Nhiều người đã bày tỏ ấn tượng của họ về Hội thảo “Tác động của Định lý Gödel đối với Khoa học và Triết học Nhận thức”, tổ chức vào ngày 18/10/2017 tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà-nội. Tôi nghĩ những ấn tượng đẹp này là một món quà Chúa ban cho tôi, và tôi muốn Tạ ơn Ngài và tạ ơn tất cả những người đã ủng hộ tôi, chia sẻ với tôi những suy nghĩ sâu sắc về định lý này …
Ngay sau khi hội thảo kết thúc, tôi nhận được một quà tặng của một người bạn thân ở Mỹ, Tiến sĩ Nguyễn Công Dzị. Đó là những cuốn sách quý.
Cuốn thứ 1: Gödel, Escher, Bach: Sợi dây kết nối bằng vàng của Thượng đế
Cuốn thứ nhất: “Gödel, Escher, Bach: An Eternal Golden Braid” (Gödel, Escher, Bach: Sợi dây kết nối bằng vàng của Thượng đế) của Douglas Hofstadter, do Basic Books xuất bản năm 1979, thời điểm bùng nổ của cuộc cách mạng thông tin. Tác giả Hofstadter là một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới hiện nay về khoa học computer và trí thông minh nhân tạo. Đây là một cuốn sách vĩ đại về tư duy khoa học, nghệ thuật và triết học, từng đoạt Giải Pulitzer, gồm 777 trang khổ A4, chữ nhỏ.
Mở ngẫu nhiên cuốn sách, kỳ lạ thay, tôi gặp ngay ý kiến của tác giả nói về “Nguồn gốc Sự sống” (The Origin of Life) ─ một trong những nội dung trọng yếu đã được tôi trình bày trong hội thảo, khi tôi sử dụng Định lý Gödel để bác bỏ lý thuyết nguồn gốc sự sống của Học thuyết Darwin.
Đây, hãy nghe Hofstadter nói (trang 548):
Từ việc học hỏi những những mối liên kết giữa phần mềm và phần cứng rắc rối phức tạp đến mức không thể tưởng tượng nổi, một câu hỏi tự nhiên và căn bản đặt ra là: “Những mối liên kết đó khởi đầu như thế nào?”. Đó thực sự là một trở ngại lớn. Người ta phải liên tưởng tới một số loại quá trình khởi động xảy ra, giống như những gì được sử dụng trong việc phát triển các ngôn ngữ mới của computer ─ nhưng một sự khởi động từ những phân tử đơn giản đến những tế bào hoàn chỉnh hầu như vượt quá khả năng tưởng tượng của con người. (Hiện nay) có nhiều lý thuyết về nguồn gốc sự sống. Tất cả những lý thuyết ấy đều bị mắc cạn tại câu hỏi cốt lõi của tất cả các câu hỏi cốt lõi: “Mã Di Truyền, cùng với các cơ chế phiên dịch của nó (ribosome và các phân tử tRNA), có nguồn gốc như thế nào?”. Trong thời điểm hiện nay, chúng ta sẽ phải tự bằng lòng với một cảm giác kinh ngạc và sợ hãi, thay vì có một câu trả lời. Và có lẽ sự trải nghiệm cái cảm giác kinh ngạc và sợ hãi đó sẽ làm cho chúng ta thỏa mãn hơn là có câu trả lời ─ ít nhất là trong một thời gian [1].
