Vào ngày 2/8/1939, nhà khoa học thiên tài người Đức Albert Einstein đã cách mạng hóa chiến tranh.
Tất cả là nhờ một bức thư dài hai trang giấy mà ông gửi cho tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt vào ngày 2/8/1939 nhằm khởi xướng một cuộc chạy đua vũ trang chống lại quân Đức Quốc Xã.
Einstein là một người theo chủ nghĩa hòa bình đã trốn chạy khỏi Đức Quốc Xã sau khi hay tin ba nhà khoa học ở Berlin đã sử dụng quá trình tách hạt nhân để tách thành công các nguyên tử uranium. Do đó ông đã quyết định viết một bức thư gửi tổng thống Mỹ Roosevelt và nói rằng “thông qua công trình của Frédéric Joliot ở Pháp, cũng như Enrico Fermi và Leo Szilard ở Mỹ—chúng ta sẽ có thể tạo ra một phản ứng phân hạch trong một khối lượng lớn uranium, nhờ đó có thể sản sinh ra một mức năng lượng khổng lồ cũng như tạo ra một số lượng lớn các nguyên tố mới giống radium. Hiện nay gần như chắc chắn điều này có thể đạt được trong tương lai trước mắt”.
Einstein đang đề cập đến cái mà hiện nay chúng ta gọi là “bom nguyên tử”.
“Hiện tượng mới này cũng sẽ dẫn tới việc sản xuất các loại bom, và chúng ta có thể nhận thức được rằng—mặc dù không quá chắc chắn—những quả bom cực đại loại mới sẽ được tạo ra. Một quả bom thuộc loại này, nếu chở bằng thuyền và khai nổ trong một bến cảng, rất có thể sẽ tiêu hủy cả bến cảng đó kèm theo một số khu vực xung quanh”.
Sau giai đoạn hai năm và rất nhiều các bức thư từ Einstein, Mỹ đã tạo ra cái được biết đến là “Dự án Manhattan”. Dự án này tập trung vào việc thiết kế và xây dựng những vũ khí mạnh mẽ nhất từng được chế tạo vào thời điểm đó.
Einstein đã không thể vượt qua bước kiểm tra về lý lịch an ninh, nên ông không thể tham gia Dự án Manhattan. Sự kiện chính thức đầu tiên đánh dấu sự phát triển của bom nguyên tử xảy ra vào năm 1945, khi một báo cáo của nhà vật lý Henry DeWolf Smyth có nhắc đến phương trình nổi tiếng E=mc² của Einstein. Phương trình của ông cho thấy trên lý thuyết bom nguyên tử là khả thi, nhưng phương trình này không có liên hệ đến việc chế tạo bom. Vào ngày 6/8/1945, Mỹ đã thả một quả bom nguyên tử nặng 5 tấn xuống Hiroshima.
Vụ nổ ngay lập tức giết chết 80.000 người, và san bằng một vùng diện tích rộng 10 km2 của thành phố
Ba ngày sau đó, một quả bom khác được thả xuống Nagasaki, và ngay lập tức đã làm gần 40.000 người thiệt mạng; ngoài ra hàng nghìn người khác cũng đã tử vong do nhiễm độc phóng xạ.
Đoạn video dưới đây quay cảnh vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima và mức độ tàn phá không thể tưởng tượng:
Tám ngày sau đó, Nhật bản đầu hàng vô điều kiện, qua đó chấm dứt Thế chiến II. Động thái này rõ ràng đã cứu sống rất nhiều sinh mạng bằng cách ngăn chặn cuộc chiến kéo dài quá lâu, nhưng nó đến với một cái giá không nhỏ.
Ông Ronald Clark – người viết tiểu sử của Einstein, nói rằng bom nguyên tử vẫn sẽ ra đời nếu Einstein không viết những lá thư đó. Nhưng nhờ có các lá thư, bom nguyên tử đã ra đời sớm để sử dụng tại Nhật Bản trong cuộc chiến.
Tháng 11/1954, 5 tháng trước khi qua đời, Einstein đã bày tỏ cảm nghĩ về vai trò của mình trong việc chế tạo bom nguyên tử: “Tôi đã phạm sai lầm to lớn trong đời mình… khi tôi kí lá thư gửi đến tổng thống Roosevelt để khuyến nghị chế tạo bom nguyên tử; nhưng cũng có một vài điểm để biện minh: mối nguy hiểm nếu phe Đức Quốc Xã chế tạo chúng.” (Clark, trang 752)
Tác giả: Troy Oakes, Vision Times
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: