Đại Kỷ Nguyên

9 loài thực vật hiếm nhất thế giới, số 8 lại được tìm thấy sau tuyên bố tuyệt chủng

Đây là những loài thực vật kỳ lạ và độc đáo trong thế giới thực vật, sống ở những nơi hẻo lánh, xa xôi ít người biết đến và đều trong tình trạng cực kỳ nguy cấp. 

Chúng ta thường nghe nói về các động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên như tê giác đen với số lượng cá thể còn tồn tại trong tự nhiên rất ít, còn thực vật quý hiếm trong tự nhiên thì hiếm khi được nhắc đến. Thực vật lẽ nào không quan trọng như động vật vậy sao? Không phải vậy, chúng cũng là một phần của hệ sinh thái và đóng vai trò không nhỏ trong vòng tuần hoàn tự nhiên.

Dưới đây là danh sách 9 loài thực vật quý hiếm nhất hiện nay, chúng đều liệt vào danh sách sắp tuyệt chủng của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên, bị đe dọa do mất môi trường sống, các hoạt động sưu tầm bất hợp pháp cũng như sự cạnh tranh từ các loài thực vật khác:

1. Bóng golf

Thực chất đây là một loài xương rồng gai nhỏ màu trắng có tên khoa học là Mammillaria herrerae, chúng có hình dáng giống như những quả bóng golf, có hoa màu hồng và chỉ được tìm thấy trên những ngọn núi ở Queretaro, Mexico.

Xương rồng Mammillaria herrerae. (Ảnh: wissenschaft.de)

Những bông hoa màu hồng xinh đẹp của nó đã được phổ biến trong giới làm vườn nên loài xương rồng này bị khai thác trái phép và bất hợp pháp khiến số lượng loài bị giảm sút 95% trong vòng 20 năm qua.

2. Phong lan lòng đất Rhizanthella gardneri

Tên gọi khác là địa lan Tây Úc, loài phong lan đặc biệt này thường dành toàn bộ cuộc đời của mình dưới lòng đất, có khi còn nở hoa luôn trong đất. Khoảng cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu hàng năm, mỗi cây sẽ nở ra hơn 100 bông hoa từ màu kem đến màu đỏ và tỏa mùi thơm mạnh mẽ.

Địa lan Tây Úc Rhizanthella gardneri. (Ảnh: twitter.com)

Loài hoa này chỉ được tìm thấy ở miền Tây Australia, vì không có chất diệp lục nên cây không có khả năng lấy năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời nên phải hút chất dinh dưỡng từ rễ cây Broom trong cùng khu vực sinh sống nhờ liên kết với các loài nấm ký sinh.

Người ta ước tính rằng chỉ còn chưa đến 50 cá thể loài phong lan này đang phân bố trên khắp thế giới.

3. Cọ tự vẫn

Có tên khoa học là Tahina spectabilis, đây là loài cọ lớn nhất chỉ được tìm thấy ở các khu vực hoang vắng ở Tây Bắc Madagascar. Chúng sống khoảng 50 năm, chỉ nở hoa một lần và chết sau đó bởi vì cọ Tahina dồn toàn bộ chất dinh dưỡng dự trữ cho quá trình nở hoa nên sau khi nở, chúng sẽ héo rồi chết.

Cọ tự tử Tahina spectabilis. (Ảnh: linhngocbulbs.com.vn)

Loài cây này được phát hiện vào năm 2005 và được công bố chính thức vào năm 2008. Chúng có chiều cao lên đến 18m cùng đường kính tán là 5m nên có thể nhìn thấy chúng qua ảnh chụp vệ tinh trên Google Earth. The các thống kê cho biết loài thực vật này chỉ còn khoảng 90 các thể bên ngoài môi trường tự nhiên.

4. Cây nắp ấm Attenborough

Tên khoa học là Nepenthes attenboroughii, loài cây này phân bố nhiều tại trên đỉnh núi Victoria, Palawan, Philippines. Hiện tại ngoài tự nhiên chỉ còn khoảng vài trăm cá thể nên rất khó để có thể tiếp cận chúng.

