Đại Kỷ Nguyên

Ba cổ vật đáng kinh ngạc của người Viking: Đá mặt trời, Bia đá cổ ngữ và kiếm Ulfberht

Trên cùng bên trái: Đá canxit vùng Iceland, có thể là loại đá người Iceland thời Trung Cổ dùng để định vị Mặt trời trong những ngày nhiều mây hoặc sương mù. (Ảnh: ArniEin từ Wikimedia Commons) Phải: Ảnh chụp hai bề mặt được chạm khắc của bia đá Kensington Runestone trong cuốn sách "The Kensington Rune-Stone: An Address”, của tác giả George Flom, vào năm 1910. (Ảnh: Hiệp hội Lịch sử bang Illinois từ Wikimedia Commons) Dưới cùng bên trái: Lưỡi kiếm Ulfberht được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Germanisches, Nuremberg, Đức. (Ảnh: Martin Kraft từ Wikimedia Commons)

Người Viking là một trong những hoa tiêu lão luyện nhất thời cổ, với những cuộc viễn thám đến các vùng đất xa xôi và những huyền thoại vẫn tiếp tục cuốn hút trí tưởng tượng của nhân loại. Dưới đây là một số tạo vật phần nào có thể hé mở thông tin về những chuyến phiêu lưu của họ, đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi dường như phủ thêm lên nhóm người này những lớp áo choàng bí ẩn.

Đá Mặt trời trong truyền thuyết?

Đá canxit vùng Iceland, có thể là loại đá người Iceland thời Trung Cổ dùng để định vị Mặt trời trong những ngày nhiều mây hoặc sương mù. (Ảnh: ArniEin từ Wikimedia Commons)

Đá mặt trời đã được đề cập đến trong những truyền thuyết của người Viking. Người ta cho rằng loại đá này có khả năng giúp các hoa tiêu xác định chính xác vị trí Mặt Trời trong những ngày u ám.

Năm 2002, một mảnh đá canxit Iceland đã được tìm thấy bên trong một con tàu đắm dưới đáy eo biển Manche (còn gọi là eo biển Anh, English Channel) từ thế kỷ 16. Mảnh đá này nằm khá gần với những công cụ hàng hải khác. Trong một bài viết được đăng trên tạp chí Tập san Hiệp hội Hoàng gia A (Proceedings of the Royal Society A) vào năm 2013, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi các nhà khoa học từ Đại học Rennes của Pháp đã nói rằng mảnh đá canxit này có thể chính là viên đá Mặt trời trong truyền thuyết.

Những viên đá Iceland này có thể khúc xạ các chùm sáng theo cách đặc biệt để giúp chúng ta xác định chính xác vị trí nguồn sáng.

Do loại đá canxit này không được phát hiện tại những khu vực đắm tàu khác, nên một số chuyên gia nghiên cứu Bắc Âu đã bày tỏ sự hoài nghi về tính xác thực của ‘viên đá Mặt trời’ này. Đồng thời, loại đá Mặt trời cũng rất ít khi được đề cập đến trong truyền thuyết. Một ví dụ khá hiếm hoi về loại đá này có thể được tìm thấy trong câu chuyện cổ về Thánh Olaf: Ông được cho là đã dùng viên đá để xác định vị trí Mặt Trời trong một ngày đầy tuyết.

Giáo sư Albert Le Floch từ Đại học Rennes đã trao đổi với kênh CBS News rằng các viên đá này có lẽ sẽ không được tìm thấy tại những nơi cất giấu các món đồ tạo tác khác của người Viking, bởi chúng sẽ bị phân hủy. Các viên đá này có khả năng bị tàn phá bởi muối biển, nhiệt độ và một số yếu tố khác.

Phiến đá Kensington: bằng chứng về cuộc viễn chinh của người Viking tại Châu Mỹ?

Ảnh chụp hai bề mặt được chạm khắc của bia đá Kensington Runestone trong cuốn sách “The Kensington Rune-Stone: An Address”, của tác giả George Flom, vào năm 1910. (Ảnh: Hiệp hội Lịch sử bang Illinois từ Wikimedia Commons)

Năm 1898, một người nông dân Mỹ gốc Thụy Điển tên Olof Ohman tuyên bố rằng ông đã phát hiện được một phiến đá có khắc cổ ngữ Rune của người Viking tại miếng đất của mình ở bang Minnesota (Mỹ). Chữ khắc trên đó kể về một cuộc thám hiểm vào năm 1362 và kết cục là 10 thủy thủ đoàn đã chết dưới tay thổ dân bản địa Châu Mỹ.

