Đại Kỷ Nguyên

Bằng chứng thép về sự tồn tại của nền văn minh tiền sử? Văn vật thần bí không thể xác định niên đại

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Vào tháng 12 năm 2014, một nhóm thợ lặn đã phá vỡ sự yên tĩnh ngoài khơi bờ biển Gela, Sicily, Ý. Họ đã trục vớt được 39 thỏi kim loại từ một con tàu chìm. Vào thời điểm đó, họ không biết rằng những thỏi kim loại hình điếu xì gà hoặc phẳng trong tay họ sắp gây chấn động thế giới, thậm chí có thể trở thành bằng chứng thép về sự tồn tại của nền văn minh cổ đại đã mất – Atlantis.

Giáo sư Sebastiano Tusa, nhà khảo cổ học tại Cục Giám sát Hải dương Sicilia, cho biết con tàu bị đắm có tuổi đời khoảng 2.600 năm, cách bờ biển Gela 300 mét và chìm ở độ sâu khoảng 3 mét, suy đoán rằng con tàu khả năng là sau khi xuất phát từ Hy Lạp hoặc Tiểu Á, lúc đang tiếp cận cảng Sicily, thì bất ngờ gặp bão lớn và bị đắm.

Sau đó vào tháng 2 năm 2016, các nhà khảo cổ lại trục vớt được 47 thỏi kim loại nữa từ chính con tàu bị đắm. Tổng cộng cả hai lần là 86 thỏi, nặng 60 kg.

Giáo sư Tusa và nhóm của ông ban đầu cho rằng họ đã trục vớt được một số văn vật cổ xưa, tuy nhiên, sau khi tiến hành phân tích huỳnh quang tia X trên những thỏi kim loại này, họ đã không còn điềm tĩnh nữa. Bởi vì kết quả cho thấy thành phần của các thỏi kim loại này chứa khoảng 75-80% đồng, 15-20% kẽm, còn chứa một lượng nhỏ niken, chì và sắt, so với tất cả các hợp kim đã biết trên thế giới, bất luận cổ đại hay hiện đại, đều khác nhau.

Như chúng ta đã biết, đồng thau cũng là một loại hợp kim được luyện ra từ đồng và kẽm theo một tỷ lệ nhất định. Tùy theo tỷ lệ giữa đồng và kẽm mà hợp kim sau khi luyện ra cũng trình hiện màu sắc khác nhau. Nhân loại đã biết luyện đồng thau từ lâu, nhưng chất lượng chưa cao. Bởi vì trong tự nhiên, kẽm không tồn tại ở dạng kim loại, nghĩa là không tồn tại kẽm ở trạng thái kim loại. Nó chủ yếu tồn tại ở dạng oxit. Khi Trung Quốc lần đầu tiên luyện đồng thau, một loại khoáng chất chứa kẽm gọi là quặng calmine đã được sử dụng để nấu chảy với đồng. Thôi Phưởng thời nhà Tống đã ghi lại trong “Ngoại đan bổn thảo” rằng: “Dùng một cân đồng, một cân lô cam thạch, luyện thành một cân rưỡi đá thâu.” Đá thâu ( 鍮石) ở đây là chỉ đồng thau. Thành phần khoáng vật chính của quặng calmine là kẽm cacbonat, nhưng hàm lượng của nó không ổn định. Do vậy, đồng thau được luyện chế bằng phối liệu giữa quặng calmine và đồng, hàm lượng kẽm trong đó không dễ kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp đến phẩm chất của đồng thau. Mãi đến thời nhà Minh, Trung Quốc mới tinh chế được kẽm kim loại nguyên chất từ quặng calmine, mới bắt đầu dùng đồng phối liệu với kẽm nguyên chất để luyện ra đồng thau có phẩm chất ổn định.

Kẽm nguyên chất cổ lão nhất trên thế giới đến từ Zhawar ở Rajasthan, Ấn Độ. Vào khoảng thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, người dân địa phương đã sử dụng phương pháp chưng cất để tạo ra kẽm nguyên chất. Ở châu Âu, phải đến năm 1746, nhà hóa học người Đức Andreas Sigismund Marggraf mới phát hiện ra phương pháp tinh chế kẽm nguyên chất.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào có thể có một lượng lớn hợp kim đồng-kẽm phẩm chất cao trước nay chưa từng có trên một con tàu đắm cách đây 2.600 năm? Kỹ thuật luyện kim đó đến từ đâu?