Phải nói rằng tôi có cảm giác sung sướng khi đọc những dòng trên ─ những dòng chữ của một nhà khoa học bậc thầy ủng hộ những gì tôi đã trình bày ở hội thảo, rằng tham vọng chứng minh nguồn gốc sự sống là bất khả, như một sự bác bỏ thuyết tiến hóa ngay từ tiên đề của nó. Toàn bộ đoạn văn nói trên của Hofstadter có thể tóm tắt rằng làm thế nào mà những phân tử đơn giản, vô cơ, hỗn loạn có thể ngẫu nhiên tập hợp lại thành một tế bào đầu tiên? Nguồn của Mã DNA là gì (Mã DNA bắt nguồn từ đâu)? Điều đó vượt quá sức tưởng tượng và trí tuệ của con người! Thực ra điều này đã được Lord Kelvin, tác giả của Định luật Entropy, khẳng định từ cuối thế kỷ 19, rằng vấn đề nguồn gốc sự sống vượt quá khả năng của mọi khoa học động lực học (vật lý, hóa học, sinh học). Càng biết rõ về DNA thuyết tiến hóa càng bế tắc!
Theo Hofstadter, hiện nay có nhiều lý thuyết (đúng ra là nhiều giả thuyết) về nguồn gốc sự sống (như tôi cũng đã giới thiệu sơ lược trong hội thảo), nhưng tất cả các lý thuyết ấy đều “mắc cạn” (bế tắc) ở câu hỏi quan trọng nhất trong các câu hỏi quan trọng: Nguồn của Mã DNA? Hofstadter không thẳng thừng bác bỏ các lý thuyết đó, nhưng ông tế nhị gợi ý chúng ta rằng đứng trước câu hỏi cốt lõi nhất ấy, “cảm giác ngạc nhiên và sợ hãi” sẽ là hợp lý hơn là cố đưa ra một câu trả lời vào lúc này.
Từ lúc Hofsatdter nêu lên gợi ý đó, 1979, đến nay, 2017, đã là 38 năm, vẫn không có câu trả lời. Cảm giác hợp lý của một người hiểu biết hiện nay vẫn là “kinh ngạc và sợ hãi”, không hơn không kém. Những người không biết “kinh ngạc và sợ hãi” trước bí hiểm của “Nguồn Mã DNA” chắc chắn chỉ là những anh chàng phổi bò ngây thơ mà thôi. Anh ta rất hung hăng tranh cãi, lý sự, nhưng chỉ toàn là giả thuyết này, giả thuyết nọ, anh ta chỉ ra cho chúng ta thấy hết viện nghiên cứu này đến viện nghiên cứu nọ đang tiêu hàng trăm triệu USD cho những giả thuyết ấy. Một người kém bản lĩnh sẽ bị hoa mắt, ù tai, choáng váng vì những từ ngữ và thuật ngữ khoa học do anh ta tung ra, nhưng một người có bản lĩnh như Antony Flew thì không.
Với tư cách một trong những nhà triết học duy vật nổi tiếng nhất thế kỷ 20, Flew tuyên bố: “Ắt phải có một trí tuệ siêu thông minh” cài đặt Mã DNA cho sự sống, thay vì các tương tác vật chất có thể tự làm ra điều đó. Từ một nhà triết học duy vật luôn luôn đòi hỏi bằng chứng vật chất cho mọi quan điểm triết học tự nhiên, Antony Flew đã thay đổi 180 độ khi tin tưởng vào sự hiện hữu của một lực lượng siêu hình đóng vai trò tác giả của Mã DNA. Ông bị các nhà tiến hóa xem như một kẻ phản bội, nhưng được Lý thuyết Thiết kế Thông minh (Theory of Intelligent Design) nhiệt liệt hoan nghênh.
Thật tiếc vì cuốn sách nói trên đến với tôi ngay sau hội thảo. Nếu nó đến trước, những ý kiến nói trên chắc chắn sẽ được trình bày ngay trong hội thảo, và do đó sức thuyết phục sẽ càng lớn hơn, rộng hơn. Tuy nhiên, “cơm chưa ăn gạo còn đó”. Nó sẽ còn được sử dụng nhiều lần để nói về Định lý Gödel.
