Đại Kỷ Nguyên

Bằng chứng về trận Đại hồng thủy: Sự thật hay chỉ là truyền thuyết? (Phần 1)

Trận Đại hồng thủy, một thảm họa toàn cầu (năm 1869). (Ảnh: Internet)

Liệu có thể nào tất cả các sự tích lũ lụt/đại hồng thủy đã sốt sắng lặp lại trên thế giới chỉ là một bộ sưu tập các huyền thoại hay các sự kiện độc lập, không liên quan đến nhau như giới học giả chủ lưu vẫn nhìn nhận? Hay phải chăng Trận Đại hồng thủy là một thảm họa đơn nhất mang tính toàn cầu đã tác động đến toàn bộ nhân loại vào một thời điểm nào đó trong tiền sử?

Câu chuyện về một “Trận Đại hồng thủy” được Chúa (hay các vị Thần theo các tư liệu cổ xưa hơn) gửi tới nhằm hủy diệt nhân loại tội lỗi là một sự kiện phổ biến góp mặt trong rất nhiều nền văn hóa và tín ngưỡng trên khắp thế giới, và trải dài tới tận giai đoạn lịch sử đầu tiên từng được ghi nhận. Từ Ấn Độ cho đến Hy Lạp cổ đại, vùng Lưỡng Hà và ngay cả trong các cộng đồng thổ dân bản địa Bắc Mỹ, không hề thiếu những câu chuyện mà thoạt nghe rất tương đồng với nhau. Một số trong những câu chuyện này thật sự giống nhau đến nỗi một người có thể thốt lên rằng phải chăng tất cả các nền văn minh trên địa cầu đều đã từng trải qua một sự kiện tương tự.

Thảm họa

Tuy các thảm họa nhỏ, biệt lập có thể reo rắc nỗi kinh hoàng đến một quần thể người dân ở mức độ tương đương, nhưng các ảnh hưởng tổng thể của chúng là khá ngắn, và thường sẽ phai mờ khỏi tâm trí người dân trong vài thập kỷ, hoặc thậm chí chỉ vài năm. Tuy nhiên, trong trường hợp của Trận Đại hồng thủy, chúng ta có một câu chuyện dường như không có ranh giới, một câu chuyện mà mỗi nền văn minh đều nhấn mạnh vào tính chất toàn cầu của nó. Một thảm họa như vậy phải to lớn và có sức tàn phá đến đâu, để có thể khắc ghi vào trong ký ức tập thể của tổ tiên chúng ta trong hàng nghìn năm như vậy? Đánh giá từ những lời chứng tương đồng nhau, chúng ta có thể nói rằng đây không chỉ là một sự kiện đã tác động đồng thời đến tất cả mọi người, mà để cho nó có thể trở thành một dấu ấn không thể xóa nhòa trong tâm khảm của nhân loại, thì nó phải là một trải nghiệm đã diễn ra không chỉ trong nhiều ngày hay nhiều tháng, mà là nhiều thế hệ.

Xem thêm:

Mực nước biển gia tăng

Tuy nhiên, nếu không phải là một sự kiện cô lập, vậy thì thảm họa mang tính toàn cầu nào đã được biết đến có đủ khả năng để được gọi là Trận Đại hồng thủy? Không còn nghi ngờ gi nữa, một sự gia tăng đáng kể mực nước biển—một thảm họa toàn cầu mà cho đến cuối Kỷ Băng Hà đã xóa sổ hàng triệu km vuông đất liền xung quanh địa cầu—chắc hẳn phải là sự kiện ngày tận thế mà mỗi nền văn minh ngày nay đều đang thảo luận rất sôi nổi. Cụ thể hơn, chính sự gia tăng mực nước biển đột ngột vào khoảng giai đoạn năm 8000 TCN rốt cuộc đã dẫn đến tình trạng ngập lụt đầu tiên ở khu vực Địa Trung Hải, rồi sau đó đến khu vực Biển Đen. (Lưu ý: Tuy rằng vào năm 1997 William Ryan và Walter Pitman đã đưa ra giả thuyết cho rằng tình trạng ngập lụt đã xảy ra vào khoảng giai đoạn 5600 TCN, nhưng một nghiên cứu sau đó vào năm 2005, được tài trợ bởi UNESCO, đã xác nhận được rằng vụ việc này đã xảy ra sớm hơn trước đó rất nhiều, vào khoảng giai đoạn 8000 TCN).


Trận Đại hồng thủy (khoảng năm 1450). (Ảnh: Wikimedia)

Sự gia tăng mực nước biển là một sự kiện đơn nhất, lâu dài đã mạnh mẽ tái lập lại đường bờ biển của hành tinh chúng ta và cũng chính là sự kiện đồng thời tác động đến tất cả nền văn minh gần biển trên toàn cầu vào thời điểm đó. Ngay cả với cái nhìn đầu tiên, sự gia tăng dần dần mực nước biển dường như không hội đủ tiêu chuẩn như một sự kiện khơi mào cho cho truyền thuyết về Trận Đại hồng thủy, nhưng một sự kiện đã khiến mực nước biển gia tăng hơn 120 m trên toàn cầu, chắc chắn đã có rất nhiều giai đoạn đột ngột khi mà diễn biến trận lụt trở nên hoàn toàn nằm ngoài khả năng dự báo. Khi cân nhắc đến việc con người, về bản chất thường định cư ở những khu vực thấp và gần nguồn nước [để sinh hoạt], sẽ không có gì ngạc nhiên khi tất cả các nền văn minh thời tiền sử đã bị hủy diệt hoàn toàn bởi sự kiện này.

