Die Glocke (Quả chuông) là một siêu vũ khí bí mật thuộc dự án Wunderwaffe của Đức Quốc xã nhằm tạo ra một loại vũ khí với sức mạnh có thể thay đổi cục diện Thế chiến II.
Vũ khí đi trước thời đại
Thiết bị này được mô tả bởi nhà báo người Ba Lan – nhà văn Igor Witkowski trong cuốn sách có tên ‘Prawda o Wunderwaffe’ được xuất bản năm 2000 sau đó được phổ biến bởi nhà báo quân sự – nhà văn Nick Cook, cũng như của Joseph P. Farrell và các tác giả liên kết nó với chủ nghĩa huyền bí của Đức Quốc xã và nghiên cứu về năng lượng tự do.
Witkowski đã tìm hiểu chi tiết về Die Glocke sau khi có được thông tin về cuộc thẩm vấn sĩ quan cận vệ Jakob Sporrenberg từ cơ quan tình báo Ba Lan.
Sĩ quan này mô tả chi tiết về một thí nghiệm được thực hiện trong một căn cứ bí mật có tên là Der Riese, nằm trong dãy núi Owl, gần mỏ Wenceslaus ở Sudetes (gần biên giới Séc).
Theo bài báo của Patrick Kiger đăng trên Tạp chí Địa lý Quốc gia, Die Glocke đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi và có rất nhiều người quan tâm. Thiết bị bí ẩn này cũng đã được nhiều tác giả mô tả như một chiếc máy có thể du hành thời gian của Đức quốc xã.
‘Quả chuông’ được nói đến như là một thứ vũ khí kỳ diệu, huyền bí, dựa trên công nghệ vượt xa mọi thứ mà nhân loại có thể sản xuất.
Tuy nhiên, khả năng có một thiết bị bí mật với công nghệ vượt trội tại thời điểm đó là rất hiếm, rất có thể nhiều người đã viết về đề tài này dựa trên trí tưởng tượng phong phú của mình.
Một số người trong số họ như Jan Van Helsing, Norbert-Jürgen Ratthofer và Vladimir Terziski cảm thấy không có vấn đề gì khi pha trộn giữa thực tế và hư cấu trong một hỗn hợp gồm những đề tài như vũ khí huyền bí, chủ nghĩa bí truyền của Đức Quốc xã, các xã hội bí mật và vật thể bay không xác định UFO để rồi một hiện tượng bắt đầu lan rộng nhanh chóng trong những năm 50.
‘Quả chuông’ là thiết bị như thế nào?
‘Quả chuông’ được các nhà khoa học Đức quốc xã phát triển dưới sự kiểm soát của lực lượng SS tại một cơ sở có tên là Der Riese gần mỏ Wenceslaus gần biên giới Séc.
‘Quả chuông’ được mô tả như là một thiết bị “làm bằng kim loại cứng và nặng”, có đường kính khoảng 2,7 m và chiều cao từ 3,7 m đến 4,6 m, có hình dạng tương tự một quả chuông lớn.
Theo cuộc phỏng vấn của Cook với Witkowski, thiết bị này có hai xi lanh quay ngược, có thể “chứa đầy một chất tương tự như thủy ngân có màu tím”.
Chất lỏng kim loại này có tên mã là “Xerum 525” và được “lưu trữ trong một bình thủy cách nhiệt cao 1m được bọc trong một lớp chì.”
Người ta nói rằng các thí nghiệm đã sử dụng các chất bổ sung dưới dạng Leichtmetall (kim loại nhẹ), “bao gồm cả thori và berili peroxit”.
Witkowski mô tả rằng khi ‘Quả chuông’ được kích hoạt, tầm ảnh hưởng của nó là từ 150 m đến 200 m.
Nhà báo Ba Lan giải thích rằng mục tiêu của Die Glocke là tạo ra lực đẩy phản kháng – đó là lý do tại sao nó được thắt chặt với mặt đất bằng các dây xích lớn.
Witkowski giải thích rằng khi thiết bị được kích hoạt, nó có thể gây ra những hậu quả chết người đối với những sinh vật sống trong bán kính 150 đến 200 mét: đông máu trong hệ thống tuần hoàn, sự phân hủy các mô hữu cơ…
Hơn nữa, năm trong số bảy thành viên của nhóm nghiên cứu – do nhà vật lí Walther Gerlach – đã chết không rõ nguyên nhân sau các cuộc thử nghiệm.
Witkowski nói trong cuốn sách của mình rằng một nhà khoa học người Pháp tên là Elie Cartan đã có những bước đi quan trọng trong lĩnh vực chống lại lực hấp dẫn sau Thế chiến thứ nhất, mặc dù sự phản trọng lực được tạo ra bởi thiết bị của ông quá yếu để có một ứng dụng thực tiễn. Die Glocke có thể đã được dựa trên công nghệ của Cartan.
Dựa trên bằng chứng bên ngoài, Witkowski tuyên bố rằng những tàn tích của một cấu trúc bê tông có biệt danh là “The Henge” – gần vùng mỏ Wenceslas có thể đã phục vụ trong các thí nghiệm về “phản trọng lực” được tạo ra với ‘Quả chuông’.
Dù ‘Quả chuông’ có thực sự tồn tại hay không vẫn là một trong những bí mật lớn nhất của Đức quốc xã và ít nhất nó đã không kịp hoàn thiện để xuất hiện trên chiến trường, nếu không, phe Đồng Minh có thể đã phải hứng chịu những tổn thất nặng nề và lịch sử thế giới có thể đã đi theo một hướng khác tồi tệ hơn nhiều những gì chúng ta thấy.
Nhật Quang