Thực ra thì người tặng tôi cuốn sách đó, TS Nguyễn Công Dzị, đã gặp tôi trong tư tưởng về Định lý Gödel ngay từ những ngày đầu gặp gỡ. Chúng tôi thích thú trao đổi với nhau những nhận thức về định lý này, một định lý đóng vai trò nền tảng không chỉ của toán học, khoa học computer, mà còn của nhận thức luận nói chung. Anh là người nói cho tôi biết một sự thật ít người biết, rằng Định lý Bất toàn của Kurt Gödel thực ra đã len lỏi vào giới khoa học Việt Nam từ thời cố GS Tạ Quang Bửu còn sống.
Anh kể: Hồi ấy, cụ Bửu nói với anh rằng “Cái đúng của toán học phải tìm ở ngoài toán học”. Đối với tôi, đó là một thông tin quý báu, bởi trước đó tôi chỉ biết cụ Bửu là một “nhà phiên dịch” xuất sắc cho tư tưởng Bourbaki, một trường phái toán học hình thức do David Hilbert khởi xướng từ đầu thế kỷ 20, nhưng rốt cuộc thất bại bởi Định lý Gödel chứng minh đó là một ảo tưởng. Thông tin do TS Công Dzị cung cấp làm tôi giật mình nghĩ rằng cụ Bửu đã sớm nhìn thấy ý nghĩa trọng đại của Định lý Bất toàn, trong khi ở Việt Nam không ai biết định lý đó là cái gì.
Cuốn thứ 2: Giáo sư Tạ Quang Bửu – Con người và Sự nghiệp
Cuốn sách thứ hai: “Giáo sư Tạ Quang Bửu – Con người và Sự nghiệp” của nhiều tác giả, do Đại học Quốc gia Hà-nội xuất bản năm 2000. Trước cuốn sách này, tôi đã được biết khá nhiều chuyện “kỳ lạ và độc đáo” về GS Tạ Quang Bửu, nhưng nếu thiếu cuốn này, tôi sẽ thiệt thòi lớn, bởi trong đó có những chi tiết liên quan đến Định lý Gödel, thông qua ý kiến của GS Phan Đình Diệu và GS Hoàng Xuân Sính, khi các giáo sư nhắc đến những kỷ niệm về “Anh Bửu”. Tôi vô cùng thích thú những chi tiết đó, vì một lần nữa, nó ủng hộ những quan điểm về Định lý Gödel mà tôi đã trình bày trong hội thảo. Giá như tôi có cuốn này trước hội thảo, chắc chắn những thông tin thú vị đó sẽ được công bố ngay trong hội thảo, và chắc chắn niềm tin của mọi người về tác động của Định lý Gödel đối với nhận thức sẽ còn lớn hơn. Nhưng xin để dành những thông tin quý báu đó cho một bài viết khác. Trước khi chuyển sang ấn tượng của những người khác về hội thảo ngày 18/10 vừa qua, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến TS Nguyễn Công Dzị vì những quà tặng quý báu của Anh, đặc biệt vì câu Anh nói với tôi: “Tôi phải tặng cuốn sách về Gödel cho đúng người nào cần nó, thực sự yêu nó, và biết sử dụng nó một cách có ý nghĩa nhất”.
Sau đây là một số ấn tượng khác về Hội thảo “Tác động của Định lý Gödel đối với khoa học và nhận thức”, thông qua email hoặc bình luận trên trang nhà của tôi. Tôi xin phép được công bố những ý kiến trao đổi quý báu này, như một cử chỉ bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đến các Bác, các Anh/Chị, các Bạn, các Cháu đã gửi những ý kiến đó đến cho tôi.
