Đại Kỷ Nguyên

Chạng Vạng, Frankenstein và 2 tiểu thuyết nổi tiếng ra đời từ những giấc mơ

Nhà văn Meyer đã dựng nên nhân vật Bella và Edward trong "Chạng Vạng" từ một giấc mơ (Ảnh: Wiki)

Cảm hứng, giấc mơ và trí tưởng tượng phong phú dường như đều đến từ cùng một cảnh giới siêu thực nào đó cao hơn thế giới thực tại và trần tục này, mà có lẽ một phần tâm trí chúng ta có thể kết nối tới được.

Thế nhưng những nhà văn được đề cập ở đây không chỉ đơn thuần được truyền cảm hứng theo cách thông thường — những cảnh tượng trong giấc mơ của họ hiện lên rõ nét đến kinh ngạc, và có ít nhất một người trong đó cảm thấy tác phẩm nổi tiếng của mình phần nào đã được ai đó khác viết ra.

Mary Shelley và tác phẩm ‘Frankenstein’

Chân dung Mary Shelley của hoạ sĩ Richard Rothwell, năm 1840

Shelley (1797-1851) có hai giấc mơ, một trong số đó có thể đã tác động tới quá trình sáng tác  tác phẩm “Frankenstein” của bà, và giấc mơ kia chắc chắn đã truyền cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này.

Ngày 19/3/1815, bà đã ghi lại trong cuốn nhật ký một giấc mơ về đứa con nhỏ đã chết, theo một bản tiểu sử tại Đại học Brandeis: “Tôi mơ thấy đứa con bé bỏng của tôi sống lại—người nó lạnh cóng, chúng tôi ủ nó trước đống lửa và nó đã sống lại”.

Giấc mơ thứ hai xuất hiện khi bà đang cố gắng nghĩ ra một câu chuyện rùng rợn cho một cuộc thi giao hữu với một số nhà văn khác. Câu chuyện thường được miêu tả là một “giấc mơ thức tỉnh”.

Bà miêu tả nó trong phần dẫn nhập cuốn tiểu thuyết: “Trí tưởng tượng, một cách tự nhiên, đã chiếm hữu và hướng dẫn tôi, ban tặng những cảnh tượng nối tiếp xuất hiện trong tâm trí với sự sống động vượt quá ranh giới thông thường của mơ mộng”.

Bà nhìn thấy “một sinh viên ngành nghệ thuật ma quỷ, với vẻ mặt không còn hột máu, đang quỳ gối bên cạnh thứ mà anh đã tạo ra”. Sinh viên này đã cố “chế giễu cơ chế kỳ diệu của Đấng sáng thế” bằng cách truyền những “tia lửa sự sống” cho một “xác chết gớm ghiếc”.


Bản khắc bằng thép trên trang bìa cuốn sách tái bản “Frankenstein” của Mary Shelley, do nhà xuất bản Colburn và Bentley, London ấn hành năm 1831. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Robert Louis Stevenson với tác phẩm ‘Vụ án ly kỳ về bác sỹ Jekyll và ngài Hyde’


Tấm áp phích của cuốn tiểu thuyết “Vụ án ly kỳ về bác sỹ Jekyll và ngài Hyde”. Tác giả Robert Louis Stevenson viết ra câu chuyện sau khi các cảnh tượng hiện lên trong một giấc mơ của ông. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Stevenson (1859-1894) nói rằng khi ông đang vấp phải sự bế tắc về ý tưởng, ông đã mơ thấy những cảnh tượng sống động mà sau này đã trở thành cốt chuyện của tác phẩm “Vụ án ly kỳ về bác sỹ Jekyll và ngài Hyde”. Điều thú vị ở chỗ, ông coi những gì mình viết lúc tỉnh là của mình, nhưng những gì ông “viết” trong giấc mơ là của “cộng tác viên giấu mặt”.


Chân dung Robert Louis Stevenson của hoạ sĩ Girolamo Nerli

Stevenson đã miêu tả lại quá trình này trong bài viết “Một Chương về những Giấc mơ”:

“Từ lâu tôi đã cố gắng viết một câu chuyện về chủ đề này, tìm một kết cấu, một động cơ, vì một trực giác rất mạnh mẽ về sự tồn tại của hai cá thể trong cùng một con người đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện và choáng ngợp tâm trí của tất cả các sinh vật có tư duy…

