Một lỗ hổng khổng lồ vừa được mở ra tại vành nhật hoa của Mặt Trời đẩy một lượng khổng lồ hạt điện từ về phía Trái đất hứa hẹn tạo ra cực quang cho một dải đất rộng lớn của Bắc Mỹ.
Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã đưa ra cảnh báo về một cơn bão Mặt Trời cấp G2 vào ngày 11 tháng 9. Đây được dự báo là một cơn bão vừa phải trên thang đo 5 cấp độ với mức G5 là cao nhất.
Hiện tại chúng ta đang ở trong giai đoạn ít hoạt động nhất trong chu kỳ 11 năm của Mặt Trời. Điều đó có nghĩa là những vết Mặt Trời, các cơn phun trào cực quang cũng như hoạt động của ngọn lửa năng lượng Mặt Trời giảm thiểu đáng kể.
Nhưng một số “lỗ hổng” vẫn có thể mở ra trong các vành nhật hoa của Mặt Trời. Đây là những vùng lạnh hơn, ít dày đặc hơn trong bầu khí quyển của Mặt Trời với nhiều từ trường mở hơn. Những vùng mở này cho phép gió Mặt Trời thoát ra dễ dàng hơn, thổi bức xạ điện từ vào không gian ở tốc độ cao.
Nếu chiếc hố này đang đối diện với Trái Đất, những cơn gió đó sẽ tiến thẳng đến ngay chúng ta. Theo Met Office, một dịch vụ thời tiết của Anh, tốc độ của nó có thể lên tới 600 km/s trong một hoặc hai ngày tới.
Ảnh hưởng của cơn gió này sẽ mạnh hơn một chút so với những cơn bão G1, chúng có thể sẽ tác động tới hầu hết các khu vực trên địa cầu. Các hệ thống công suất cao có thể gặp phải cảnh báo điện áp do sự gia tăng từ dòng điện cảm ứng địa lý. Trong khi đó các cơn bão dài hơn có thể gây hư hỏng hệ thống máy biến áp nhưng có vẻ như cơn bão này sẽ là một cơn bão tương đối ngắn.
Bên cạnh đó, các hoạt động của tàu vũ trụ có thể bị ảnh hưởng khi bão cản trở hệ thống GPS, điều đó có nghĩa là các chỉnh sửa có thể cần phải được kiểm soát từ mặt đất. Khả năng truyền tải của vô tuyến tần số cao có thể cũng bị mờ dần ở vĩ độ cao.
Hiệu ứng lớn nhất có lẽ sẽ là những ánh sáng huyền ảo của cực quang vì gió Mặt Trời là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng đẹp mắt này. Khi chúng bay vào không gian, chúng tương tác với các hạt tích điện (chủ yếu là các proton và electron) trong từ quyển của chúng ta.
Các hạt tích điện này sau đó rơi vào tầng điện ly và di chuyển dọc theo các đường từ trường của hành tinh tới các cực rồi tương tác với các hạt khác, chẳng hạn như oxy và nitơ tạo ra những luồng ánh sáng nhảy múa trên bầu trời.
Theo một bản đồ do NOAA phát hành, hiện tượng này có thể được nhìn thấy từ Alaska, cũng như các tiểu bang trên khắp miền Bắc nước Mỹ, xa về phía nam như Iowa và Illinois. Ngay cả tại Nam Cực cũng sẽ có thể thấy được quang cảnh này.
Nhật Quang