- 2017/10/19 Nguyễn Quang Hưng, Giáo sư Tiến sĩ Triết học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà-nội
GS Phạm Việt Hưng thân mến! Trước hết, xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới giáo sư vì buổi thuyết trình chiều qua. Nó rất bổ ích cho nhiều người. Từ bấy lâu nay, phần đông giới nghiên cứu ở Việt Nam coi thuyết tiến hóa như một chân lý hiển nhiên không phải bàn cãi. Buổi thuyết trình của giáo sư đã buộc nhiều người phải “giật mình”. Riêng tôi vốn đã có một số điều không ưng ở cái thuyết đó, trong thâm tâm không tin nó lắm. Nghe buổi thuyết trình của giáo sư tôi càng thấy vững tin hơn ở mình. Cảm ơn giáo sư nhiều lắm.
- 2017/10/23 Đoàn Văn Phụng, Thạc sĩ Toán-Lý, USA
Kính thưa Anh Hưng, Đọc email của Anh ưu ái gởi cho tôi, tôi nhận thấy nhờ thần giao cách cảm Anh cũng biết tôi ngóng tin. Tôi thấy hân hoan sung sướng vì Ơn Chúa ban để Anh hoàn thành tốt đẹp cuộc hội thảo này – với đề tài và cử toạ giàu trí tuệ như thế. Thật không dễ dàng chút nào, tôi có thể mường tượng được. Nhưng với tâm tình yêu mến Chúa và khả năng đa dạng cùng với tư chất thông minh Ngài ban cho Anh, tôi tin tưởng vào sự thành công của hội thảo. Tôi đồng tâm với Anh để dâng lời Tạ Ơn vì Chúa đã nói “I am The Way, The Truth and The Life”… Tôi không giấu được sự mong chờ đường link để xem cuộc hội thảo vừa qua của Anh. Quý mến, Benedict P.
- 23/10/2017 Thùy Linh, Kỹ sư Xây dựng
Cháu chúc mừng chú Hưng! Buổi hội thảo tuyệt vời lắm chú ạ! Suốt 4 tiếng đồng hồ, được nghe chú Hưng trực tiếp diễn thuyết, được nghe ý kiến thảo luận sôi nổi của những giáo sư triết học hàng đầu và các thính giả, cháu thấy rất vui sướng và xúc động. Nội dung và diễn biến buổi hội thảo đã mở ra một khung cảnh đặc biệt, khác lạ, đáng nhớ mà lần đầu tiên cháu được trải nghiệm. Cháu xin cảm ơn chú Hưng rất nhiều.
- 25/10/2017 Trương Sĩ Hùng, Giáo sư Triết học và Lịch sử, Viện Khoa học Xã hội, đã về hưu.
Thật hay và lý thú. Mong sao cuốn sách về vấn đề này sớm ra đời
- 25/10/2017 Đỗ Hồng Thành, Thạc sĩ Triết học
Cháu thấy buổi hội thảo hôm ấy rất hay, có mặt trong buổi hội thảo hôm ấy là một trải nghiệm thú vị bác ạ, Cháu Thành.
- 25/10/2017 Bùi Hoàng Vị, Giảng viên Đại học Việt Mỹ
Cám ơn bác Phạm Việt Hưng, Đây không chỉ là một bài thuyết trình về “triết học nhận thức”, mà là một bài thuyết giáo tuyệt vời mà chưa có một linh mục/giám mục nào làm được. Rất may mắn và hạnh phúc được “thưởng thức” bài nói chuyện của bác.
