Trên thế giới có không ít các loại sách chưa thể giải mã, nhưng không có cuốn sách nào huyền bí hơn bản thảo Voynich.
Cuốn sách này được đặt tên theo Wilfred Voynich, nhà bán sách người Ba Lan, người đã thu mua nó vào năm 1912. Vào thời điểm đó, trường Đại học Collegio Romano (hiện nay là Pontifical Gregorian University) đang gặp khó khăn về tài chính nên đã thanh lý một chồng gồm 30 bản thảo. Trong số chúng, Voynich đã phát hiện được một cuốn sách làm cả nhân loại phải bối rối trong suốt thế kỷ tiếp theo.
Phương pháp xác định tuổi bằng đồng vị Carbon cho thấy cuốn sách này được viết vào tầm đầu thế kỷ 15. Một số trang trong đó đã bị xé rách và 240 trang còn lại chứa đầy các hình minh họa khó hiểu và nội dung viết tay của một hệ thống chữ viết chưa từng được biết đến. Tất cả các nỗ lực nhằm diễn giải nội dung cuốn sách này đều đi đến thất bại. Rất nhiều những người viết mật mã và chuyên gia giải mã đã nghiên cứu bản thảo này nhưng không có mấy kết quả tích cực.
Cuốn sách này được miêu tả như là một tư liệu phép thuật hoặc tư liệu khoa học và hầu như mỗi trang trong đó đều chứa các bức vẽ và biểu đồ được đánh bóng bằng mực đỏ, xanh lục, nâu hoặc vàng. Mặc dù chúng ta không thể đọc hiểu các ký tự trong đó, nhưng các hình minh họa ở đây có thể phân chia cuốn sách thành 6 mục riêng biệt. Mỗi mục trong chúng có hình vẽ theo phong cách và chủ đề khác nhau. Những mục này là:
-
Thảo mộc: Mỗi trang có một hoặc hai hình vẽ về những loài thảo mộc kỳ dị và một vài đoạn miêu tả về nó. Cách miêu tả này giống với cách miêu tả các loài thảo dược ở Châu Âu vào thời đó.
-
Thảo dược: Mục này chứa hình vẽ các bộ phận kỳ dị khác nhau của thực vật (lá, rễ, quả). Nó cũng cho thấy nhiều dụng cụ bào chế thuốc khác nhau, người ta cho rằng một số trong đó là điều không thực.
-
Sinh học: Mục này chứa các đoạn văn bản và hình vẽ chủ yếu là những phụ nữ nhỏ xíu khỏa thân đang tắm bồn, những cái bồn kết nối với nhau bởi một hệ thống ống nước.
-
Công thức: Mục này chứa các trang toàn chữ được chia thành nhiều đoạn ngắn.
-
Thiên văn học: Đây là mục chi tiết nhất, chứa các biểu đồ hình tròn. Một số trong chúng khắc họa mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Có một bộ 12 biểu đồ miêu tả các ký tự truyền thống biểu thị cho các cung Hoàng đạo. Mỗi biểu đồ này miêu tả 30 hình tượng người nữ được sắp xếp thành từng vòng tròn đồng tâm.
-
Vũ trụ học: Mục này cũng chứa các biểu đồ hình tròn nhưng phức tạp hơn rất nhiều so với trước đó. Nó cũng bao gồm các tờ gập, và tờ lớn nhất gồm sáu trang giấy, trong đó cho thấy một tấm bản đồ với chín hòn đảo kết nối với nhau bằng các đường nối. Trên các hòn đảo này là các tòa lâu đài và một cái có vẻ như là một ngọn núi lửa.
Không có bản thảo nào trên thế giới có thứ ngôn ngữ tương tự như trong bản thảo Voynich. Tùy thuộc vào các cách diễn giải khác nhau, bảng ký tự này chứa từ 19 đến 28 chữ cái, không có số nào trong chúng có bất cứ sự tương đồng với tiếng Anh hoặc các hệ thống chữ viết khác ở Châu Âu. Một số người viết mật mã thậm chí còn tìm thấy bằng chứng cho thấy có hai loại ngôn ngữ khác nhau và không chỉ một người viết bản thảo này; từ đó cho thấy một sơ đồ mật mã còn khó hiểu hơn nhiều.
Nhà ngôn ngữ học Jacques Guy tin rằng cấu trúc từ ở đây là giống với các ngôn ngữ ở khu vực phía Đông và Trung tâm Châu Á (Trung Quốc, Tây Tạng và Myanmar) vì bản thảo có rất nhiều từ chỉ có một âm tiết với cấu trúc và mô hình âm đa dạng.
Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhưng dường như không có cái nào giải thích một cách đầy đủ về bản thảo, nội dung hay mục đích của nó. Có thể tương lai sẽ cung cấp lời giải đáp cho bí ẩn này. Cho tới khi đó, chúng ta chỉ có thể phỏng đoán mà thôi.
Xem bản thảo Voynich online tại:
https://archive.org/stream/TheVoynichManuscript/Voynich_Manuscript#page/n61/mode/2up
Đăng tải với sự cho phép từ Locklip. Đọc bản gốc tại đây.
http://locklip.com/the-worlds-most-mysterious-and-unexplained-book-the-voynich-manuscript/
Biên dịch: Quý Khải
Xem thêm: