Báo cáo dài 100 trang được soạn bởi các chuyên gia trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – gọi tắt là AI) từ nhiều lĩnh vực công nghiệp và học thuật đưa ra một thông điệp rõ ràng: Tất cả AI tiến tiến của những người tốt, thì cũng trở thành sản phẩm tiên tiến của những người xấu.
Báo cáo có tiêu đề: “Dự đoán, phòng ngừa, và giảm nhẹ nguy cơ sử dụng AI vào mục đích xấu” (The Malicious Use of Artificial Intelligence: Forecasting, Prevention, and Mitigation). Các chuyên gia gọi việc này là tính “hai mặt” của AI, nghĩa là các sản phẩm công nghệ có khả năng ra hàng ngàn quyết định phức tạp mỗi giây có thể được sử dụng để giúp con người nhưng cũng có thể hại con người, điều đó phụ thuộc vào người thiết kế ra hệ thống.
Trong bản báo cáo 100 trang được đăng tải công khai trên mạng Internet, các chuyên gia đã xem xét, phân tích việc sử dụng AI vào mục đích xấu đang diễn ra hiện nay và có thể sẽ phát sinh trong năm năm tới, rồi phân chia thành ba lĩnh vực:
– Kỹ thuật số
– Đời sống
– Chính trị
Dưới đây là danh sách những mối nguy hại đã được các chuyên gia lựa chọn và thảo luận
Trong lĩnh vực kỹ thuật số
– Lừa đảo tự động: bằng cách tạo ra các email, trang web, đường link giả mạo để ăn cắp thông tin.
– Hacker có thể hack nhanh hơn: bằng việc khai phá những lỗ hổng, điểm yếu trong các phần mềm một cách tự động.
– Các hệ thống AI lừa đảo: Lợi dụng sự tin tưởng của người dùng vào hệ thống AI, rồi tìm cách lừa đảo.
Vào tháng 5 năm 2018, một mã độc có tên VPNfilter đã đe dọa hệ thống thông tin của tổng cộng 54 quốc gia trong đó có Việt Nam. Mã độc này có thể xâm nhập, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin của các cá nhân và doanh nghiệp. Khi đã bị dính mã độc này, thì các thông tin quan trọng sẽ có thể bị đánh cắp. Khi hệ thống thông tin đã bị chiếm quyền điều khiển, thì các trao đổi quan trọng, những bí mật doanh nghiệp hay thậm chí các giao dịch ngân hàng… cũng có thể bị lấy cắp.
Đại diện của Cisco, một trong những hãng cung cấp thiết bị an ninh mạng lớn nhất thế giới, cho biết:
“Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ đó là một nỗ lực tấn công các thiết bị định tuyến qua lại trên Internet. Nhưng rồi sau đó nó dường như đã tiến hóa hoàn toàn vượt sức tưởng tượng của chúng tôi, và giờ nó không chỉ có thể đột nhập vào máy chủ thông qua router, nó còn có thể thao túng mọi thứ truyền đi qua đường truyền router bị lây nhiễm. Chúng có thể thay đổi số dư tài khoản của bạn, khiến số dư nhìn không có gì thay đổi nhưng thực chất bạn lại đang mất tiền…”
Trong lĩnh vực đời sống:
– Chủ nghĩa khủng bố tự động: bằng việc sử dụng các thiết bị bay không người lái thương mại hoặc các phương tiện giao thông tự động làm vũ khí.
– Rô-bốt bầy đàn: nhiều rô-bốt được kích hoạt một cách tự động để cùng hoàn thành một mục tiêu.
– Tấn công từ xa: bởi những con rô-bốt tự động có thể độc lập tiến hành vụ tấn công ở bất kỳ khoảng cách nào mà không cần điều khiển.