“Trong hai ngày tôi đã vắt óc suy nghĩ về đủ loại cốt chuyện; và trong đêm thứ hai tôi mơ thấy một cảnh tượng bên khung cửa sổ, và một cảnh tượng sau đó bị phân làm đôi, trong đó ngài Hyde, lúc đó đang bị truy đuổi vì đã phạm tội nào đó, đã uống thuốc và biến đổi hình dạng ngay trước mắt người bám đuổi phía sau. Toàn bộ phần còn lại được tôi viết ra lúc tỉnh giấc, trong trạng thái tỉnh táo…

“Do đó ý nghĩa của câu chuyện này là của tôi, và đã tồn tại từ lâu trong khu vườn tâm hồn sáng tác của tôi, và đã thử hết cốt chuyện này đến cốt chuyện khác nhưng không thành… cũng như bố cục chuyện và các nhân vật cũng là của tôi. Tất cả những gì tôi được ban tặng chỉ là ba cảnh tượng nói trên, và ý tưởng trung tâm của một thay đổi có chủ ý đã trở thành vô ý”.

Một cảnh trong câu chuyện đã bị phê phán gay gắt, và Stevenson viết rằng cảnh đó “không chút nào là của tôi”.

Stephen King và tác phẩm ‘Dreamcatcher’ (lưới bắt giấc mơ)

Nhà văn kinh dị nổi tiếng Stephen King bị tai nạn xe hơi năm 1999 và đã phải dành nhiều tháng hồi phục. Trong một cuộc phỏng vấn với SFGate, ông nói rằng ông đã có được ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết “Dreamcatcher” từ những giấc mơ trong khoảng thời gian đó.


Nhà văn Stephen King. (Ảnh: static.guim.co.uk)

“Ý tưởng thật sự mạnh mẽ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi sau vụ tai nạn là: bốn gã trong một túp lều trong rừng”, King cho biết. “Sau đó có một gã lảo đảo bước vào và thốt lên ‘tôi cảm thấy không được khoẻ’, và đi theo gã là một người đi nhờ xe với dáng vẻ thảm hại. Tôi đã mơ rất nhiều về túp lều và những gã trong đó”.

Stephenie Meyer và tác phẩm ‘Twilight (Chạng vạng)’

Stephenie Meyer, tác giả loạt tiểu thuyết về ma cà rồng ‘Chạng vạng’. (Ảnh: Ben Prunchnie/Getty Images)

Meyer đã dựng nên nhân vật Bella và Edward từ một giấc mơ, một cảnh tượng thoáng qua trong đó một ma cà rồng và một thiếu nữ gặp nhau trong rừng, họ trao đổi tâm tình cũng như hành trình tình yêu đầy chông gai.

Meyer đã mô tả về một giấc mơ bà có vào năm 2003 trên trang web của mình: “Tôi bừng tỉnh (vào cái ngày 2/6 đó) sau một giấc mơ vô cùng sinh động. Trong giấc mơ, hai người có một cuộc nói chuyện khá căng thẳng trên một bãi cỏ trong rừng. Một người chỉ là cô gái bình thường, nhưng người kia lại là một chàng ma cà rồng đẹp trai, ngời sáng.

“Họ đang bàn luận về những khó khăn bắt nguồn từ việc A) họ yêu nhau và B) chàng ma cà rồng đặc biệt bị cuốn hút với mùi máu của cô gái, và đang vất vả để kiềm chế bản thân khỏi sát hại cô ngay lập tức. Để xem qua bản ghi lại giấc mơ của tôi, hãy xem Chương 13 (‘Thú nhận’-Confession) của cuốn sách.”

Meyer nằm trên giường trong một lúc để suy nghĩ về giấc mơ trước khi dậy chuẩn bị cho những đứa trẻ đi học bơi. Sau đó, bà ngồi xuống viết lách, sau một khoảng thời gian dài không đụng đến công việc, và tác phẩm ‘Chạng vạng’ đã ra đời.

Hai nhân vật “Chạng vạng” Edward và Bella đang hẹn hò trong rừng, rất giống với những gì họ đã làm trong giấc mơ của tác giả Stephanie Meyer. (Ảnh: Magesomido từ Compfight cc)

Dưới đây là một trong những video hay nhất của TED, bài thuyết trình của tác giả “Eat, Pray, Love” – Elizabeth Gilbert. Cô chia sẻ về hiện tượng các nhà văn hay nhạc sĩ được “cho ý tưởng” – cái mà chúng ta gọi là “thiên tài”

https://www.youtube.com/watch?v=clq510YqSIg

Tác giả: Tara MacIsaac,  Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bài gốc tại đây.
Biên dịch Hoàng Sâm

Xem thêm: 

Exit mobile version