Giáo sư Tusa đưa ra phỏng đoán, rằng hợp kim này rất có khả năng chính là “Orichalcum”, thứ được ghi lại trong sách cổ. Người ta chỉ từng nghe đến cái tên này, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy “Orichalcum” thực sự.

Bằng chứng cho sự tồn tại của Atlantis?!

Nhắc đến orichalcum, chúng tôi đã đề cập đến nó trước đây khi giới thiệu về Atlantis. Atlantis là một quốc gia có nền văn minh phát triển cao trong truyền thuyết, đã chìm xuống biển chỉ sau một đêm vào hơn 12.000 năm trước. Nhà triết học Hy Lạp Plato đã đề cập đến Atlantis trong hai cuộc đối thoại của ông, Critias và Timaeus. Ông mô tả các bức tường bên trong bao quanh thành Atlantis và Đền thờ Poseidon “lấp lánh ánh đỏ của Orichalcum”, những mái nhà bên trong các ngôi đền được làm bằng ngà voi, đến đâu cũng đều là những thứ kỳ diệu được chế ra từ vàng, bạc và orichalcum; Tất cả các bộ phận khác, tường bích, cột trụ và sàn cũng được dát bằng orichalcum. Còn có một cây cột orichalcum đứng ở trung tâm ngôi đền, trên đó có khắc luật pháp của Poseidon và ghi chép về con trưởng của Poseidon. Có thể thấy orichalcum là kim loại quý nhất ở Atlantis sau vàng và bạc.

Orichalcum cũng được đề cập trong Phần 88 của Tập 8 của cuốn “Cổ vật của người Do Thái” (Antiquities of the Jews) xuất bản vào thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên. Cuốn sách nói rằng các đồ dùng trong Đền thờ Solomon đều được làm bằng orichalcum, hoặc giả nói bằng một loại đồng mỹ lệ như vàng chế thành. 

Tuy nhiên, các chuyên gia học giả vẫn đang tranh luận không ngừng về thành phần của orichalcum. Một số người cho rằng đó là hợp kim đồng-kẽm, một số lại cho rằng đó là hợp kim đồng-thiếc, và một số cho rằng đó là hợp kim vàng-bạc. Cũng vậy, không thể kết luận được về nguồn gốc của orichalcum. Theo người Hy Lạp cổ đại, orichalcum là một kim loại mà chỉ có thể tìm thấy ở một nơi, nơi đó chính là thành Atlantis đã mất.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng sau sự diệt vong của nền văn minh Atlantis, người Atlantis vẫn chưa bị tuyệt diệt, những người may mắn sống sót lưu lạc khắp thế giới, mang theo kỹ thuật tiên tiến của Atlantis, mà có lẽ phương pháp luyện orichalcum là một trong số đó. Đây là lý do tại sao từ lâu, những người hâm mộ Atlantis luôn nỗ lực tìm kiếm orichalcum, bởi việc tìm thấy nó sẽ chứng minh sự tồn tại của Atlantis.

Từ những đặc điểm như “kỹ thuật luyện kim cao siêu”, “mỹ lệ như vàng” và “lấp lánh ánh đỏ” mà xét, những thỏi kim loại trên con tàu đắm ở Sicily thực sự phù hợp. Chẳng phải những thỏi kim loại này mười phần tương tự với những gì được mô tả trong sách cổ sao?

Liệu những thỏi kim loại này có phải là orichalcum hay không, chúng ta không thể đưa ra kết luận ở đây, nhưng sự tồn tại của chúng quả thực khiến mọi người nghĩ đến một nền văn minh viễn cổ.

Nói đến đây, chúng ta hãy đến Romania để xem một hiện vật đáng kinh ngạc khác. Nghe nói đồ vật sẵn có công nghệ hiện đại này đã 250.000 năm tuổi.

Cái chêm bằng nhôm bí ẩn

Trở lại năm 1973, một đội xây dựng đang đào móng bên bờ sông Mures, cách thị trấn nhỏ Aiud ở miền trung Romania không xa. Ở độ sâu khoảng 10m dưới lòng đất, các công nhân đã đào được 3 vật thể kỳ lạ, trông vô cùng cổ lão.

Các nhà khảo cổ đến sau khi nghe tin đã nhanh chóng nhận ra hai trong số đó là hóa thạch, trong khi chiếc còn lại dường như là kim loại nhân tạo, trông hơi giống đầu rìu, nhưng lại rất nhẹ. Thế là, ba phát hiện mới này được gửi đến cơ quan chuyên môn để tiến hành phân tích.