- 25/10/2017 Chris, độc giả của trang PhamVietHung’s Home
Dear Mr. Phạm Việt Hưng – Thank you for creating this website and have offered all those writings and translations. I came to your site by trying to find information for my Vietnamese fiancee (Atheist) and myself (from home raised as Christian…though not practicing) – I came to the firm believe that if we were to live in peace and harmony we will need to know and honour God, the creator of love, first. – Thank you again for this great source of information. One thing that I saw a lot while browsing through the list of book titles were things like “Évolution lies” – My father is an Astronomer and Mathematician as well as a deep religious man…I was raised with the same notion you seem to have about Darwin and his confession etc. or Stephen Hawking that does covertly admit to believe that there must be a creator etc. – I just want to say that the book ‘The Language of God – by Collins’ – answered many questions in this regard and since I’ve read this I must say that ‘the perfect creation’as God made it AND the evolution of species and the big bang theory etc. those theories all can live in perfect harmony and is not any less of a miracles than to believe in the literal 7 day creation of this earth – Kind regards, Chris
- 28/10/2017 Hồ Xuân Hương, Thạc sĩ Toán-Lý, USA
Thưa Anh Hưng, Cám ơn Anh thật nhiều. Nhận được link videos tôi đã ngồi suốt 5 tiếng đồng hồ để theo dõi tất cả 26 đoạn video clips. Không thể nói gì hơn là vô cùng thích thú và hào hứng theo dõi vị diễn giả phải nói là đẹp lão, thông thái và sôi nổi… từ đầu đến cuối. Đúng như GS Nguyễn Quang Hưng nói, trẻ hơn đến 20 tuổi mà chưa chắc có được giọng nói hùng hồn như GS Việt Hưng trong suốt 4 giờ đồng hồ liên tục không cần nghỉ giải lao, mà người tham dự vẫn đông đến phút cuối! Điều ấy rõ ràng nói lên sự thành công đáng ngưỡng mộ của Anh, nhất là với đề tài khá khó nuốt như vậy. Tôi bị cuốn hút như chưa bao giờ vậy, vì trước nay tôi chưa bao giờ ngồi xem hết một cuốn băng ca nhạc kịch “Paris By Night”. Tôi hiểu rằng khán thính giả tại hiện trường chắc còn hào hứng hơn gấp bội. XH.
- 30/10/2017 Nguyễn Quốc Bảo, Sinh viên Đại học Y TPHCM
Cảm ơn GS về những chia sẻ. Con là sinh viên trường Đại học Y tại Sài Gòn. Với kiến thức khoa học của con, con ngỡ ngàng vì độ chính xác mà cơ thể chúng ta vận hành. Từ cấp độ phân tử đến tế bào, đến các cơ quan. Nhiều lúc con cũng tự hỏi bản thân, rằng có một đấng siêu nhiên nào đứng sau mọi sự hay không? Và nhờ vào trang nhà của GS, con đã tìm ra câu trả lời cho mình. Không chỉ về mặt kiến thức, mà còn làm sáng tỏ hơn đức tin của con. Một lần nữa con xin chân thành cảm ơn GS.
- 2017/10/20 Lê Đức Thuận, Kỹ sư Kỹ thuật Hàng Không, phó phòng quản lý kỹ thuật bay
Kính chào giáo sư Hưng, Đầu thư tôi xin kính gửi đến giáo sư lời chúc sức khỏe, an lạc trong từng sát-na. Hôm vừa rồi tôi có được theo dõi buổi nói chuyện của giáo sư tại hội trường khoa Triết – Trường ĐH XH và Nhân Văn. Cũng như các buổi trình bầy trước đây của giáo sư, nó đã rất cuốn hút tôi. Tôi cũng đã đọc nhiều bài viết của giáo sư trên trang cá nhân ( https://viethungpham.com/ ). Tôi rất mong tiếp tục nghe các buổi giảng như vừa qua. Và rất mong nhận được bộ bài giảng (power point) của giáo sư, qua đó tôi có thể tiếp tục các học thuật của cá nhân mình. Một lần nữa xin chúc giáo sư khỏe, yên vui trong từng phút giây. Lê Đức T.
- 2017/10/19 Anvi Lê, Nhà Nghiên cứu Văn hóa Việt Cổ
Chào Thầy, Rất mong gặp Thầy, có thể vào Weekend, nếu Thầy xắp xếp đc thời gian. Tôi muốn trao đổi với Thầy một số vấn đề quan tâm. Không biết Thầy đã có buổi diễn thuyết nào trước đó tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chưa? Nếu buổi vừa rồi (18/10/2017) là buổi đầu tiên thì quả thật đây là một sự kiện lớn. Về sự sụp đổ của Darwinism thì tôi đã được nghe rồi. Hội thảo lần này có nhiều cái mới rất thú vị, mở ra một tầm nhìn rộng hơn, bao quát hơn. Kính chúc Vạn An!
