Các nhà nghiên cứu từ Đại học Washington (Mỹ) tuyên bố đã tìm ra nguyên nhân tại sao khi nhìn thấy người khác gãi ngứa, bỗng dưng bản thân cũng cảm thấy ngứa ngáy.
Giống như ngáp, gãi có thể là một hành vi có tính truyền nhiễm, chỉ đơn giản bắt gặp một người khác đang gãi cũng có thể khiến bạn cảm thấy ngứa ngáy.
Tuy rằng các nghiên cứu trước đây đều chưa thể lý giải một cách rõ ràng và hợp lý, các nhà khoa học tại trung tâm nghiên cứu về ngứa thuộc Đại học Washington đã đưa ra kiến giải của mình dựa trên nghiên cứu về các phản ứng tương tự trên chuột bạch.
Đầu tiên, họ đưa một cặp chuột bạch vào các hộp chứa đặt cạnh nhau rồi phân tích hành vi của chúng. Tất cả các dấu hiệu chỉ ra rằng nếu một con chuột có hành vi gãi ngứa, thì con kia nhiều khả năng cũng sẽ làm điều tương tự.
Để đảm bảo phản ứng này hoàn toàn dựa trên nhận thức thị giác, họ lặp lại thử nghiệm bằng cách chiếu cảnh chuột gãi ngứa trên màn hình video, và nó cũng cho ra kết quả tương tự.
(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)
“Điều này rất đáng ngạc nhiên bởi loài chuột vốn có tầm nhìn kém. Chúng thường sử dụng mùi và xúc giác để khám phá khu vực xung quanh; nên chúng tôi không biết liệu con chuột có nhìn thấy video hay không. Hóa ra nó không chỉ nhìn thấy video, mà còn biết được con chuột trong video đang gãi ngứa”, nhà nghiên cứu Zhou-Feng Chen cho biết
Bởi những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng một con chuột chỉ biểu lộ sự đồng cảm với những con chuột khác mà nó biết, nhưng trên thực tế con chuột trên màn hình là một con chuột lạ, nên điều này cho thấy sự đồng cảm ở loài chuột không có liên quan gì đến nhu cầu gãi ngứa.
Kết quả chụp quét não trên chuột cho thấy một khu vực trong vùng dưới đồi (Hypothalamus) gọi là SCN sẽ sáng lên trong khoảnh khắc chúng bắt chước hành vi gãi ngứa của con chuột khác.
Thông thường vùng não này sẽ kiểm soát nhịp sinh học, sử dụng các tín hiệu ánh sáng được mắt tiếp thụ để xác định thời điểm nào trong ngày con chuột nên cảm thấy buồn ngủ hoặc tỉnh táo.
“Vì SCN tiếp nhận các tín hiệu thị giác trực tiếp hoặc gián tiếp, nên chúng tôi đưa ra giả thuyết cho rằng đây có thể là một trong những mạch chuyển tiếp đầu tiên trong việc điều khiến cảm giác ngứa ngáy mang tính lây truyền”, nghiên cứu cho hay.
Không nhiều người biết rằng ngứa có tính “lây truyền xã hội”. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy ngứa khi nhìn thấy ai đó đang gãi. (Ảnh: Internet)
Để truyền tín hiệu ngứa ngáy, các dây thần kinh trong SCN sử dụng một phân tử giống protein gọi là GRP – một hợp chất mà Chen và nhóm nghiên cứu đã xác nhận là một phương tiện chủ chốt trong việc dẫn truyền “tín hiệu ngứa ngáy” giữa da và tủy sống vào năm 2007.
Khi GRP trong bộ não bị chặn lại, con chuột đã ngừng gãi khi quan sát những con chuột khác đang gãi, ngay cả khi da chúng vẫn có thể cảm thấy ngứa ngáy.
Mặt khác, việc tiêm GRP trực tiếp vào não chuột cùng lúc sử dụng các điện cực để kích thích SCN sẽ khiến chúng “gãi như điên”.
“Con chuột không vì thấy một con chuột khác đang gãi mà nghĩ rằng nó cũng cần phải gãi”, Chen nói. Thay vào đó, bộ não chúng bắt đầu gửi đi tín hiệu ngứa ngáy, sử dụng GRP như một phương tiện dẫn truyền.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể phân tích chính xác các mạch thần kinh đang hoạt động, để tìm ra cơ chế chính xác một hình ảnh kích hoạt một phản ứng bẩm sinh.
Tôn Kiên tổng hợp
Xem thêm: