Những hạt vi nhựa đã xâm nhập vào nguồn nước máy, đáy biển, thậm chí đến tận Bắc cực.
Các nhà khoa học tìm thấy dấu vết hạt vi nhựa – những hạt nhựa nhỏ li ti có đường kính dưới 5 mm – trong các tảng băng trôi tại eo biển Fram, chỗ tiếp nối Bắc Băng Dương với những vùng biển khác trên Trái Đất, theo Engadget. Nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Science Advances, cho thấy tác hại đến môi trường theo những cách thức không lường trước khi gia tăng sản xuất đồ nhựa.
Tiến sĩ Melanie Bergmann từ Viện nghiên cứu biển Alfred Wegener là trưởng nhóm nghiên cứu. Nhóm ông đã phân tích và so sánh mẫu tuyết ở vùng Cực Bắc, dãy Alps ở Thụy Sĩ và một số vùng ở Đức. So với các vùng đông dân thì mức độ ô nhiễm hạt vi nhựa ở Bắc Cực thấp hơn, nhưng vẫn rất đáng kể, khi một mẫu băng trôi trung bình chứa đến 1760 hạt vi nhựa mỗi lít. Còn ở châu Âu, số hạt vi nhựa trong một mẫu gấp chừng đó 20 lần.
Vì Bắc Cực là nơi hoang sơ, không có người ở, nên việc tìm thấy các hạt vi nhựa ở đó là điều rất đáng lo ngại. Các nhà khoa học cho rằng vì hạt vi nhựa rất nhẹ nên dễ phát tán trong không khí, sau đó theo gió và mưa để di chuyển dần đến Bắc Cực. Tại một số khu vực ở Trung Quốc, Iran, Pháp, người ta cũng tìm thấy các hạt vi nhựa đến từ bụi trong khí quyển.
Những năm gần đây rác thải nhựa đã tàn phá nặng nề môi trường sống của các sinh vật trên cạn và dưới biển. Hơn nữa, với khả năng phát tán vào không khí, các hạt vi nhựa hiện đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn của chúng ta, kết quả là chúng được tìm thấy trong phổi và phân người.
Theo nhóm nghiên cứu, mức độ hạt vi nhựa dày đặc từ châu Âu cho đến Bắc Cực cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí cực kỳ nghiêm trọng. Chúng ta cần đẩy mạnh phân tích những ảnh hưởng của hạt vi nhựa đến sức khỏe con người và sinh vật.