Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn Lâu đài San Hô: Xây bằng công nghệ thất lạc thời cổ đại?

Bí ẩn Lâu đài San Hô: Xây bằng công nghệ thất lạc thời cổ đại?

Ảnh: ĐKN

Tòa lâu đài San Hô bí ẩn được dựng lập từ các khối đá khổng lồ nặng tổng cộng khoảng 1000 tấn, ấy vậy mà tòa lâu đài đó được tự xây toàn bộ bởi duy nhất một người. Kỹ thuật xây dựng công trình này cho đến nay vẫn là một bí ẩn.

Tác giả công trình này là một người đàn ông trẻ từ Latvia tên Leedskalnin, ông cho biết công trình này được xây rất dễ dàng, không như chúng ta tưởng, và kỹ thuật xây là của người cổ đại những đã bị thất lạc theo thời gian.

Lâu đài San Hô được xây từ những khối đá khổng lồ, bởi duy nhất một người vào năm 1923. Đối chiếu kích thước với chiếc xe tải trên đường. Ảnh: Code144.com

Câu chuyện xây dựng công trình cự thạch đồ sộ

Ở tuổi 25, chàng trai người Latvia tên Edward Leedskalnin đã có đính ước với một cô gái kém anh gần 10 tuổi—Agnes Scuffs. Không may, vào cái đêm trước hôm cưới, cô gái bất ngờ đổi ý định và bỏ đi. Đối mặt với tình huống đau buồn, Leedskalnin đã quyết định xây một tòa lâu đài để tưởng nhớ đến “tình yêu thất lạc” của mình.

Sau biến cố tình cảm đau buồn cùng những cơn ho dai dẳng hành hạ do bị bệnh lao, anh đã rời quê hương Latvia đến Mỹ, xây dựng cuộc sống mới ở thành phố Florida City. Tại nơi đây anh đã cho ra đời công trình cự thạch ấn tượng và bí ẩn nhất từng được thực hiện bởi một người: “Lâu đài San Hô”, hay như cách anh gọi, “Công viên Cổng Đá (Rock Gate Park)”.

Toàn cảnh Lâu đài San Hô. Ảnh: magneticuniverse.com
Một góc Lâu đài San Hô. Thật khó tin công trình này được kiến tạo bởi chỉ một người. Ảnh: Miami Nice Mag
Quang cảnh bên trong Lâu đài San Hô, với những khối cự thạch lớn. Ảnh: tistory.com
Ảnh: purch.com

Tòa lâu đài này được xây hoàn toàn từ đá – những phiến đá khổng lồ, một số nặng lên đến 30 tấn, tất cả chúng đều được Leedskalnin khai thác, cắt gọt và xếp đặt. Qua suốt 28 năm làm việc độc lập, với vài công cụ đơn giản được chính tay Edward thiết kế – một dây dợ và cần trục dây xích làm từ các cột điện thoại cũ – Lâu đài San Hô đã trở thành một điểm tham quan du lịch ấn tượng.

Năm 1936, Leedskalnin quyết định di chuyển toàn bộ công trình đồ sộ này đến thành phố Homestead lân cận nên đã thuê một chiếc xe tải mang chở đá, đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất ông nhờ đến sự giúp đỡ từ bên ngoài. Vì muốn bảo vệ bí mật xây dựng của mình, ông đã yêu cầu người lái để chiếc xe tải tại lâu đài qua đêm, để ông tự mình chất những phiến đá khổng lồ lên xe tải. Người lái tỏ vẻ hoài nghi khi Leedskalnin không muốn sự trợ giúp, nhưng ngày hôm sau khi quay lại, anh thấy các khối đá lớn xây lâu đài đã được xếp chồng lên nhau ngay ngắn trên chiếc xe tải, để sẵn sàng chở đi.

Chân dung Leedskalnin. Ảnh: leedskalnin.com
Tòa lâu đài 2 tầng trong khuôn viên. Đá xây lâu đài là những khối đá tảng rất lớn, việc vận chuyển và xếp đặt chúng là một thách thức lớn đối với bất cứ ai. Ảnh: code144.com

Các công trình cự thạch ấn tượng và kỹ thuật xây dựng bí ẩn

Trong khuôn viên Lâu đài San Hô chứa các khối đá nặng tổng cộng 1.000 tấn, bao gồm các bức tường, đồ chạm khắc, bàn ghế và một tòa tháp. Thường được cho là làm từ san hô (như tên gọi của nó), các khối đá thực chất được làm từ đá trứng cá (oolite), còn gọi là đá vôi oolite.

Điểm đặc biệt là chúng được “gắn chặt” với nhau mà không cần vữa, thay vào đó chúng cố định tại vị trí nhờ chính sức nặng của mình. Kỹ thuật xây dựng được điêu luyện đến từng chi tiết nhỏ, các khối đá được đặt khít nhau với độ chính xác đến mức ánh sáng cũng không thể len xuyên qua các khe hở.

Ngoại trừ vài trường hợp cá biệt, các tác phẩm cự thạch trong khuôn viên nặng trung bình 14 tấn. Khối lớn nhất nặng đến 27 tấn, với hai cột đá cao nhất cao đến 7,6 m.

