Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn Ngọc tỷ Truyền Quốc của Tần Thủy Hoàng

Ảnh: Bí ẩn chưa được giải đáp - ET

Quốc bảo đệ nhất của người Hoa đã dẫn khởi những cuộc tranh đoạt mưa máu gió tanh suốt cả ngàn năm, liệu rằng có nó là sẽ có thể được cả thiên hạ?! Bảo bối này có bí mật gì? 

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Thời gian quay ngược về năm 219 trước Công nguyên, năm đó Tần Thủy Hoàng tuần du phương nam, ngồi thuyền đến hồ Động Đình, đột nhiên cuồng phong nổi lên dữ dội, sóng lớn cuồn cuộn, mắt nhìn thấy thuyền muốn lật, trong lúc nguy cấp, Tần Thủy Hoàng ra lệnh cho người lấy Ngọc tỷ Truyền Quốc ra và ném nó vào trong hồ. Kỳ lạ thay, mặt hồ đột nhiên trở nên tĩnh lặng. Tám năm sau, Tần Thủy Hoàng đang tuần du thiên hạ, khi đi qua huyện Hoa Âm, tỉnh Thiểm Tây, đột nhiên có một hảo hán xuất hiện chặn đường, trả lại một thứ gì đó, Tần Thủy Hoàng vừa nhìn vào thì thấy, đây chính là ngọc ấn mà bản thân ông năm đó đã ném xuống nước. Đây là thủy thần tới trả bảo bối. Xem ra, ấn ngọc sẵn có thần lực này không hề đơn giản, chẳng trách nó được mệnh danh là quốc bảo đệ nhất của người Hoa Hạ.

Một số bạn có thể nói, Trung Quốc có nhiều quốc bảo như vậy, tại sao Ngọc tỷ Truyền Quốc ấn lại xếp thứ nhất? Bởi vì những bảo vật khác, có thể nói đều có giá trị rất cao, nhưng chỉ có quốc ấn này mới xứng là vô giá, không chỉ là giá trị bằng tiền, mà quan trọng hơn là, nếu có được nó, có thể giành được thiên hạ.

Trong dòng sông dài lịch sử hơn hai nghìn năm, Ngọc tỷ Truyền Quốc này đã dẫn phát vô số mưa máu gió tanh, sự thực giả trong truyền thuyết và tung tích của nó luôn được người ta bàn tán, mà nhiệt độ của chủ đề này tiếp tục kéo dài hàng nghìn năm. Hôm nay chúng tôi sẽ kể về nó.

Sự ra đời của Ngọc tỷ Truyền Quốc

Chiểu theo ghi chép trong sách sử, Ngọc tỷ Truyền Quốc là do Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, ra lệnh cho tể tướng Lý Tư chế tạo ra, trên đó có khắc tám chữ do Lý Tư viết bằng thể chữ Trùng Ngư: “Thụ mệnh ư thiên, ký thọ vĩnh xương” Vậy ấn ngọc này được chế tác bằng chất liệu gì? Bí ẩn đầu tiên xuất hiện.

Căn cứ theo thuyết pháp của Thôi Hạo triều đại Bắc Ngụy, Ngọc tỷ Truyền Quốc được làm bằng ngọc “Hòa Thị Bích” nổi danh thiên hạ tác thành. Người ta nói rằng ngọc bích này nguyên bản là tinh của Sao Mộc, rơi xuống núi Kinh Sơn và hóa thành một hòn đá. Biện Hòa, người nước Sở, nhìn thấy phượng hoàng đậu trên hòn đá này, nghĩ ra là phượng hoàng sẽ không đáp xuống vùng đất không kho báu, ông nhận định hòn đá này nhất định có chứa mỹ ngọc quý hiếm, nên dâng tặng nó cho Sở Lại Vương. Ai ngờ Sở Lại Vương không biết nhìn hàng, tưởng Biện Hòa lừa tặng mình một hòn đá vỡ, nên đã chặt đứt một chân của ông. Sau khi Sở Lại Vương băng hà, Sở Vũ Vương lên ngôi, Biện Hòa lại đến dâng ngọc, không ngờ Sở Vũ Vương cũng không biết nhìn hàng, lại thịnh nộ chặt đứt chân còn lại của Biện Hòa. Đến sau khi Sở Văn Vương lên ngôi, Biện Hòa ôm hòn đá đứng khóc dưới chân núi Kính Sơn ba ngày ba đêm, nước mắt cạn khô, huyết lệ tuôn rơi. Sau khi Sở Văn Vương biết chuyện, đã sai thợ ngọc đến đánh bóng hòn đá, quả nhiên có được một khối ngọc bảo. Sở Văn Vương cảm động trước sự kiên trì của Biện Hòa, đã đặt tên cho khối ngọc bảo là “Hòa Thị Bích”. Khối ngọc này nhìn nghiêng có màu xanh lục, nhìn từ phía trước có màu trắng, đặt ở nơi tối tăm vẫn tự nhiên tỏa sáng, quả nhiên là một bảo vật vô cùng quý hiếm.

