Theo một phần nội dung mới được số hóa của Cuộn Sách Biển Chết, con tàu Noah khác biệt với quan điểm được nhìn nhận hiện nay. Tư liệu 2.000 năm tuổi này có thể là bằng chứng cho thấy con tàu này có hình dạng của một kim tự tháp.
Hơn 50 năm về trước, một chàng trai chăn cừu người Bedouin (Ả rập) đã ngẫu hứng ném một hòn đá vào một hang động và điều này đã vô tình dẫn tới phát hiện khảo cổ lớn nhất của thế kỷ 20. Chàng trai người Bedouin này đã nghe thấy tiếng động vọng lại khi hòn đá đập vỡ một chậu đất nung. Sau khi khám xét, cậu đã phát hiện được tư liệu đầu tiên của Cuộn Sách Biển Chết (Dead Sea Scrolls). Khi tất cả các cuộn sách (cuộn giấy da) được sắp xếp và phân loại, người ta ước tính có khoảng 800 bản thảo. Khoảng ¼, hay hơn 200 bản thảo, là bản chép tay các phần trong Kinh thánh Hebrew.
Hiện nay, sau gần 5 năm, một phòng thí nghiệm được thiết lập bởi Cơ quan Khảo cổ Israel (Israel Antiquities Authority) như một phần trong dự án Phòng thí nghiệm Số hóa các Cuộn sách Biển Chết Leon Levy (Leon Levy Dead Sea Scrolls Digital Library project), đã chụp quét hàng chục nghìn đoạn nội dung trong những cuộn sách bằng một camera đặc dụng.
Mỗi đoạn nội dung đã được chụp hình 28 lần với độ phân giải cao sử dụng các chiều dài bước sóng ánh sáng khác nhau. Công nghệ cao cấp này cho phép các nhà nghiên cứu đọc các từ và ký tự không thể đọc được trước đây. Một số đoạn nội dung mới được số hóa này đã cung cấp những cái nhìn mới mẻ cho các sự tích nổi tiếng trong Kinh Thánh.
Giải mã các đoạn nội dung mới
Theo trang nhật báo Haaretz của Israel, sự hiểu biết mới nhất về các đoạn nội dung đã thay đổi vốn hiểu biết trước đây của chúng ta về con tàu Noah. Trước đây, cái từ theo sau cụm từ “chiều cao của con tàu” bị lu mờ, không thể nhìn rõ dù đã được quan sát qua các bức ảnh chụp có độ phân giải cao. Tuy nhiên, kết quả chụp quét mới nhất cho thấy cụm từ chính xác phải là ne’esefet, có nghĩa là “tụ lại”.
Theo nhà nghiên cứu TS Alexey Yuditsky, cụm từ này ám chỉ rằng các khung sườn của con tàu Noah đã tụ lại tại chóp đỉnh, tạo nên một hình kim tự tháp. TS Yuditsky cho rằng Septuagint, một bản dịch tiếng Hy Lạp của Kinh Thánh từ thế kỷ 3 TCN, đã sử dụng một động từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa tương đồng để miêu tả con tàu Noah. Ngoài ra, các tác giả thời Trung Cổ như Maimonides cũng từng nói rằng con tàu Noah có phần mái nhọn.
Các cụm từ mới được giải mã trên các cuộn giấy da cổ đã nằm ẩn giấu trong hàng thế kỷ, nhưng hiện đã chịu hé lộ câu trả lời cho rất nhiều ẩn đố thâm niên, cùng lúc đưa ra nhiều ẩn đố mới. Trước đây, sự tích về con tàu Noah chủ yếu được biết đến nhờ Sách Sáng Thế. Tuy nhiên, các Cuộn Sách Biển Chết được phát hiện trong hang động Qumran ở sa mạc Judean đã góp phần làm sáng tỏ thêm sự tích này.
Con tàu Noah – không chỉ đơn thuần là một câu chuyện trong Kinh Thánh
Các Cuộn Sách Biển Chết chứa thông tin về rất nhiều chủ đề hấp dẫn và gây tranh cãi trong lịch sử, và câu chuyện về Noah và trận Đại Hồng Thủy chỉ là một trong số đó. Christos Djonis, tác giả khách mời trên trang Ancient Origins, đã giải thích như sau trong một loạt bài viết gồm hai phần với tựa đề “Bằng chứng về trận Đại hồng thủy: Sự thật hay chỉ là truyền thuyết?” (phần 1 và phần 2), rằng câu chuyện về con tàu Noah không chỉ là một sự tích trong Kinh Thánh:
“Câu chuyện về một “Trận Đại hồng thủy” được Chúa (hay các vị Thần theo các tư liệu cổ xưa hơn) gửi tới nhằm hủy diệt nhân loại tội lỗi là một sự kiện phổ biến góp mặt trong rất nhiều nền văn hóa và tín ngưỡng trên khắp thế giới, và trải dài tới tận giai đoạn lịch sử đầu tiên từng được ghi nhận.
Từ Ấn Độ cho đến Hy Lạp cổ đại, vùng Lưỡng Hà và ngay cả trong các cộng đồng thổ dân bản địa Bắc Mỹ, không hề thiếu những câu chuyện mà thoạt nghe rất tương đồng với nhau. Một số trong những câu chuyện này thật sự giống nhau đến nỗi một người có thể thốt lên rằng phải chăng tất cả các nền văn minh trên địa cầu đều đã từng trải qua một sự kiện tương tự (…)
Chỉ sau giai đoạn 7.000 TCN khi mực nước biển bắt đầu ổn định trở lại, thì đời sống của con người mới một lần nữa trở về đúng quỹ đạo. Các vùng đất gần biển không còn phải bị bỏ hoang để di tản đến các vùng đất cao hơn, ít nhất là ở hầu hết các khu vực, và trong khoảng từ 6000 TCN đến 5000 TCN, một lần nữa, chúng ta bắt đầu nhìn thấy các dấu hiệu của hoạt động con người gần khu vực biển.
Liệu đây chỉ đơn thuần là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi lịch sử “được ghi nhận” đã bắt đầu vào khoảng thời gian này? Liệu có đúng khi nói rằng những con người thời kỳ đầu vẫn còn quá nguyên thủy để có thể để lại đằng sau các dấu tích về sự tồn tại của họ, hay những trang đầu tiên của lịch sử đã bị “cuốn trôi” bởi Trận Đại hồng thủy từ Kỷ Băng Hà gần đây nhất? Sau cùng, dường như ngay khi các hoàn cảnh khí hậu khắc nghiệt thoái lui, sẽ không mất nhiều thời gian để nhân loại có thể tự khôi phục lại một lần mới”.
Các tấm pano trên cánh cửa dẫn vào nhà thờ Baptistery ở Florence, Ý của họa sĩ thời kỳ Phục Hưng Lorenzo Ghiberti, minh họa các cảnh tượng trong Kinh Cựu Ước. Một trong những tấm pano minh họa cuộc đời của Noah, đặc biệt là trong giai đoạn sau trận Đại Hồng Thủy, khi Noah trở lại đất liền với sự trợ giúp của Chúa. Điều kỳ lạ là, con tàu ông dùng có hình dạng của một kim tự tháp, từ đó củng cố thêm cho luận điểm mới này.
Tác giả: Natalia Klimczak, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: