Đại Kỷ Nguyên

Ai là chủ nhân của chiếc móng vuốt khổng lồ núi Owen, New Zealand?

Phần chân được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, Anh. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Gần ba thập kỷ trước đây, khi một nhóm các nhà khảo cổ đang tiến hành thám hiểm bên trong một hệ thống hang động lớn ở vùng núi Mount Owen tại New Zealand, thì bắt gặp một vật thể kỳ lạ, đáng sợ. Do tầm nhìn bị hạn chế trong hang động tối tăm, các nhà khảo cổ tự hỏi phải chăng đôi mắt có đang đánh lừa chính họ, vì họ không thể giải thích được vật thể ở ngay trước mắt—một chiếc móng vuốt khổng lồ giống khủng long vẫn còn nguyên vẹn với thịt và lớp vảy bị bong tróc. Chiếc móng vuốt được bảo quản tốt đến nỗi trông như thuộc về một con vật nào đó chỉ vừa mới chết gần đây.

Nhóm khảo cổ hăng hái thu thập chiếc móng vuốt rồi đưa nó đi phân tích. Kết quả rất kinh ngạc; chiếc móng vuốt bí ẩn được phát hiện có niên đại vào khoảng 3.300 năm tuổi, là một phần di thể đã khô héo của một con Moa miền núi – một loài chim lớn thời tiền sử đã tuyệt chủng từ nhiều thế kỷ trước.

Moa miền núi (Megalapteryx didinus) là một chủng loại chim Moa bản địa của xứ New Zealand. Một cuộc phân tích DNA được công bố trên Tập san của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ (Proceedings of the National Academy of Sciences) cho rằng con chim Moa đầu tiên xuất hiện vào khoảng 18,5 triệu năm trước và có ít nhất 10 chủng loại, nhưng chúng đã bị xóa sổ “trong một quá trình tuyệt chủng quần thể động vật cỡ lớn mau lẹ nhất, có tác động của con người từng được ghi nhận cho đến nay”.

Với một số phân loài của chúng có chiều cao lên đến trên 3m, Moa từng là loài chim lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, Moa miền núi, một trong những loài Moa nhỏ nhất, có chiều cao không quá 1,3 m. Moa miền núi có lông bao phủ toàn bộ cơ thể, ngoại trừ phần mỏ và lòng bàn chân, và không có cánh hay đuôi. Giống như tên gọi của nó, Moa miền núi sinh sống ở những vùng cao, mát mẻ của nước này.

Cuộc phát hiện loài Moa

Cuộc phát hiện loài Moa đầu tiên xảy ra vào năm 1839 khi John W. Harris, một nhà buôn vải lanh đồng thời là một người đam mê lịch sử tự nhiên, đã được một thành viên của bộ tộc bản địa Māori biếu tặng một khúc xương hóa thạch kỳ lạ. Người này nói ông ta tìm thấy nó ven một bờ sông. Khúc xương đã được gửi cho Ngài Richard Owen, lúc đó đang công tác tại Bảo tàng Hunterian thuộc cơ sở đào tạo y khoa Royal College of Surgeons ở London. Trong suốt bốn năm ông Owen đã cảm thấy bối rối với lai lịch khúc xương này, ví nó không khớp với bất cứ khúc xương nào ông từng nhìn thấy.

Cuối cùng, ông Owen đi đến kết luận rằng khúc xương đó thuộc về một loài chim khổng lồ chưa từng được biết đến. Cộng đồng khoa học đã chế nhạo giả thuyết của ông Owen, nhưng sau này ông đã được xác thực với các vụ phát hiện ra rất nhiều mẫu xương, từ đó cho phép tái lập một khung xương hoàn chỉnh của chim Moa.


Ngài Richard Owen đứng bên cạnh khung xương của một con Moa, tay ông đang nắm lấy khúc xương đầu tiên thuộc về một con Moa từng được phát hiện. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Sau cuộc phát hiện lần đầu tiên những khúc xương của loài Moa, người ta đã tìm thấy thêm hàng nghìn những khúc xương khác, cùng với một số di thể khô héo đáng kinh ngạc, ví như chiếc móng vuốt đáng sợ trên vùng núi Mount Owen. Một số những mẫu vật này vẫn còn để lộ các mô mềm với cơ bắp, da, và ngay cả phần lông. Hầu hết các di thể hóa thạch đã được phát hiện trong những đụn cát, đầm lầy, và hang động, nơi các loài chim có thể chui vào làm tổ hoặc tránh trú thời tiết xấu, nên đã được bảo quản thông qua quá trình khử nước sau khi chúng chết  trong một khu vực khô ráo tự nhiên (lấy ví dụ, một hang động có luồng gió khô lưu chuyển liên tục).


Phần đầu đã khô héo của một con Moa miền núi. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Sự thăng trầm của loài Moa

Vào thế kỷ 13, khi người Polynesia lần đầu tiên di cư đến New Zealand, lúc đó quần thể loài Moa đang sinh sôi phát triển mạnh mẽ. Chúng là những loài động vật ăn cỏ thống trị trong rừng, vùng cây bụi, và các hệ sinh thái vùng chân núi của New Zealand trong hàng nghìn năm, và chỉ có một kẻ săn mồi duy nhất—đại bàng Haast. Tuy nhiên, khi những người đầu tiên đặt chân lên New Zealand, loài Moa nhanh chóng trở nên tuyệt chủng do hành vi săn bắt quá mức và phá hủy môi trường sống.

“Vì chúng đạt đến kích cỡ trưởng thành rất chậm, nên [chúng] sẽ không thể sinh sôi đủ nhanh để duy trì số lượng quần thể, khiến chúng đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng”, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London cho biết. “Loài Moa đã tuyệt chủng khi người châu Âu đặt chân lên New Zealand vào những năm 1760”. Đại bàng Haast, vốn săn loài Moa làm nguồn lượng thực chủ yếu, cũng dần dần biến mất không lâu sau đó.


Đại bàng Haast khổng lồ tấn công chim Moa New Zealand (Ảnh: Wikimedia Commons)

Sự hồi sinh của loài Moa?

Loài Moa thường được đề cập đến như một ứng cử viên cho sự hồi sinh thông qua phương pháp nhân bản vô tính, vì có thể trích lấy DNA từ rất nhiều các di thể được bảo quản tốt của chúng. Ngoài ra, vì loài Moa mới chỉ bị tuyệt chủng vài thế kỷ trước đây, nên nhiều loài thực vật đóng vai trò nguồn cung lương thực cho Moa sẽ vẫn còn tồn tại.

Về vấn đề này, nhà di truyền học người Nhật Bản Ankoh Yasuyuki Shirota đã thực hiện công đoạn sơ bộ bằng cách đoạn trích DNA từ những di thể còn sót lại của Moa, và ông dự định cấy nó vào vào phôi gà. Việc làm sống lại loài chim cổ đại này đã nhận được sự ủng hộ của Trevor Mallard, một Đại biểu Quốc hội New Zealand, khi ông cho rằng việc hồi sinh loài Moa trong vòng 50 năm tới là một ý tưởng khả thi.

Tác giả: April Holloway, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Thanh Hải biên dịch

Xem thêm: 

Exit mobile version