- 19/10/2017, Lê Thanh Hiền, Sinh viên mới tốt nghiệp đại học
Chào bác, từ hôm qua con được nghe buổi thuyết trình của bác về đến giờ con vẫn còn dư âm vì quá hay, quá tuyệt vời, quá thuyết phục bác ạ… Nói chung con thấy khối lượng kiến thức bác cung cấp về mọi lĩnh vực đều rất sâu rộng và đẳng cấp trình độ bác ạ. Con rất xúc động… Kính chúc bác thật nhiều sức khỏe và có dịp nào như thế này bác lại cho con biết nhé. Con chào bác ạ. Lê Thanh Hiền.
Thông điệp từ Hội thảo
Định lý Bất toàn của Kurt Gödel đã vượt ra khỏi mảnh đất sinh trưởng của nó, toán học, để vươn rộng ra khắp mọi lĩnh vực của nhận thức. Nó buộc khoa học về nhận thức (epistemology) hoặc triết học nhận thức (cognitive philosophy) có những thay đổi, điều chỉnh cần thiết. Nó chỉ ra rằng tư tưởng triết học của Immanuel Kant từ xa xưa, thế kỷ 18, là đúng đắn, khi ông cho rằng nhận thức lý tính là có giới hạn, và rằng có những hiện thực chúng ta không thể nhận thức bằng lý tính. Có nghĩa rằng trực giác mới thực sự là ngọn đèn soi sáng cho chúng ta khám phá, mặc dù trực giác có thể phạm sai lầm.
Triết học nhận thức có lẽ là tầng cao nhất của trí tuệ con người, và Định lý Gödel “vô tình” xâm nhập vào tầng cao nhất đó. Trong thời đại hiện nay, thế giới quan của chúng ta có thể sẽ bị thiếu hụt hoặc nhầm lẫn méo mó nếu chúng ta không trang bị cho mình một hành trang tri thức bao gồm những hiểu biết về Định lý Gödel. Đó là thông điệp cốt lõi của cuộc hội thảo ngày 18/10/2017 tại Khoa Triết Đại học KHXH&NV Hà-nội.
Nhưng, một khi bàn về nhận thức, thực ra chúng ta bàn về bản chất của con người. Vậy câu hỏi trung tâm, câu hỏi quan trọng nhất, và cũng là khó nhất của khoa học và triết học là: “Con người là gì?”.
Trong khoa học và triết học có hai quan điểm triết học đối lập về bản chất con người. Quan điểm thứ nhất là quan điểm nhất nguyên, cho rằng xác và hồn là một, con người đơn giản chỉ là một thực thể vật chất, tuân thủ các định luật vật chất, và do đó ý thức hoặc tinh thần, hoặc linh hồn, cũng chỉ là kết quả của hoạt động của bộ não mà thôi. Nói đơn giản, với quan điểm nhất nguyên, chết là hết.
Quan điểm thứ hai là quan điểm nhị nguyên, cho rằng xác và hồn, tuy rằng liên kết chặt chẽ khi con người đang sống, nhưng thực ra là hai dạng hiện thực độc lập, linh hồn vẫn tồn tại sau cái chết thể xác. Điển hình cho tư tưởng nhị nguyên về con người là René Descartes và Kurt Gödel.
Từ thế kỷ 17, Descartes đã nêu lên Luận đề về Ý thức (Thèse de la conscience), thách đố khoa học duy vật, trong đó khẳng định sự hiện hữu của ý thức như một dạng hiện thực phi vật chất, vì ý thức không tuân thủ bất cứ một định luật vật chất nào. Với tư tưởng đó, ông nói lời cuối cùng trước khi ra đi vào cõi khác: “Allons, s’en va mon âme!” (Nào, hãy lên đường đi, linh hồn ta hỡi!)