Kết quả đến nhanh chóng. Hai hóa thạch trong đó thuộc về một loài động vật có vú lớn đã tuyệt chủng cách đây khoảng 10.000 đến 80.000 năm, rất có thể là loài “voi răng mấu” mastodon. Đối với mảnh kim loại mà sau này được gọi là “Cái chêm của Aiud”, tình huống phức tạp hơn một chút. Nó dài 20 cm, rộng 12,5 cm và dày 7 cm. Nó chứa 12 thành phần kim loại, bao gồm 89% nhôm, 6,2% đồng, 1,81% kẽm, 2,84% silicon, 1,81% kẽm, 0,41% chì, 0,11% cadmium, 0,0024 % niken, 0,0023% coban, 0,0003% bismuth, 0,0002% bạc và một lượng nhỏ gali.

Do “Cái chêm của Aiud” được phát hiện trong lớp đất cách đây 250.000 năm và có những hóa thạch voi răng mấu cổ lão nằm bên cạnh, các quan chức Romania lúc đó suy đoán nó có niên đại 250.000 năm tuổi, ít nhất là bằng tuổi của loài voi răng mấu.

Nhìn thấy báo cáo phân tích, các nhà khảo cổ lập tức bùng nổ. Tại sao? Bởi vì giống như kẽm mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây, nhôm kim loại cũng không tồn tại trong tự nhiên, mà đều từ trong quặng nhôm mà được luyện ra. Lần chiết xuất nhôm thành công đầu tiên của nhân loại hiện đại đạt được vào năm 1825 bởi nhà hóa học người Đan Mạch Hans Christian Ørsted. Vậy ai đã tạo ra “Cái chêm của Aiud” bằng nhôm cách đây 250.000 năm?

Điều đáng tiếc là các chuyên gia học giả vào thời điểm đó không có nhiều cơ hội nghiên cứu vấn đề này, bởi vì “Cái chêm của Aiud” đã nhanh chóng bị chính phủ Romania giấu kín như một bí mật, hơn mười năm sau, người ta không biết tung tích của nó. Cho đến khi Liên Xô tan rã, “Cái chêm của Aiud” mới lại xuất hiện, hân khởi một trào lưu nghiên cứu.

UFO? Công nghệ cao viễn cổ hay là tạo vật của người hiện đại?

Một số nhà nghiên cứu cho rằng “cái chêm của Aiud” có lỗ ở cả hai bên và mặt sau. Hình dạng kỳ dị này dường như chỉ ra nó là một bộ phận của một loại hệ thống cơ khí phức tạp nào đó. Cùng với niên đại lịch sử xa xôi của nó, rất có khả năng nó là một linh kiện còn sót lại của một UFO đã đến thăm Trái đất vào thời viễn cổ, hoặc là sản vật của một nền văn minh tiền sử phát triển cao độ.

Một số nhà nghiên cứu lập tức nhảy ra phản đối, cho rằng “cái chêm của Aiud” chỉ là một tạo vật hiện đại. Ví như nói, nó có khả năng là răng của một chiếc máy xúc. Ừm, xác thực có hơi giống.

Nhà sử học người Romania Mihai Wittenberger tin rằng “Cái chêm của Aiud” là một phần của máy bay Messerschmitt ME 262 của Đức trong Thế chiến hai. Vào thời điểm đó, Nigel Watson, một người hoài nghi về UFO và là tác giả cuốn “Sổ tay UFO”, cho rằng “Cái chêm của Aiud” đến từ một vệ tinh cũ của Liên Xô, điều này giải thích tại sao chính phủ Romania lúc đó lại muốn giấu nó đi.

Tất cả nghe có vẻ hợp lý, nhưng vấn đề duy nhất chính là thời gian. Nếu “Cái chêm của Aiud” là sản vật của niên đại viễn cổ, thì nhận định tạo vật của hiện đại giải thích không thông.

Thế là, những người ủng hộ “Cái chêm của Aiud” như một tạo vật hiện đại chỉ ra, những thứ được chôn trong tầng đất 250.000 năm tuổi không thể khẳng định 100% là sản vật từ 250.000 năm trước, và hóa thạch chôn ở đó cũng không thể hoàn toàn thuyết minh nó và hóa thạch là có cùng niên đại. Cũng có khả năng từng có người đã đào một cái hố sâu, vô tình hay cố ý đánh rơi “cái chêm của Aiud” bên cạnh hóa thạch, rồi lấp đất lại. Mặc dù mọi người rất khó lý giải được ý đồ của việc làm này, nhưng cũng không có cách nào để loại trừ hoàn toàn khả năng này.

