Đại Kỷ Nguyên

Al-Zahrawi: Ông tổ người Hồi giáo của ngành phẫu thuật hiện đại

Giai đoạn từ thế kỷ 8 cho đến thế kỷ 13 SCN thường được nhắc đến như thời kỳ hoàng kim của của người Hồi giáo. Vào thời kỳ này, thế giới Hồi giáo đã sản sinh ra rất nhiều học giả với những cống hiến đáng kể cho các nhánh khác nhau của tri thức nhân loại, bao gồm triết học, toán học, thiên văn học…

Các học giả người Hồi giáo trong suốt giai đoạn này cũng đã có rất nhiều các đóng góp quan trọng cho lịch sử của ngành y, bao gồm ‘Ali ibn al-‘Abbas al-Majusi (tên tiếng Latin là Haly Abbas), Muhammad ibn Zakariyā Rāzī (tên tiếng Latin là Rhazes or Rasis), và Abū al-Qāsim Khalaf ibn al-‘Abbās az-Zahrāwī (thường được biết đến với tên gọi Al-Zahrawi, và tên tiếng Latin là Abulcasis), người thường được mệnh danh là ông tổ của ngành phẫu thuật hiện đại.

Cuộc đời của Al-Zahrawi

Al-Zahrawi được sinh ra tại thành phố El-Zahra, gần Cordoba, Andalusia, miền nam Tây Ban Nha vào năm 936 SCN. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của vương triều Hồi giáo Umayyad ở Cordoba, vốn nắm quyền kiểm soát khu vực này. Không may, không có nhiều tư liệu đề cập đến cuộc đời của Al-Zahrawi.

Người ta cho rằng Al-Zahrawi đã nhận được sự bảo trợ của nhà vua và được công nhận như một thiên tài y học. Do đó, trong suốt hơn 50 năm, ông giữ chức ngự y cho Khalip (vua) thứ hai của Cordoba, Al-Hakam II, và al-Mansur, người nắm thực quyền cai trị nhà nước Hồi giáo tại Tây Ban Nha sau cái chết của Al-Hakam.

Al-Zahrawi, người được mệnh danh là ông tổ của ngành phẫu thuật hiện đại. (Ảnh: Wikipedia)

Dù có một vị thế cao trong triều đình, nhưng Al-Zahrawi được cho là sẽ kiên quyết điều trị cho những người bệnh bất chấp khả năng chi trả của họ. Điều này cho phép Al-Zahrawi gặp gỡ đủ dạng người bệnh mỗi ngày, và ghi chép lại quá trình điều trị cho họ. Theo cách này, vị ngự y này đã để lại một giáo trình y học đáng giá được gọi là Al-Tasrif li man ajaz an-il-talif (tạm dịch: Cẩm nang hướng dẫn những người thiếu khả năng đọc những cuốn sách phức tạp), hay gọi đơn giản là Al-Tasrif.

Al-Tasrif: Một cuốn bách khoa toàn thư về y học

Al-Tasrif có thể được coi là một tài liệu vô cùng quan trọng trong lịch sử ngành y, khi đã trở thành tài liệu tham khảo tiêu chuẩn trong nền y học Hồi giáo và Châu Âu trong hơn một nửa thế kỷ. Quyển bách khoa toàn thư về y học này có tổng cộng 30 tập, và đã được hoàn thiện vào khoảng 1000 SCN. Mỗi tập bàn luận đến một khía cạnh khác nhau của y học, và chúng ta có thể tìm thấy trong đó những miêu tả về hơn 300 loại bệnh cũng như cách điều trị chúng.

Hình minh họa về các dụng cụ phẫu thuật của người Hồi giáo thời Trung Cổ trích từ cuốn Kitab al-Tasrif của al-Zahrawi. (Ảnh: Wikipedia)

Không chỉ vậy, cuốn Al-Tasrif cũng thảo luận đến các khía cạnh khác trong y học. Lấy ví dụ, trong một trong những tập đầu tiên,  Al-Zahrawi đã bàn luận về phương thức chẩn đoán các loại bệnh. Ông cho rằng một vị bác sĩ giỏi cần phải luôn luôn dựa vào các quan sát của bản thân về người bệnh và các triệu chứng của anh ta/cô ta, thay vì chỉ đơn thuần chấp nhận những gì người bệnh nói.

Al-Zahrawi cũng đã đề cập đến mối liên hệ giữa sức khỏe và chế độ ăn. Một số phần trong cuốn Al-Tasrif đã được dành để thảo luận xem những đồ ăn nào cần phải kiêng, việc duy trì một chế độ ăn tốt cho sức khỏe, và việc sử dụng đồ ăn như một phần trong chế độ điều trị.

Trang bìa cuốn sách Al-Tasrif phiên bản tiếng Latin đầu tiên, với tiêu đề  Liber theoricae nec non practicae Alsaharavii (Giáo trình lý thuyết và thực hành của al-Zahrawi) vào năm 1599. (Ảnh: Wikimedia)

Al-Tasrif: Cống hiến cho ngành phẫu thuật hiện đại

Phần có sức ảnh hưởng lớn nhất trong cuốn sách Al-Tasrif được nhiều người nhìn nhận là tập 30. Tập này đề cập đến phạm trù phẫu thuật, và chính phần này của tác phẩm đã mang đến danh hiệu ‘Ông tổ của Ngành phẫu thuật hiện đại’ cho Al-Zahrawi. Tập này chứa các giải thích chi tiết cho các quy trình tiến hành một số loại hình phẫu thuật nhất định, khoảng 200 miêu tả và hình minh họa các dụng cụ phẫu thuật (những hình vẽ này được cho là các hình vẽ sớm nhất thuộc loại này trong lịch sử), cũng như một số các phát minh đã được ứng dụng rộng rãi trong các phòng mổ.

Quy trình phẫu thuật vào thời Trung Cổ, công trình của các bác sĩ Ả Rập. (Ảnh: Wikipedia)

Lấy ví dụ, Al-Zahrawi được cho là vị bác sĩ phẫu thuật đầu tiên sử dụng loại chỉ tự tiêu làm từ ruột mèo để khâu các vết thương. Loại chỉ này được làm từ lớp niêm mạc ruột của mèo, và trong một thời gian dài đã là loại chất liệu duy nhất có thể được dùng để khâu vết thương mà vẫn bị hấp thụ (tiêu) vào bên trong cơ thể người.

Xem thêm:

Việc sử dụng ruột mèo cho mục đích này có nghĩa là không cần thiết phải có một cuộc phẫu thuật thứ hai để loại bỏ các đường chỉ. Một phát minh khác được cho là đã được sử dụng lần đầu bởi Al-Zahrawi, và sau đó trở thành một công đoạn tiêu chuẩn trong ngành phẫu thuật, là việc sử dùng mực để đánh dấu các đường rạch trên mình bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

Một trang trong bản dịch tiếng Latin năm 1531 của Peter Argellata của luận án về các dụng cụ y tế và phẫu thuật của Al-Zahrawi. (Ảnh: Wikipedia)

Al-Zahawi đã có rất nhiều các đóng góp quan trọng trong lĩnh vực y học, đặc biệt trong ngành phẫu thuật. Một số những phát minh tiên phong của Al-Zahrawi vẫn được sử dụng ngày nay, hoặc đã từng được sử dụng trong một khoảng thời gian dài. Đây là bằng chứng về di sản trường tồn của Al-Zahrawi, tuy rằng nhiều người trong chúng ta có thể không nhận thức được điều đó.

Tác giả: Ḏḥwty, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version