Kurt Gödel, cha đẻ của Định lý Bất toàn, nhà logic vĩ đại nhất kể từ sau Aristotle, tuyên bố: “Bộ não là một chiếc máy tính kết nối với một linh hồn”(The brain is a computing machine connected with a spirit).
Người ta phê phán Descartes và Gödel là duy tâm, nhị nguyên,… nhưng không ai bác bỏ được Luận đề Descartes về ý thức. Muốn bác bỏ một cách thuyết phục, buộc phải chứng minh ý thức là một dạng vật chất nào đó. Nhưng sau 3 thế kỷ rưỡi, mọi tham vọng chứng minh bản chất vật chất của ý thức đều thất bại tan tành. Khoa học bất lực trước việc phá vỡ bí mật của ý thức. Bản thân tôi đã đề xuất một hệ tiên đề về ý thức, trong đó cho rằng ý thức là một dạng thông tin của sự sống [2].
Thực tế, đa số mọi người trên thế gian đều tin vào sự hiện hữu của linh hồn sau cái chết. Đó là lý do người Việt có Đạo thờ cúng tổ tiên. Các nền văn minh Tây phương tuy không thờ cúng như người Việt, nhưng cũng có những lễ tưởng nhớ các linh hồn. Ngay cả người vô thần cũng tham gia những lễ tưởng nhớ đó.
Định lý Gödel, tuy không trực tiếp đề cập tới các thế giới siêu hình, nhưng nó là một gợi ý logic để chúng ta suy ngẫm về sự hiện hữu của các thế giới đó. Đơn giản vì nó nói với chúng ta rằng, tư duy lý tính rất hạn hẹp, nó chỉ cho phép chúng ta tiếp cận với thế giới vật chất cân đong đo đếm được mà thôi. Trong khi thế giới hiện thực ngày càng để lộ ra những tầng phi vật chất mà tư duy vật chất bất lực, điển hình là THÔNG TIN.
Những tư duy nói trên đã thể hiện trong hội thảo ngày 18/10/2017, và đã được làm cho phong phú thêm bởi ý kiến của các đại biểu trong và ngoài hội thảo. Một lần nữa xin chân thành cảm tạ tất cả các Bác/Anh/Chị/Bạn/Cháu đã tham gia hội thảo và đóng góp ý kiến quý báu xung quanh những vấn đề nêu lên trong hội thảo: “Tác động của Định lý Gödel đối với khoa học và triết học nhận thức”.
CHÚ THÍCH
[1] Nguyên văn: “A natural and fundamental question to ask, on learning of these incredibly intricately interlocking pieces of software and hardware is: “How did they ever get started in the first place?”. It is truly a baffling thing. One has to imagine some sort of a bootstrap process occuring, somewhat like that which is used in the development of new computer languages – but a bootstrap from simple molecules to entire cells is almost beyond one’s power of imagine. There are various theories on the origine of life. They all run aground on this most central of all central questions: “How did the Genetic Code, along with the mechanisms for its translation (ribosomes and tRNA molecules), originate?”. For the moment, we will have to content ourselves with a sense of wonder and awe, rather than with answer. And perhaps experiencing that sense of wonder and awe is more satisfying than having an answer – at least for a while”.
[2] Xem “Science Can’t Crack Consciousness / Khoa học không thể phá vỡ bí mật của ý thức”
Đăng tải với sự cho phép của tác giả Phạm Việt Hưng
Xem thêm:
- Các bài khác của tác giả Phạm Việt Hưng
- Cái gì vượt quá tầm với hạn chế của lý lẽ và khoa học hiện đại?
- Mắc cùng bệnh như GS. Stephen Hawking, nhưng đức tin đã giúp GS. Uông chiến thắng bệnh tật