Chúng ta, những người làm khoa học, tin rằng khoa học không bao giờ nói dối và sự thật sẽ luôn chiến thắng. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể cần rất nhiều thời gian.

Bài học từ bi kịch Lysenko: Khi khoa học ‘khuất phục’ trước định kiến
Quan điểm của Lysenko về di truyền học được Stalin tán dương và hậu thuẫn bởi nó phù hợp với ý thức hệ Soviet. Nguồn: gonosiana.com.

Trong hơn 30 năm, từ thập niên 30 tới 60 của thế kỷ 20, nhờ vào sự hậu thuẫn của Stalin và tiếp đó là Khrushchev, Lysenko đã áp đặt quan điểm sai lầm của ông ta về di truyền học lên nền sinh học Liên Xô. Bản thân Stalin khi đó cũng rất thích thú và tán dương quan điểm của Lysenko, cho rằng những phẩm chất có được do sự đào luyện hoàn toàn có thể được truyền lại cho các thế hệ mai sau. Quan điểm này rất phù hợp với ý thức hệ Soviet khi ấy, nhắm tới xây dựng một hình mẫu con người lý tưởng mới. Lợi dụng đặc quyền của mình, Lysenko loại bỏ tất cả những nhà khoa học khác quan điểm với ông ta; đúng vào thời kỳ nở rộ ngành di truyền học trên thế giới. Từ nửa sau những năm 1930, đã có rất nhiều nhà di truyền học Soviet bị giết hại hay lưu đày tới những trại lao động cải tạo. Năm 1948, nhiều nhà di truyền học bị Lysenko kết tội “ngụy khoa học tiểu tư sản” và tất cả đều bị sa thải. Tổng cộng, có tới 3.000 nhà sinh học đã bị bỏ tù, sa thải, hay bị giết chỉ vì chống lại quan điểm của Lysenko. Phải tới năm 1962, ba nhà vật lý Soviet nổi tiếng là Ginzburg, Kapitsa và Zel’dovich mới có cơ hội công khai chỉ ra những sai lầm trong lý thuyết của Lysenko và sự bịp bợm của ông ta. Năm 1964, Sakharov tuyên bố trước Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô rằng Lysenko “phải chịu trách nhiệm cho sự tụt hậu đáng hổ thẹn của nền sinh học Soviet, đặc biệt trong lĩnh vực di truyền học, bởi hành vi phổ biến những quan điểm ngụy khoa học, bởi sự phiêu lưu không căn cứ của ông ta, khiến cho nền học thuật bị xói mòn, và cho sự lăng mạ, sa thải, bắt giữ, thậm chí cái chết của rất nhiều những nhà khoa học chân chính”.

Bài học từ bi kịch Lysenko: Khi khoa học ‘khuất phục’ trước định kiến
Trofim Lysenko. Ảnh: Wikipedia

Bằng cách nào người ta có thể che giấu sự thật trong vài thập kỷ trước sự chứng kiến của cả một cộng đồng các nhà khoa học đầy năng lực như vậy. Tôi từng trao đổi về điều này với một số nhà khoa học Liên Xô. Họ giải thích đó là hậu quả của một thời kỳ mà môi trường học thuật đầy sự nghi kỵ cùng với chính sách hạn chế tự do tư tưởng cực đoan và phi lý. Nhiều nhà khoa học đã an phận thủ thường, không dám lên tiếng; họ biết rằng nếu lên tiếng thì chẳng những không giúp gì cho việc bảo vệ sự thật mà còn tự chuốc lấy nguy hiểm cho sự nghiệp, thậm chí cả tính mạng. Còn những nhà quản lý vì sợ hãi cấp trên thường tỏ ra cực đoan hơn mức cần thiết. Họ không hề phân biệt giữa những người có mục đích chống đối chính quyền với những người lên tiếng vì sự tiến bộ của đất nước. Chính điều đó đã dẫn tới nạn chảy máu chất xám trong giới trí thức Liên Xô, một tổn thất nghiêm trọng đối với chế độ.

Ngày nay thật khó hình dung một kịch bản tương tự có thể xảy ra, bởi hiển nhiên nó đi ngược lại lợi ích của khoa học cũng như quốc gia. Internet và những nền tảng công nghệ khác cho phép mỗi chúng ta có khả năng tiếp cận dễ dàng và tức thời với rất nhiều thông tin, khiến việc che giấu sự thật là điều hầu như bất khả thi.

