Đại Kỷ Nguyên

Ảnh chụp quét bức tượng cổ đại hé lộ bức tranh kiệt tác về cuộc đời Đức Phật

Hình chụp quét 3D đã hé lộ những cảnh tượng được khắc trên áo choàng của Đức Phật vốn trước đây chưa thể quan sát thấy. (Ảnh: Freer and Sackler Youtube video)

Các bức hình chụp quét 3D trên một bức tượng hoà thượng có kích cỡ người thật từ thế kỷ 6 đã hé lộ những bức họa kiệt tác được khắc lên đá vôi, miêu tả cuộc đời và quá trình truyền đạo của Đức Phật.

Các hình vẽ chạm khắc gần như không thể quan sát được bằng mắt thường, vì vậy những bức ảnh chụp quét mới sẽ cho phép các chuyên gia giải mã các câu chuyện được chạm khắc công phu lên chiếc áo choàng.

Bức tượng Tỳ Lô Giá Na Phật, được biết đến với Phật hiệu “Đại Nhật Như Lai” (Cosmic Buddha) đã được phát hiện tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và có niên đại từ thời Bắc Tề (550 – 577 SCN), giai đoạn ghi nhận sự chuyển biến lớn lao trong nghệ thuật và sự biểu đạt tín ngưỡng tôn giáo. “Những cảnh mang tính giai thoại bao phủ trên chiếc áo choàng quanh thân tượng tượng trưng cho cuộc đời của Đức Phật trong lịch sử, cũng như “Lục đạo luân hồi”, một tấm bản đồ hình tượng trong Phật giáo”, theo ghi chú trong triển lãm Bộ Sưu tập Nghệ thuật Freer (Freer Gallery of Art), nơi bức tượng Phật được trưng bày.


Tượng Phật được trưng bày tại triển lãm Bộ sưu tập Nghệ thuật Freer ở Washington DC, Mỹ (Ảnh: public domain)

“Trong kinh Phật, Đại Nhật Như Lai được miêu tả như một năng lượng sản sinh ra hết thảy các hiện tượng trong vũ trụ. Ngài cũng là hình tượng trung tâm trong hai pháp môn Phật giáo ở Trung Quốc là Thiên Thai tông và Hoa Nghiêm tông. Những cảnh vẽ giai thoại tượng trừng của ý niệm phát xuất ra từ chính bản thân vị Phật và minh họa cho những giáo lý căn bản trong Phật giáo. Có thể trước đây các cảnh tượng này đã được tô màu, do [trên thân bức tượng] có một số vệt màu còn sót lại”.

Hình quét 3D hé lộ những họa tiết chạm khắc tinh xảo

Tờ The Washington Post đưa tin rằng, những nét chạm khắc trên bức tượng Phật đã trở nên rất mờ nhạt, nên trong những năm qua các nhà nghiên cứu cùng những nhà sử học nghệ thuật đã rất cố gắng ráp nối các hình minh họa lại với nhau bằng phương pháp áp mảnh giấy lên thân tượng và chà mực lên đó. Tuy nhiên, khi phương pháp này bắt đầu khiến bề mặt bức tượng bị mài mòn, thì ông Keith Wilson, người phụ trách các tác phẩm nghệ thuật Trung Hoa tại Triển lãm Freer và Sackler, đã phải nhờ tới sự hỗ trợ của chương trình kỹ thuật số 3D mới của Viện Smithsonian.

Khi các bức ảnh quét được đưa ra, ông Wilson đã phải sững sờ trước mức độ rõ ràng và chi tiết của những hình chạm khắc, thậm chí đã hé lộ những chi tiết không thể thấy rõ được trước đây.   

Sau khi phương pháp áp giấy lên thân tượng và chà mực lên không hiệu quả, người ta đã chuyển sang phương pháp chụp quét 3D, và một kiệt tác nghệ thuật đã xuất hiện. (Ảnh: Freer Sackler Museum of Asian Art)

Chia sẻ với tờ Washington Post, ông Wilson nói rằng ở sau lưng bức tượng, ông đã tìm thấy “một trong những hình họa phức tạp nhất trong Kinh Phật, một sự kết hợp giữa 3–4 điển tích trong cùng một bức họa… Đây là một trong những trường hợp kết hợp sớm nhất thuộc loại này. Vì thông thường sẽ chỉ có một bối cảnh [được đưa ra]”.

Việc nghiên cứu những cảnh tượng minh họa không thể quan sát được trước đây đã dẫn ông Wilson đến kết luận rằng bức tượng này có thể đã đóng vai trò một công cụ giảng dạy, có lẽ trong một tu viện, nơi các vị sư giảng dạy về giáo lý Phật gia.


Những họa tiết chi tiết được hé lộ. Các hình chụp quét 3D đã hé lộ những cảnh tượng trước đây chưa thể quan sát thấy, được chạm khắc trên áo choàng của Đức Phật. (Ảnh: Freer and Sackler YouTube video)

“Bằng cách quan sát những hình chụp 3D, các học giả hiện đã có thể nghiên cứu những cảnh tượng này để biết được giá trị nghệ thuật của chúng, tương tự như với các bức họa thông thường. Các hình chụp có thể giúp làm sáng tỏ các hình minh họa giai thoại về Trung Quốc thời cổ đại và cung cấp vốn hiểu biết quan trọng về nền văn hóa Trung Quốc vào thế kỷ thứ 6”, Triển lãm Freer và Sackler cho hay. “Nhờ mô hình 3D, tượng Đại Nhật Như Lai sẽ có thể được hợp tác nghiên cứu bằng những cách thức chưa từng có trước đây, khi những “bản sao” của bức tượng có thể được chia sẻ với các đồng nghiệp ở Trung Quốc và trên toàn thế giới”.

Video miêu tả các cảnh tượng chi tiết trên áo choàng của bức tượng Phật qua ảnh chụp quét 3D:

Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc tại đây
Thạch Khách biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version