Một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện trên 119 quốc gia đã hé mở các nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất đến nhận thức về tình trạng biến đổi khí hậu và nhận thức về nguy cơ tiềm tàng đối với 90% dân số thế giới.
Theo các nhà nghiên cứu, có sự tương phản rất rõ rệt giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển: tại Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, hơn 90% người dân có nhận thức về tình trạng biến đổi khí hậu. Nhưng tại nhiều nước đang phát triển, hầu như rất ít người có nhận thức về vấn đề này, mặc dù nhiều người có báo cáo quan sát được sự thay đổi trong hình thái thời tiết tại địa phương.
Nghiên cứu này, sử dụng số liệu từ Cuộc thăm dò ý kiến toàn cầu của công ty nghiên cứu thị trường Gallup trong giai đoạn năm 2007-2008, đã được đăng trên tạp chí Nature Climate Change.
Các nhân tố ở mỗi nước
Tiến sỹ Anthony Leiserowitz, đồng tác giả nghiên cứu, giám đốc Dự án Tuyên truyền về Biến đổi Khí hậu của Đại học Yale (Yale Project on Climate Change Communication), đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết:
“Nhìn chung, chúng tôi phát hiện ra rằng khoảng 40% người trưởng thành trên toàn thế giới chưa từng hay biết về hiện tượng biến đổi khí hậu. Tỷ lệ này thậm chí còn tăng lên đến hơn 65% tại một số nước đang phát triển như Ai Cập, Bangladesh và Ấn Độ”.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy trình độ giáo dục thường là nhân tố dự báo đơn lẻ mạnh mẽ nhất về khả năng nhận thức hiện tượng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy một số điểm khác biệt to lớn giữa các nước. Tại Mỹ, nhân tố dự báo chủ chốt về khả năng nhận thức hiện tượng biến đổi khí hậu của người dân là việc tham gia vào các hoạt động dân sự, tiếp cận với truyền thông và giáo dục.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, nhận thức về biến đổi khí hậu chủ yếu có liên hệ với giáo dục, mức độ tiếp cận với các khu vực thành thị và thu nhập của hộ gia đình.
“Đây là nghiên cứu đầu tiên và duy nhất trên phạm vi toàn cầu, trong đó chúng tôi đã thu thập được số liệu ý kiến về hiện tượng biến đổi khí hậu từ hơn 100 quốc gia, từ đó cho phép chúng tôi so sánh các kết quả phát hiện được trên toàn thế giới”, Tiến sỹ Tien Ming Lee, tác giả dẫn đầu của nghiên cứu nhận định. TS Lee là một nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton, người tiến hành phân tích trong khi làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Giải pháp Môi trường, trực thuộc Viện Trái đất của Đại học Columbia.
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy quan điểm của người Mỹ cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chính trị đảng phái. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, có rất ít số liệu toàn cầu về lĩnh vực hệ tư tưởng chính trị và ảnh hưởng của nó đối với nhận thức về tình trạng biến đổi khí hậu.
Các nước đang phát triển cảm nhận được mối đe dọa
Đánh giá rủi ro lại là một vấn đề khác, theo các nhà khoa học. Trong số những người có thể nhận thức hiện tượng biến đổi khí hậu, các nhà nghiên cứu đã phân tích xem những người nào nhận thức về biến đổi khí hậu như mối đe dọa nghiêm trọng đối với bản thân họ và gia đình. Trên bình diện toàn cầu, họ phát hiện thấy một mô hình trái ngược với mô hình nhận thức được đề cập đến bên trên – những người ở phần lớn các nước đang phát triển lại nhìn nhận biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn hơn rất nhiều so với những người ở các nước đang phát triển.
Nhóm nghiên cứu sau đó đã tìm hiểu xem yếu tố nào có thể giúp phỏng đoán tốt nhất về khả năng nhận thức của người dân đối với nguy cơ tiềm tàng. Họ phát hiện ra rằng người dân tại châu Mỹ La Tinh và châu Âu có xu hướng nhìn nhận hiện tượng biến đổi khí hậu như một mối đe dọa lớn hơn khi họ hiểu rằng con người là nguyên nhân chính yếu. Nhưng tại nhiều nước ở châu Á và châu Phi, nhận thức về nguy cơ tiềm tàng của loại hiện tượng này chủ yếu đến từ một yếu tố rõ ràng hơn: sự thay đổi nhiệt độ tại địa phương.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, một lần nữa chúng ta cũng có thể nhận thấy sự khác biệt quan trọng giữa các nước. Lấy ví dụ, tại Mỹ, công chúng có xu hướng nhìn nhận tình trạng biến đổi khí hậu như một mối đe dọa cá nhân khi họ hiểu rằng đây là một hiện tượng nhân tạo, khi họ nhận thức được rằng mức nhiệt tại địa phương đã biến đổi, và khi họ ủng hộ các nỗ lực của chính phủ trong việc bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, công chúng nhìn nhận tình trạng biến đổi khí hậu như một mối đe dọa lớn hơn khi họ hiểu rằng đây là một hiện tượng nhân tạo, và khi họ không hài lòng với chất lượng không khí tại địa phương.
Những chuyển biến lớn phía trước?
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng để hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ cần một sự chuyển biến lớn trong chính sách công và hành vi cá nhân đối với các phương diện năng lượng, vận tải, tiêu dùng và nhiều hơn nữa.
Tương tự, họ cho rằng việc chuẩn bị ứng phó và thích nghi với các tác động của biến đổi khí hậu sẽ đòi hỏi những sự thay đổi trong cách hành xử hiện nay, và chính phủ các nước sẽ cần tới sự hỗ trợ và tham gia của công chúng trong việc thiết lập các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu. Từ kết quả nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu cho biết việc thu hút sự tham gia của công chúng sẽ có sự khác biệt ở từng nước, tùy thuộc vào văn hóa địa phương, nền kinh tế, giáo dục và các yếu tố khác.
“Nghiên cứu này cho thấy rất rõ ràng rằng chúng ta sẽ cần phải phát triển các chiến lược tuyên truyền về biến đổi khí hậu tùy chỉnh cho từng quốc gia, và thậm chí cho từng khu vực trong một quốc gia”, Tiến sỹ Lee nói.
Tiến sỹ Leiserowitz nói thêm: “Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc cải thiện nền giáo dục cơ bản, sự hiểu biết về khí hậu và sự hiểu biết của công chúng về các khía cạnh của biến đổi khí hậu tại địa phương là những yếu tố quan trọng để thu hút công chúng tham gia và hỗ trợ các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Tác giả: Kevin Dennehy, Đại học Yale
Đọc bản gốc ở đây.
Chân Tâm biên dịch.