Bề ngoài nhìn có vẻ khá hay và hấp dẫn người xem nhưng hiểm họa ẩn đằng sau của màn ảo thuật này sẽ khiến nhiều người giật mình.
Chắc hẳn ai trong chúng ta đều thích ảo thuật bởi sự kỳ diệu cũng như cuốn hút từ đôi bàn tay của các nghệ sỹ. Và mới đây, trên mạng xã hội đang lan truyền lại một màn ảo thuật được thực hiện từ năm 2017 có tên “Đổ thùng rỗng, dập lửa hàng trăm ngọn nến” khiến bạn thốt lên rằng “Chuyện quái gì vừa diễn ra vậy?”. Hình ảnh dưới đây là dẫn chứng:
Đúng như tên gọi của màn ảo thuật, người thanh niên chỉ cầm chiếc thùng nhựa rỗng đổ không khí ra ngoài và “vù” một cái toàn bộ số nến đang cháy đều vụt tắt. Ma thuật gì ở đây chăng? Chiếc thùng chẳng chứa nước hay bất kì thứ chất lỏng nào cả nhưng nó vẫn có thể dập lửa. Tại sao vậy?
Tất nhiên cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Những ai tinh mắt nếu để ý kỹ một chút sẽ thấy chiếc thùng có chứa “khí” nào đó và nó có thể làm tắt sự cháy. Theo như lý giải, loại khí đặc biệt được sử dụng trong màn ảo thuật này là sulfur hexafluoride (SF6).
Để cho dễ hiểu hơn một chút, hãy đả động một tý sang hóa học.
Những ai yêu môn Hóa đều biết Heli, đó là loại khí rất nhẹ thường được dùng trong bóng bay, nhưng đồng thời còn có một hiệu ứng khác là khiến giọng của bạn vọt lên tông rất cao, nghe the thé giống mấy con sóc chuột. Là vì Heli nhẹ hơn không khí nên khi đi qua thanh quản, nó khiến tốc độ sóng âm và tần số âm thanh tăng lên và làm cho giọng bạn nghe lên cao vút.
Còn sulfur hexafluoride thì ngược lại với Heli, nó nặng hơn không khí tới 5 lần và nếu có cơ hội đi qua thanh quản, giọng của bạn sẽ trầm một cách rùng mình.
Quay trở lại với màn ảo thuật, do nặng hơn không khí nên chàng thanh niên kia có thể đổ đầy SF6 vào thùng. Và khi đổ ra, SF6 sẽ chìm xuống dưới thay vì bay lên trên giống như đổ 1 làn nước vô hình vậy. Là chất không duy trì sự cháy nên những cây nến đang sáng rực kia bị dập tắt như thế.
Nhìn thú vị và sướng mắt thật nhưng ít ai biết rằng loại khí đem đến trải nghiệm “đã” về mặt thị giác này lại tác động tiêu cực với môi trường. SF6 là một chất gây ra hiệu ứng nhà kính, thậm chí còn độc hơn CO2 gấp 22.800 lần, tức là 1kg khí SF6 sẽ tương đương với 22,8 tấn CO2.
Tồi tệ hơn, khi đi vào bầu khí quyển, nó có thể ở lại đó 3.200 năm. Nguy hiểm là thế nhưng SF6 ngăn sự cháy nên nó vẫn thường được dùng trong ngành công nghiệp điện bởi chúng ta vẫn chưa có phương án ngừa hỏa hoạn nào thay thế. Trong thiết bị chuyển mạch điện khí SF6 luôn được sử dụng trong khoang chứa khí, giảm thiểu tối đa sự rò rỉ. Điều này làm ảnh hưởng thực sự lên hiệu ứng nhà kính giảm đáng kể.
Theo báo cáo của SF6 Gasworld tính tới năm 2002, ngành công nghiệp thế giới đã thải ra khí quyển khoảng 600 tấn SF6, tương đương với hơn 3 triệu xe ô tô cùng sản sinh ra khí thải trong một năm.
Chiếc thùng nhựa trong màn ảo thuật trên có dung tích có dung tích khoảng 30l; nghĩa là nếu anh chàng này đổ SF6 đầy thùng, việc làm này tương đương với một chiếc ô tô khách thải ra 4,4 tấn CO2 trong suốt một năm (theo số liệu thống kê của Cơ quan bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ).
Vậy nên đừng lấy 1 vài phút đồng hồ vui vẻ để thực hiện màn ảo thuật thú vị này gây ảnh hưởng tới môi trường, 1 người thì vấn đề nhỏ thôi nhưng nhiều người như thế không khéo sẽ thành thảm họa.
Sơn Tùng