Cây nắp ấm Attenborough. (Ảnh: Toplist.vn)

Cây nắp ấm là thực vật nhưng thực chất chúng là loài ăn thịt, chúng bắt mồi bằng chất lỏng trong chiếc bát gọi là “ấm”. Attenborough là loài nắp ấm lớn nhất được phát hiện cho đến nay với kích thước ấm lên đến 30 cm và có thể bẫy được cả chuột.

Loài được phát hiện vào năm 2007 và được đặt theo tên nhà tự nhiên học David Attenborough.

5. Vạn tuế Venda cycad

Có tên khoa học là Encephalartos hirsutus, loài cây này chỉ được tìm thấy Limpopo, Nam Phi, chúng được mô tả lần đầu tiên và được coi là một loài thực vật mới năm 1996.

Vạn tuế Venda cycad. (Ảnh: bbc.co.uk)

Cũng giống như xương rồng “bóng golf”, vạn tuế Venda cycad cũng bị khai thác trái phép quá mức dẫn tới việc suy giảm nghiêm trọng số lượng loài. Có báo cho rằng loài vạn tuế này đã tuyệt chủng trong trong tự nhiên nhưng chưa được xác thực rõ ràng.

6. Cây Poke-me-boy ( nghĩa tiếng anh là hãy chọc vào tôi)

Tên khoa học là Acacia anegadensis, chúng là dạng cây bụi nhiều gai chỉ được tìm thấy trên đảo Anegada và Fallen Jerusalem của quần đảo Virgin, Anh. Vì đây là vùng đất thấp nên mỗi khi thủy triều lên, cây Poke-me-boy thường bị ngập sâu trong nước. Chúng có hình dạng rất giống với những cây me chua tại Việt Nam chúng ta, đặc biệt là phần lá.

Hiện nay, các chuyên gia sinh vật học vẫn chưa thể xác định được số lượng loài cũng như khu vực phân bố, chỉ biết được rằng chúng chỉ xuất hiện trong một khu vực có diện tích 10 km2.

Cây Poke-me-boy. (Ảnh: powo.science.kew.org)

7. Cây tiểu dương xỉ

Với tên khoa học là Anogramma ascensionis, loài cây nhỏ bé này chỉ được tìm thấy ở Ascension, một hòn đảo núi lửa ở phía nam Đại Tây Dương. Hình dạng của chúng giống như một cây ngò tây thu nhỏ, mọc trên các vách đá chênh vênh và sống trong điều kiện khô hạn, khắc nghiệt.

Dương xỉ đảo Ascension. (Ảnh: florealpes.com)

Loài cây này bị coi là đã tuyệt chủng trong suốt 50 năm qua cho đến khi người ta phát hiện 4 cây dương xỉ mọc chênh vênh trên một vách đá ở đỉnh Green, đảo Ascension. Tuy vậy theo thống kê, loài dương xỉ này rất hiếm và chỉ còn khoảng 40 cá thể ngoài tự nhiên.

8. Cây san hô (Erythrina schliebenii)

Cây san hô có hoa màu đỏ tươi và trên thân chứa gai, chỉ sinh sống trong các cánh rừng hẻo lánh ở Đông Nam Tanzania.

Tuy bị tuyên bố tuyệt chủng vào năm 1998 nhưng chúng lại được phát hiện lại vào năm 2001 tại 1 khu rừng nhỏ. Nhưng khu rừng này lại bị tàn phá để phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học khiến nhiều người lo ngại loài cây này thực sự đã biến mất cho đến năm 2011, chúng lại được tìm thấy.

Cây san hô Erythrina schliebenii. (Ảnh: pinterest.com)

Hiện còn chưa đến 50 cá thể đang tồn tại ngoài tự nhiên và không được bảo vệ.

9. Cây sứa ( Medusagyne oppositifolia)

Loài thực vật này bị coi gần như đã tuyệt chủng cho đến khi được phát hiện lại vào năm 1970. Vốn dĩ chúng có tên như vậy là do quả của cây này khi nở bung ra giống hình dạng một con sứa.

Cây sứa. (Ảnh: Bách khoa toàn thư mở)

Những cá thể duy nhất còn tồn tại của loài cho đến nay được tìm thấy trên khu vực đảo Mahe ở Seychelles, Ấn Độ Dương. Hiện chỉ có khoảng 86 cây như vậy trong tự nhiên và một trong số chúng không còn khả năng sinh sản nữa.

Sơn Tùng

Exit mobile version