Ở Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác, chúng ta đang đối diện nhiều thách thức. Những mặt hạn chế do hậu quả tồn dư của thế kỷ 20, trong đó một nửa dưới sự cai trị của thực dân Pháp, một nửa trải qua chiến tranh và nghèo đói, càng khiến việc giải quyết những thách thức phía trước thêm khó khăn. Nhưng để vượt qua, trước hết chúng ta phải dũng cảm nhận diện, thẳng thắn chỉ ra những thách thức ấy. Với một quá khứ hào hùng như của Việt Nam, chúng ta không có lý do gì để sợ hãi khi nhìn thẳng vào sự thật.

Bài học từ bi kịch Lysenko: Khi khoa học ‘khuất phục’ trước định kiến
Khi sinh học đụng độ với hệ tư tưởng. Ảnh: MIT

Chỉ tính riêng so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta không nắm ưu thế về trình độ và kỹ năng lao động; sự phát triển kinh tế của chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lao động giá rẻ, thứ hấp dẫn những nhà đầu tư ngoại quốc: thu nhập tối thiểu của lao động Việt Nam chỉ là 110 USD/tháng, so với 160 USD của Trung Quốc hay 230 USD của Thái Lan. Việt Nam cũng vắng bóng trong danh sách 300 đại học hàng đầu châu Á; trong khoảng 15 năm qua, công bố khoa học của Việt Nam thấp hơn 18 lần so với Malaysia và 8 lần so với Thái Lan. Trong khi có 130 nghìn sinh viên Việt Nam du học nước ngoài, chỉ có 2.000 sinh viên quốc tế du học ở Việt Nam. Trên thế giới, chúng ta đứng thứ 170 trên 180 về chất lượng không khí, 154 trên 173 về các thiên tai.

Để vượt qua những trở ngại khó khăn, chiến thắng những thách thức, chúng ta, nhất là thế hệ trẻ, cần phải hiểu rõ chúng bởi tương lai đất nước nằm trong tay họ. Chúng ta cần khuyến khích họ mở to mắt và dám lên tiếng về điều họ nhìn thấy. Thế hệ trẻ không thể trưởng thành nếu họ chỉ được tiếp cận một chiều với những giấc mơ hồng. Tôi vẫn thường cảm nhận rằng hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay chưa trang bị cho họ khả năng đối diện với tương lai đầy thử thách, thất bại trong việc dạy họ bày tỏ thái độ, biết nói “không” và biết phẫn nộ trước những điều cần phẫn nộ, hay dám thay đổi những nguyên tắc khi chúng không còn phù hợp với thực trạng của một thế giới không ngừng biến động.

Sự thay đổi hướng tới tiến bộ ở mọi nơi, không chỉ Việt Nam, đều đòi hỏi vai trò của thế hệ trẻ. Chỉ họ mới có đủ tiềm năng để cống hiến bằng nhiệt huyết, lòng dũng cảm và sự quyết tâm mà sứ mạng đó đòi hỏi. Chúng ta cần phải khôi phục tinh thần công dân năng động, giúp lớp trẻ cảm thấy có trách nhiệm với tương lai của đất nước, biết trăn trở về những lợi ích chung hơn là của bản thân. Chúng ta cần hướng dẫn họ trở thành những người trưởng thành có trách nhiệm, nghĩa là để cho họ có quyền tự do biểu đạt những gì mà họ mong muốn, miễn rằng điều đó mang tính tích cực và được thực hiện trên tinh thần xây dựng. Xa hơn nữa, chúng ta cũng cần bao dung với những trường hợp khi nhiệt huyết của tuổi trẻ vô tình khiến họ trở nên đi xa hơn giới hạn cho phép.

Đó là tất cả những điều cần phải làm để giúp thế hệ trẻ trở nên năng động sáng tạo hơn, biết quan tâm tới tương lai của đất nước, và ý thức được rằng nó nằm trong tay họ, rằng họ sẽ trở nên sớm già nua nếu không hành động, ngay từ bây giờ, và họ sẽ bỏ lỡ cơ hội để có thể để lại một thế giới tốt đẹp hơn cho con cháu mai sau.

Tác giả: Pierre Darriulat, Tia Sáng
Đăng tải với sự cho phép.