Vụ tấn công khủng bố ngày 28/6/2016 tại sân bay của thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân nước này, mà cả người dân toàn thế giới. Những kẻ khủng bố mang theo vũ khí tự động và thuốc nổ tấn công sân bay khiến cho 45 người thiệt mạng và 230 người khác bị thương. Trong sự kiện đó, một kẻ điều khiển vũ khí tự động tuy đã bị cảnh sát bắn gục, nhưng trong khoảnh khắc đó hắn ta vẫn có thể kích hoạt vũ khí, làm chết và bị thương rất nhiều người.
Nổi tiếng nhất có lẽ là vụ ám sát tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, vào ngày 4/8/2018 bằng máy bay không người lái (hay còn gọi là drone), trong khi ông đang phát biểu tại lễ kỷ niệm Vệ binh Quốc gia lần thứ 81 tại thủ đô Caracas, và vụ tấn công sân bay Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, 9 ngày trước đó, cũng bằng máy bay không người lái. Tuy không gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng những vụ tấn công khủng bố này đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ chủ nghĩa khủng bố có thể sử dụng máy bay không người lái có chứa chất nổ để nhắm vào những mục tiêu đông người.
Trong lĩnh vực chính trị
– Tuyên truyền: thông qua những hình ảnh và video giả mạo được AI tạo ra và lan truyền một cách dễ dàng.
– Loại bỏ những ý kiến bất đồng một cách tự động: bằng việc sử dụng AI để tìm và loại bỏ những văn bản, hình ảnh có quan điểm đối lập một cách tự động.
– Công kích cá nhân: sử dụng hệ thống AI thu thập, lợi dụng những thông tin công khai để nhắm vào quan điểm của ai đó.
Nổi tiếng nhất về những ứng dụng kiểm soát thông tin phải kể đến hệ thống tường lửa mang tên Vạn Lý Trường Thành của chính phủ Trung Quốc. Đúng như cái tên của nó, trong nhiều năm, hệ thống này được coi là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tất cả những quan điểm bất đồng, những sự kiện nhạy cảm đều bị hệ thống này kiểm duyệt hết sức nghiêm ngặt.
Người dân tại Trung Quốc đại lục hiện nay không mấy người biết tới sự kiện lục tứ hay còn gọi là vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989, trong khi những video về sự kiện này lan truyền rất nhiều trên mạng Internet, trên hệ thống của Youtube, Facebook,… người dân các nước ít nhiều đều biết tới vụ thảm sát đẫm máu này. Tuy nhiên những người trẻ tuổi tại Trung Quốc đại lục, những người không trải qua thời kỳ đó, thì hầu như không biết chút thông tin nào về sự kiện này, đó là bởi khả năng “ngoại bất nhập” của hệ thống tường lửa Vạn Lý Trường Thành, có tích hợp rất nhiều AI tiên tiến để làm nhiệm vụ kiểm duyệt.
Nhiều người đã trực tiếp có những trải nghiệm thú vị với hệ thống tường lửa này, và nếu bạn muốn, cũng có thể thử, bởi việc thử nghiệm rất là đơn giản. Bạn chỉ cần biết địa chỉ email của một người nhận bên trong Trung Quốc đại lục, sau đó bạn soạn một email có nội dung đề cập tới sự kiện Lục Tứ (hay thảm sát Thiên An Môn), phật tử Tây Tạng, Đại Cách mạng Văn hóa, hay vấn đề Pháp Luân Công, mổ cướp nội tạng,… thì nếu may mắn, bạn có thể lọt được duy nhất email đầu tiên, còn sau đó sẽ bị hệ thống tường lửa phát hiện, và địa chỉ email mà bạn dùng để gửi đi đã nằm trong danh sách đen của hệ thống này, từ đó bạn sẽ không thể dùng nó để liên lạc vào bên trong Trung Quốc đại lục được nữa.
Bản báo cáo đã vẽ nên bức tranh tương đối toàn diện về thực trạng cũng như tương lai năm năm tới của việc AI có thể bị khai thác, sử dụng vào những mục đích xấu. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm các giải pháp khả thi cho những vấn đề này. Tuy nhiên họ cảnh báo rằng, nó nhiều khả năng sẽ chỉ giống như “trò mèo vờn chuột”.
Đường Chính