Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn kỹ thuật cơ khí siêu đẳng thời tiền sử, phần 1: Ai Cập cổ đại

Mẫu vật số 6 của Petrie: một thỏi đá diorit có những rãnh tròn đều đặn và cách đều nhau. Nó là minh chứng hiển nhiên của việc người thượng cổ đã sử dụng kỹ thuật khoan bao tâm, một kỹ thuật khó ngay cả đối với trình độ kỹ thuật cơ khí ngày nay.(Ảnh: Internet)

Giáo sư Ai Cập học nổi tiếng người Anh Flinders Petrie bình luận về một số món đồ được chế tác tinh vi thời Ai Cập cổ đại mà ông khai quật được.

Giáo sư Sir William Matthew Flinders Petrie (3/6/1853 – 28/7/1942), thường được biết đến dưới cái tên Flinders Petrie, là một nhà Ai Cập học rất nổi tiếng người Anh, và là nhà tiên phong trong việc nghiên cứu Khảo cổ học một cách có phương pháp và có hệ thống. Ông là nhà Ai Cập học số 1 tại Anh quốc, và đã khai quật tại nhiều địa điểm khảo cổ quan trọng nhất tại Ai Cập, như Naukratis, Tanis, Abydos và Amarna.

Các đoạn trích sau đây được lấy từ Chương VIII có tựa đề “Các phương pháp cơ khí” trong tác phẩm kinh điển “Các Kim tự tháp và Đền thờ ở Giza” của Petrie. Chúng liên quan tới một số phát hiện của ông tại Giza trong hai mùa đông năm 1880 và 1881.

“Các phương pháp mà người Ai Cập đã thường xuyên sử dụng trong việc cắt gọt các loại đá cứng, lâu nay vẫn chưa xác định được. Nhiều người đã thử giải thích, nhưng một số lời giải thích là rất không thực tế. Người ta cũng không có các bằng chứng thực sự về các công cụ, hoặc cách thức sử dụng chúng,…”

“Phương pháp chế tác các loại đá cứng – chẳng hạn như đá granite, bazan, diorit… – là nhờ các công cụ bằng đồng; chúng hẳn là đã được lắp với các mũi cắt, cứng hơn đá thạch anh nhiều mới cắt được nó. Chất liệu của các mũi cắt vẫn chưa xác định được, nhưng chỉ có 5 chất là có thể – đá beryl, đá topaz, chrysoberyl, corundum hoặc sapphire, và kim cương. Đặc điểm của công việc này làm người ta nghĩ chắc kim cương đã được dùng để cắt, và nhìn chung chỉ có sự quý hiếm của nó là không phù hợp với kết luận này mà thôi.”

“Nhiều quốc gia… có thói quen cắt vật liệu cứng bằng công cụ làm từ một chất mềm (như đồng, gỗ, sừng…), với một loại bột cứng gắn lên nó; bột dính vào dụng cụ, và dụng cụ chà xát trên khối đá muốn cắt gọt, nhờ đó bào mòn nó. Nhiều người do đó rất dễ nghĩ rằng (như bản thân tôi lúc đầu) phương pháp này nhất thiết là đã phải được những người Ai Cập sử dụng; và rằng đó là đủ để sản xuất ra được tất cả các mẫu vật mà hiện nay đã thu thập được. Tuy nhiên, trường hợp này hoàn toàn không phải vậy, mặc dù phương pháp này hẳn là được sử dụng đối với đá thạch cao tuyết hoa và các loại đá mềm khác”.

“Chắc chắn người Ai Cập đã quen với một loại đá quý dùng để cắt, cứng hơn thạch anh nhiều. Và họ đã sử dụng thứ đá quý này như là một loại dao chạm sắc nhọn, là điều không thể nghi ngờ, bởi vì tôi đã tìm thấy những mảnh vỡ của những cái bát bằng đá diorite có chữ khắc của Triều đại thứ tư ở Giza; và những vết trầy xước trên đá hoa cương láng bóng của triều đại Ptolemy tại San. Các chữ tượng hình được chạm khắc bằng một mũi cắt rất cứng, chúng không phải do cạo hoặc mài ra, mà do cày qua đá diorit, với đường nét có bờ gồ ghề. Các đường nét chỉ rộng chưa tới 0,2mm (các chữ khắc dài khoảng 0,5cm), đó là bằng chứng cho thấy mũi cắt phải cứng hơn thạch anh rất nhiều, và bền chắc đủ để không bị vỡ ra khi tạo ra những gờ mép hoàn hảo như thế, có lẽ chỉ rộng có 0,13mm mà thôi. Những đường song song đã được khắc chỉ cách nhau có 0,8mm”.

“Do đó chúng ta không cần do dự khi cho rằng những dòng chữ khắc trong đá cứng bằng những mũi nhọn đá quý, đã là một nghệ thuật phổ biến thời kỳ ấy. Và khi chúng ta tìm thấy những rãnh sâu 0,3mm trên bề mặt của những vết cưa trong đá diorite, thì rất có thể chúng đã được tạo ra bởi các mũi nhọn bằng đá quý gắn cố định, chứ không phải do sự mài giũa ngẫu nhiên nhờ một loại bột mài nào đó. Và hơn nữa, ta thấy rằng những rãnh này gần như luôn luôn sâu đều đặn, và cách đều nhau. Rõ ràng người ta đã tạo ra chúng bằng những vết cắt liên tục của những răng cưa đá quý…”

“Các loại công cụ là những chiếc cưa thẳng, cưa tròn, khoan ống, và máy tiện”.