Những tác phẩm cự thạch điển hình

Cánh cổng đá đồ sộ

Một trong những điểm nhấn của Lâu đài San Hô có lẽ là khối đá nặng 9 tấn đặt tại cổng vào. Leedskalnin đã xếp đặt khối đá lớn này với mức độ chính xác đến mức có thể dễ dàng mở vào khi chỉ cần chạm nhẹ. Năm 1986, hơn 30 năm sau khi Leedskalnin qua đời, cánh cổng đã được sửa, công việc khi đó đòi hỏi đến 6 người, họ phải sử dụng một cái cần trục nặng đến 20 tấn mới có thể di chuyển phiến đá này. Dù vậy, bất chấp sở hữu một lực lượng “hùng hậu” và đông đúc, đội thợ vẫn không thể xếp đặt cái cổng với độ chính xác hoàn hảo như trước đây.

Cánh Cổng Đá. Ảnh: Art Now and Then

Khối đá lớn nhất và cột đá cao nhất

Như đề cập đến bên trên, khối đá lớn nhất nặng đến 27 tấn, hiện vẫn chưa thể hiểu được rốt cục Leedskalnin đã di chuyển khối đá này như thế nào, khi chỉ có duy nhất một mình.

Khối đá lớn nhất nặng 27 tấn. Ảnh: wikipedia.org

Và cột đá cao nhất có chiều dài lên đến 7,6 m (hình dưới), không rõ Leedskalnin đã dựng chúng lên bằng cách nào.

Leedskalnin đứng bên cạnh cột trụ đá. Ảnh: ĐKN

Bên cạnh kích thước khổng lồ, tính chính xác là một trong những điểm nhấn khác của các công trình cự thạch trong Lâu đài.

Kính thiên văn

Bên cạnh cột đá, trong khuôn viên lâu đài còn có một cột đá khác cao tương đương (7,6 m), đây là một cột đá được Leedskalnin tự mình khai thác, đẽo gọt và xếp đặt cẩn thận vào năm 1940. Trên đỉnh tháp có một hốc tròn, trong hốc có hai sợi dây thép hoặc sắt đặt bắt chéo nhau, chỉ thẳng hướng Sao Bắc Cực. Cột đá này chính là một loại kính thiên văn.

Cột đá thiên văn. Ảnh: wikimedia.org
Hốc tròn trên đỉnh cột đá thiên văn, chỉ thẳng hướng sao Bắc Cực. Ảnh: grahamhancock.com

Đồng hồ Mặt Trời

Leedskalnin đã tạo ra một chiếc đồng hồ Mặt Trời vô cùng chính xác và đặc biệt. Nó có thể cho thấy chính xác thời gian trong ngày, với độ sai cách chỉ vài phút. Có hai thanh kim loại gắn chặt vào khối đá, đổ bóng xuống mô hình vòng lặp bên dưới, vị trí giao cắt của bóng cột mốc với mô hình chỉ rõ mốc thời gian.

Đồng hồ Mặt Trời tại Lâu đài San Hô. Ảnh: grahamhancock.com

Bí mật còn bỏ ngỏ

Quá trình xây dựng Lâu đài San Hô tràn ngập các bí ẩn. Làm cách nào một người có thể di chuyển khoảng 1000 tấn các phiến đá lớn để xây dựng nên công trình kỳ vĩ này?

Thay vì chia sẻ các phương pháp xây dựng tuyệt vời của mình, Leedskalnin đã vận dụng mọi nỗ lực để bảo vệ bí mật đằng sau khả năng vận chuyển các khối đá lớn. Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra, tuy nhiên không cái nào trong số đó có thể giúp di chuyển các tảng đá lớn một cách thật sự dễ dàng.

Theo truyền thuyết kể lại, có một số đứa trẻ đã thử từng dòm trộm vào khuôn viên Lâu đài San Hô vào đêm nọ, và đã chứng kiến thấy những phiến đá lớn trôi lơ lửng trong không khí như “những quả bóng bay hidrô”.

Tuy rằng Leedskalnin chưa từng tiết lộ bí mật xây dựng công trình của ông, ông có để lại các bản thảo đề cập đến một loạt các thí nghiệm sử dụng nam châm, gợi ý rằng phương pháp của ông là thông qua việc nghiên cứu các trường từ của Trái Đất. Phải chăng Leedskalnin, theo tuyên bố của một số người, đã tìm ra cách chiến thắng trọng lực, khiến các khối đá tảng “trôi lơ lửng” trong không khí rồi xếp đặt vào đúng vị trí?

Ảnh: YouTube

Leedskalnin cố tình tránh né khi được hỏi trực tiếp về cách thức xây dựng Lâu đài San Hô, nhưng ông tuyên bố nắm trong tay các công nghệ của người cổ đại. Ông thậm chí còn hé lộ rằng phương pháp này khá dễ, một khi bạn biết được bí mật đằng sau.

Chưa ai từng trực tiếp nhìn thấy Leedskalnin lúc ông xây Lâu đài, tuy nhiên hàng xóm cho biết đã nhìn thấy ánh đèn mờ trong xưởng tháp, cùng với những tiếng hát ngâm nga vào đêm muộn. Rốt cục kỹ thuật được Leedskalnin sử dụng là gì và tại sao ông muốn giữ bí mật phương pháp đó? Liệu có thật là, ông nắm trong tay các bí quyết xây dựng trác tuyệt đã thất lạc của người xưa? Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán, bởi Leedskalnin chỉ đưa ra các gợi ý rất mơ hồ, trước khi mang theo bí mật này sang thế giới bên kia.

Thanh Tước

Exit mobile version