Một nghiên cứu gần đây được đăng tải vào ngày 4/12/2010 trên trang Science News với tựa đề “Tình trạng mực nước biển gia tăng toàn cầu vào cuối Kỷ Băng Hà bị cắt ngang bởi các cú nhảy vọt” đã đưa ra cách giải thích tốt hơn. Sau giai đoạn cuối của Kỷ Băng Hà gần đây nhất, trong khoảng từ 17000 TCN cho đến 4000 TCN, mực nước biển trung bình đã gia tăng khoảng 1m mỗi thế kỷ. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng tình trạng gia tăng dần dần mực nước biến này đã được xen lẫn bởi các đợt gia tăng mực nước biển đột ngột tại một mức tỷ lệ khoảng 5m mỗi thế kỷ. Nói chính xác hơn, nghiên cứu đã cho thấy rằng giai đoạn từ 13000 TCN cho đến 11000 TCN, cũng như giai đoạn từ 9000 TCN cho đến 7000 TCN, đã được đánh dấu bởi một tình trạng gia tăng mực nước biển bất thường.

Khi nghiên cứu sâu hơn hiện tượng biến đổi khí hậu đột ngột trong khoảng 18.000 năm qua, khoảng thời gian từ 9000 TCN đến 7000 TCN là đặc biệt thú vị. Do các tảng băng trôi bắt đầu tan chảy khoảng vài nghìn năm trước giai đoạn này, và các mức nhiệt độ bắt đầu gia tăng đáng kể sau mỗi thế kỷ trôi qua, từ đó làm tăng tốc quá trình tan băng, chúng ta có thể dễ dàng giả định rằng đây hẳn phải là giai đoạn gia tăng mực nước biển nhiều nhất. Nói chính xác hơn, giai đoạn tồi tệ nhất chắc hẳn là giai đoạn từ khoảng 8000 TCN cho đến “chu kỳ lũ lụt” đáng kể xảy ra trước khi Biển Đen bị ngập lụt, thời điểm đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn khắc nghiệt này. (Trên thực tế, nếu các Kỷ Băng Hà và trận lụt vào các chu kỳ trước đó không thêm độ mặn vào nước ngọt của Biển Đen, thì không nghi ngờ gì khi nói rằng trận lụt mang tính toàn cầu lần trước vào khoảng 8000 TCN chắc hẳn phải là trận lụt lớn nhất mọi thời đại).

Xem thêm:

Trong khoảng giai đoạn này, bên cạnh lượng nước tan chảy từ sông băng đã đổ mạnh mẽ vào biển Đại Tây Dương, hai hồ băng khổng lồ ở Bắc Mỹ cũng đã trào ra, đầu tiên là hồ Agassiz, sau đó đến hồ Ojibway, và bắt đầu thoát nước vào biển bắc Đại Tây Dương. Chỉ tính riêng hồ Agassiz, bao phủ một vùng diện tích lớn hơn toàn bộ vùng Ngũ Đại Hồ hợp lại (440.000 km2). Ước tính chỉ riêng trận lụt tràn gây ra bởi sự đổ vỡ của hồ băng Agassiz cũng đã đủ khiến mực nước biển gia tăng lên đến khoảng 2,7 m trên toàn cầu. Tổng lượng nước ngọt tràn ra [biển] từ cả hai hồ là quá lớn đến nỗi không chỉ có thể nhanh chóng làm gia tăng mực nước biển trên toàn cầu lên vài mét, mà sự kiện này rốt cục cũng có thể đã gây nên “sự kiện 8,2 kilo năm” vốn xuất hiện sau đó vào khoảng 8.200 năm trước (một Kỷ Băng Hà nhỏ đã kéo dài đến 4 thế kỷ)


Bản đồ hai hồ băng Agassiz và Ojibway khoảng 7900 năm trước. (Ảnh: Internet)

Chính trong khoảng giai đoạn này hầu hết các nền văn minh gần biển trên Trái Đất đã biến mất. Tình trạng gia tăng nhanh chóng, liên tục mực nước biển trong giai đoạn này (trung bình khoảng từ 6 đến 9 m mỗi thế kỷ hoặc hơn), cùng với tình trạng khí hậu khắc nghiệt theo sau, đã khiến những gì còn sót lại của bất kỳ nền văn minh nào ở đây không thể tự tái lập.

Sự khôi phục của nhân loại

Chỉ sau giai đoạn 7.000 TCN khi mực nước biển bắt đầu ổn định trở lại, thì đời sống của con người mới một lần nữa trở về đúng quỹ đạo. Các vùng đất gần biển không còn phải bị bỏ hoang để di tản đến các vùng đất cao hơn, ít nhất là ở hầu hết các khu vực, và trong khoảng từ 6000 TCN đến 5000 TCN, một lần nữa, chúng ta bắt đầu nhìn thấy các dấu hiệu của hoạt động con người gần khu vực biển. Liệu đây chỉ đơn thuần là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi lịch sử “được ghi nhận” đã bắt đầu vào khoảng thời gian này? Liệu có đúng khi nói rằng những con người thời kỳ đầu vẫn còn quá nguyên thủy để có thể để lại đằng sau các dấu tích về sự tồn tại của họ, hay những trang đầu tiên của lịch sử đã bị “cuốn trôi” bởi Trận Đại hồng thủy từ Kỷ Băng Hà gần đây nhất? Sau cùng, dường như ngay khi các hoàn cảnh khí hậu khắc nghiệt thoái lui, sẽ không mất nhiều thời gian để nhân loại có thể tự khôi phục lại một lần mới.

Christos A. Djonis – tác giả của cuốn sách “Uchronia? Atlantis Revealed (Uchronia? Vùng đất Atlantis được hé lộ)”.

Đón xem: Bằng chứng về Trận Đại hồng thủy – Sự thật hay chỉ là truyền thuyết (Phần 2)

Tác giả: Christos A. Djonis, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version