Mẫu vật số 6 của Petrie: một thỏi đá diorit có những rãnh tròn đều đặn và cách đều nhau. Nó là minh chứng hiển nhiên của việc người thượng cổ đã sử dụng kỹ thuật khoan bao tâm, một kỹ thuật khó ngay cả đối với trình độ kỹ thuật cơ khí ngày nay.

“Các cưa thẳng có độ dày khác nhau, từ 0,8mm đến 5mm, tùy công việc, những cái lớn nhất dài tới hơn 2,5m” “… mẫu vật số 6, một miếng đá diorit có những rãnh đều đặn và cách đều nhau, có dạng các cung tròn song song với nhau. Những đường rãnh này dường như đã được đánh bóng thông qua công đoạn mài giũa, nhưng vẫn có thể nhìn thấy được. Cách giải thích hợp lý duy nhất cho mẫu vật này, là nó được tạo ra bởi một lưỡi cưa tròn”. “Những chiếc khoan ống này khác nhau về độ dày, có đường kính từ 0,6cm đến 13cm, và dày từ 0,8mm đến 5mm. Lỗ khoan nhỏ nhất được tìm thấy trong đá granite có đường kính 5cm”. “Tại El Bersheh… có một mẫu vật còn lớn hơn, nơi mà một nền tảng đá vôi đã được tách ra, bằng cách cắt nó đi với những ống khoan có đường kính khoảng 46cm; các rãnh tròn đôi khi giao nhau, chứng tỏ rằng nó đã được thực hiện chỉ để loại bỏ tảng đá mà thôi”.

Cái bình bằng đá cứng, tròn như một khối cầu ngay cả ở phần đáy, nhưng nó vẫn đứng thăng bằng hoàn hảo. Điều đó chứng tỏ nó cực kỳ cân đối, cho thấy cấp độ chính xác siêu việt của các hiện vật đá này. Vậy mà cái bát này lại có từ nhiều ngàn năm trước chứ không phải được chế tác gần đây bằng máy cơ khí hiện đại.

“… Máy tiện dường như là một công cụ thường thấy trong Triều đại thứ tư [của Ai Cập], giống như loại được dùng trong các xưởng máy hiện đại ngày nay. Người ta thường hay bắt gặp những cái bát và bình bằng đá diorite của Vương triều cũ, cho thấy kỹ năng tuyệt vời.

Một mẫu vật đã được tìm thấy tại Giza, mẫu vật số 14, cho thấy công cụ sử dụng đến quả thật là máy tiện, chứ không phải thông qua quá trình mài giũa nào cả. Bởi vì cái bát đã được cắt rời ra theo đúng tâm của nó, được xác định tâm mới một cách không hoàn toàn, và phần tiện cũ không hoàn toàn bị cắt rời ra, do đó tạo thành hai bề mặt có tâm tiện khác nhau, và 2 bề mặt gặp nhau tại một đỉnh nhọn. Biểu hiện như vậy không thể là do quá trình nghiền hoặc chà xát thủ công nào trên bề mặt.

Một chi tiết ở mảnh vỡ số 15;… ở đây các đường cong của cái bát có hình cầu, và do đó ắt phải đã bị cắt bởi một công cụ, quét một vòng cung từ một tâm cố định trong khi cái bát được xoay vòng. Cái tâm này hoặc trục đứng của công cụ này là nằm đúng theo trục của máy tiện để tạo ra bề mặt chung của cái bát, ngay đến các cạnh của nó; nhưng bởi cần một gờ nhô, tâm của công cụ này đã được dịch chuyển, nhưng với cùng một bán kính vòng cung, và một nhát cắt mới đã tạo ra một gờ nhô trên cái bát. Đây chắc chắn không thể là kết quả của việc làm thủ công, không chỉ bởi dáng tròn chính xác của các đường cong và sự đều đặn của chúng, mà còn bởi đỉnh nhô được tạo ra nơi chúng giao nhau. Nó chắc chắn không phải là được mài tròn như kiểu làm thủ công, và đó là bằng chứng rõ ràng của phương pháp cơ khí cực kỳ cao cấp được áp dụng để tạo ra các đường cong ấy”.

Một cái đĩa bằng đá cứng khác. Theo bạn sử dụng công cụ bằng đồng có thể nào tạo ra những vật dụng hàng ngày tinh vi đến mức này không? Tuy vậy, những người bí ẩn tại vùng đất mà nay là Ai Cập đã tạo ra chúng ít nhất là từ 6.000 năm trước đây!
Cái đĩa bằng đá diệp thạch này được tìm thấy tại Saqqara, Ai Cập. Người ta chỉ có thể phỏng đoán mục đích của nó mà thôi. Nó có đường kính khoảng 30cm, và chỉ dày 1cm. Hiện nó được trưng bày tại bảo tàng Cairo, và được gán nhãn là “cái đựng hương trầm”, mặc dù hoàn toàn không có bằng chứng nào chứng minh điều đó. Rõ ràng, đẽo gọt đá (hoặc đúc đá) đã là kỹ năng quen thuộc của họ. Nhìn chúng, không ai trong chúng ta không liên tưởng tới những bộ phận máy móc nào đó của thế giới hiện đại, nếu ta không biết chúng được chế tạo bằng chất liệu gì, ở đâu, và vào thời gian nào.

Minh Trí (theo theglobaleducationproject.org)

Xem thêm: 

Exit mobile version