Kết quả là, phe những người ủng hộ nhận định “cái chêm của Aiud” là bộ phận của UFO hoặc công nghệ cao cổ xưa đã rơi vào thế bị động. Tuy nhiên, vào năm 1995, một nhà nghiên cứu người Romania tên là Florian Gheorghita đã lật lại mọi thứ.

Florian đã gửi “cái chêm của Aiud” đến Viện Khảo cổ học Cluj-Napoca, Romania và đến một phòng thí nghiệm độc lập của Thụy Sĩ để thử nghiệm. Thành phần vật chất được hai phòng thí nghiệm kiểm trắc ra phù hợp với kết quả trước đó, nên không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, khi trắc định niên đại, phòng thí nghiệm Thụy Sĩ nhận thấy một lớp gỉ oxit rất dày, gọi là patina, bám trên “cái chêm của Aiud”. Lớp gỉ này là do quá trình oxy hóa đồng kim loại sinh ra, bởi vì nhân công không thể nào phỏng chế được lớp gỉ này, do đó lớp gỉ đóng trên kim loại càng dày, thì có thể lý giải thứ đó càng cổ lão.

Có tính đến tốc độ oxy hóa khác nhau trong các môi trường khác nhau, phòng thí nghiệm Thụy Sĩ đã đưa ra một phạm vi thời gian rất rộng sau khi nghiên cứu, rằng niên đại của “cái chêm của Aiud” là từ 400 đến 80.000 năm.

Mặc dù con số này không gây sốc như con số 250.000 năm trước, nhưng cũng đủ là tin tức thú vị đối với phe những người ủng hộ nhận định “Cái chêm của Aiud” là một bộ phận của UFO hoặc công nghệ cao thời viễn cổ. Bởi vì ngay cả khi “Cái chêm của Aiud” chỉ tồn tại ngắn nhất trong 400 năm, thì nó vẫn cho thấy đó không phải là phẩm vật do con người tạo ra, bởi vì 400 năm trước, con người không thể luyện được nhôm; 400 năm trước, con người còn chưa phát minh ra máy bay, chứ đừng nói đến vệ tinh.

Sự việc chuyển một vòng rồi quay trở lại. Nếu “Cái chêm của Aiud” không phải là vật thể nhân tạo, thì nó là gì? William Henry, tác giả cuốn sách “Người quan sát: Bí mật đã mất của sự thăng thiên, phục sinh và hoàn mỹ” (“The Watchers: Lost Secrets of Ascension, Resurrection and Perfection”), cho biết, một kỹ sư hàng không vũ trụ sau khi nhìn thấy “Cái chêm của Aiud”, nói rằng đây là bộ phận hạ cánh dành cho máy bay cất hạ cánh thẳng đứng.

Vì vậy, mọi người suy đoán rằng “Cái chêm của Aiud” có thể đến từ một UFO đã từng ghé thăm Trái đất, hoặc có thể thuộc về máy bay của một nền văn minh tiền sử chưa được biết đến, hoặc cũng có thể là bằng chứng do những người du hành thời gian để lại. Vậy tại sao nó lại bị chôn vùi trong lớp đất 250.000 năm tuổi? Và tại sao chúng lại ở cùng với hóa thạch voi răng mấu? Không ai có thể giải thích.

Sau năm 1995, “Cái chêm của Aiud” lại biến mất khỏi mắt công chúng. Phải đến năm 2017 nó mới xuất hiện trở lại. Hóa ra nó được cất giữ trong hòm kín tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Transylvania ở Romania. Người phụ trách Ana Gruia cho biết: “Là nhà sử học, chúng tôi không nghĩ đó là một văn vật mà chúng tôi biết rõ. Chúng tôi không biết nó dùng để làm gì, chúng tôi thừa nhận tính bất xác định về niên đại cũng như thành phần của nó.” “Nó hiện không được trưng bày, bởi vì chúng tôi phải thừa nhận, với tư cách là các nhà sử học, chúng tôi không biết nhiều chi tiết hơn.”

Câu chuyện của ngày hôm nay xin được khép lại tại đây. Quý vị nghĩ gì về những thỏi kim loại kỳ lạ được tìm thấy trên con tàu đắm ở Sicilia và cái chêm của Aiud? Chào mừng mọi người để lại lời nhắn và cùng thảo luận. Trân trọng cảm ơn và hẹn gặp lại quý vị trong những chương trình tiếp theo.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version