Nội dung chữ rune trên phiến đá được phiên dịch sang tiếng Anh là: “8 người tại miền nam Thụy Điển và 22 người Na Uy đang thám hiểm vùng đất từ Vinland ra phía xa bờ Tây. Chúng tôi đặt bẫy ở hai túp lều, rồi đi lên phía bắc từ vị trí hòn đá này trong một ngày. Chúng tôi câu cá trong một ngày. Sau khi trở về, chúng tôi tìm thấy thi thể của 10 người đàn ông, và 1 người phụ nữ. Quả thật là thông điệp của quỷ”!

Tuy người Viking được biết là đã từng đặt chân đến những vùng đất hiện nay là miền bắc Canada ngay từ những năm 1000 SCN; tảng đá cổ ngữ rune này là bằng chứng cho thấy người châu Âu đã từng đi xuống phía nam trước cả thời Christopher Columbus đặt chân lên Tân Thế Giới.

Một bài viết năm 2004 trên tờ The Seattle Star Tribune (một tờ báo lớn nhất của tiểu bang Minnesota) đã giải thích tại sao tính chân thực của phiến đá hiện đang bị chất vấn. Các tư liệu được một thợ may người Thụy Điển tên Edward Larsson viết vào năm 1885 đã hé mở một dạng chữ Rune được sử dụng bí mật trong giới thương nhân. Theo nhận định của các nhà ngôn ngữ học người Thụy Điển được trích dẫn trên báo, một số ký tự rune sử dụng trong tài liệu của Larsson trùng khớp với những ký tự trên phiến đá. Họ cho rằng những ký tự này không tồn tại vào thế kỷ 14, mà giống với những mẫu chữ hiện đại hơn.

Michael Michlovic, giáo sư nhân chủng học và trưởng khoa nhân chủng học từ Đại học bang Minnesota – Moorhead, trao đổi với tờ Tribune: “Theo quan điểm của tôi, phát hiện này đã một lần nữa đưa ra bằng chứng chống lại tính xác thực của phiến đá Kensington … Bằng chứng mới này thực sự rất vững chắc”.

Ngược lại, nhà địa chất học Scott Wolter vẫn tin rằng phiến đá này là thực. Ông nói rằng vết tích phong hóa của chữ khắc trên bia đá cho thấy nó hẳn phải có niên đại cổ hơn rất nhiều, và nó không thể được tạo ra vào cuối thế kỷ 19.

Ulfberht: Thanh kiếm thần tích

Lưỡi kiếm Ulfberht được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Germanisches, Nuremberg, Đức. (Ảnh: Martin Kraft / Wiki)

Thanh kiếm Viking Ulfberht được rèn nên từ thứ kim loại thuần khiết đến nỗi đã làm chấn động các nhà khảo cổ học. Người ta tin rằng kỹ thuật để rèn những lưỡi kiếm như vậy chỉ xuất hiện khoảng 800 năm sau đó hoặc lâu hơn, vào thời cách mạng công nghiệp.

Khoảng 170 thanh kiếm Ulfberht đã được phát hiện, có niên đại từ giai đoạn 800-1000 năm SCN. A NOVA, một bộ phim tài liệu của kênh National Geographic (Địa lý Quốc gia) với tựa đề “Bí ẩn của thanh kiếm Viking” (Secrets of the Viking Sword) lên sóng truyền hình lần đầu tiên vào năm 2012 đã đưa ra một cái nhìn về thành phần luyện kim của thanh kiếm bí ẩn này.

Xem bộ phim tài liệu Bí ẩn của thanh kiếm Viking:

https://www.youtube.com/watch?v=J6woycxQzA0

Richard Furrer, một thợ rèn tại Wisconsin trao đổi với NOVA về khó khăn ông gặp phải khi rèn một thanh kiếm như vậy. Trong bộ phim tài liệu, ông Furrer được miêu tả như một trong số ít người trên thế giới hội tụ đủ các kỹ năng cần thiết để tái tạo một thanh kiếm Ulfberht hoàn chỉnh.

Ông cho rằng những người thợ rèn kiếm Ulfberht dường như đã sở hữu quyền năng pháp thuật: “Để làm được một thanh kiếm từ đầu đến cuối tự nó cũng đã là một việc phi thường. Nhưng, để làm ra một thứ vũ khí có thể uốn cong mà không gãy, vô cùng sắc bén và nhẹ nhàng linh hoạt như vậy thì chắn chắn là một việc siêu thường”.


Một phiên bản hiện đại của kiếm Ulfberht do Richard Furrer chế tác 
(Ảnh: reliks.com)

Ông Furrer đã phải trải qua nhiều ngày làm việc cần mẫn để rèn ra một thanh kiếm Urberht tương tự. Ông vân dụng kỹ thuật từ thời Trung cổ, nhưng theo một cách thức không ai có thể ngờ tới.

Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ
Đọc bản gốc ở đây.
Thạch Khánh biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version