹ gốc Ấn Krishnaswami Alladi đã đề cập đến sự kiện này trong bài viết “Srinivasa Ramanujan: Going Strong at 125″ trong bản ghi chú vào tháng 12 năm 2012 của Hội Toán học Hoa Kỳ. Ông cũng miêu tả Ramanujan như “một thiên tài tự học… một trong những nhà toán học vĩ đại nhất trong lịch sử, và một trong những nhân vật lãng mạn nhất trong giới toán học”.

Một nữ thần đã xuất hiện trong giấc mơ và ban cho cậu các phương trình toán học.

Mẹ của Ramanujan cũng có một giấc mơ góp phần làm nên thành công của con trai mình. Trong bài viết có tựa đề “Srinivasa Ramanujan, một nhà toán học xuất chúng có một không hai”, Thayer Watkins, giáo sư kinh tế thuộc trường Đại học San José, đã đề cập đến một giấc mơ giúp Ramanujan đến Cambridge: “Mẹ của Ramanujan có một giấc mơ trong đó bà nhìn thấy con trai mình ngồi giữa một nhóm người Châu Âu, và cậu ta có một vầng hào quang bao xung quanh. Sự kiện này đã thuyết phục bà rằng đã đến lúc con trai bà có thể đến nước Anh”.

Tác giả:  Tara MacIsaac, Epoch Times
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch.

Xem thêm:

Exit mobile version