Sau đó, “Hòa Thị Bích” đã trải qua nhiều lần đổi chủ, cuối cùng bị Tần Thủy Hoàng lấy được. Về lý mà nói, việc sử dụng một báu vật như ngọc “Hòa Thị Bích” làm Ngọc tỷ Truyền Quốc là điều hợp lý, tuy nhiên, các nhà sử học luôn đặt ra nghi vấn, đó là làm thế nào một khối ngọc bích có thể được chế tạo thành ngọc ấn?

Không có ghi chép nào về kiểu dáng và kích thước khối ngọc “Hòa Thị Bích” trong sử sách, nhưng chúng ta có thể suy đoán dựa trên nghi thức lễ chế thời đó. Theo ghi chép trong cuốn “Chu Lễ”, đường kính lỗ trung tâm của khối ngọc bích khoảng 3 thốn, thời đó 1 thốn tương đương với 2,31cm ngày nay, và đường kính của vòng ngoài cùng của khối ngọc là gấp 3 lần, là 9 thốn, nghĩa là chưa đến 21cm. Hơn nữa, loại ngọc bích quy cách này chỉ có thiên tử nhà Chu mới có thể sử dụng.

Ngoài ra, độ dày của khối ngọc bích không quá dày, căn cứ theo các văn vật được khai quật, Sở Văn Vương sống vào thời đại Xuân Thu, độ dày của khối ngọc bích chỉ là khoảng 0,5 cm. Vì vậy, một số nhà nghiên cứu suy đoán rằng khối ngọc “Hà Thị Bích” có thể có đường kính 21cm và dày 0,5cm.

Vậy Ngọc tỷ Truyền Quốc trông như thế nào? Sau khi khảo chứng, các nhà sử học tin rằng nó có “vuông bốn thốn, cao ba thốn sáu”, nghĩa là, Ngọc tỷ Truyền Quốc có kích thước vuông 9,24cm và cao 8,3 cm. Ngũ long uốn lượn phía trên là tạo hình của Ly Vẫn, một trong chín con rồng theo truyền thuyết. Chỉnh thể nó có màu lục lam, có các đường vân. Ngọc tỷ Truyền Quốc trong các tác phẩm điện ảnh, truyền hình lớn đến mức phải dùng cả hai tay mới cầm được, điều này chỉ có thể nói là sự cường điệu của nghệ thuật.

So sánh như thế này, có vẻ như Ngọc tỷ Truyền Quốc dù lớn nhỏ thế nào, đánh giá từ màu sắc, đều không giống như là do ngọc “Hòa Thị Bích” chế tác mà thành. Vậy còn những khả năng nào khác? Có. Có sách sử đề cập, Ngọc tỷ Truyền Quốc được chế tạo từ ngọc Lam Điềm.

Ngọc Lam Điềm là loại ngọc gì? Đây là một trong những loại ngọc được phát triển và sử dụng sớm nhất ở Trung Quốc, được sản xuất tại núi Lam Điềm, thành Tây An, tỉnh Thiểm Tây, màu sắc đa dạng, cảm quang mạnh, đường vân độc đáo. Ngọc thủy thương Lam Điềm có màu xanh lục, sách “Ngọc tỷ phổ” đề cập rõ ràng rằng Ngọc tỷ Truyền Quốc được làm bằng loại ngọc này.

Vậy tại sao trong dân gian lại lưu truyền rằng Ngọc tỷ Truyền Quốc được làm bằng ngọc “Hòa Thị Bích”? Có lẽ mọi người đều cho rằng chỉ có bảo vật thế gian như ngọc “Hòa Thị Bích” mới có thể xứng đáng với thân phận của Ngọc tỷ Truyền Quốc, lại thêm sau thời Tần Thủy Hoàng, “Hòa Thị Bích” cũng biến mất tung tích, nên thuyết pháp này đã lan truyền ra. Bản thân miếng ngọc “Hòa Thị Bích” cũng có rất nhiều điều bí ẩn thú vị, chúng tôi sẽ tìm cơ hội để nói chuyện cụ thể hơn với các bạn trong tương lai.

Nếu lấy được Ngọc tỷ Truyền Quốc, sẽ chinh phục thiên hạ?

Tiếp tục nói về Ngọc ấn Truyền Quốc. Kỳ thực, trước Tần Thủy Hoàng, các loại con dấu khác nhau cũng có thể được gọi là “ấn”, và chất liệu cũng bất đồng, bao gồm vàng, ngọc, và cả đất sét. Sau này, Tần Thủy Hoàng quy định, chỉ có con dấu của hoàng đế mới được gọi là “tỉ” (璽), còn của người khác chỉ có thể gọi là ấn. Hơn nữa, con dấu làm bằng ngọc chỉ có hoàng đế mới có thể sử dụng.

Khi Tần Thủy Hoàng chế tạo ra ngọc tỷ, tổng cộng làm ra bảy cái, ngoài Ngọc tỷ Truyền Quốc mà chúng tôi đã đề cập trước đó, còn lại sáu cái nhỏ hơn là: hoàng đế chi tỷ, hoàng đế hành tỷ, hoàng đế tín tỷ, thiên tử chi tỷ, thiên tử hành tỷ, thiên tử tín tỷ. Có thể bạn muốn hỏi, tại sao lại có ấn phân biệt giữa Hoàng đế và Thiên tử? Chẳng phải Hoàng đế và Thiên tử là cùng một khái niệm sao?

Chà, đó thực sự không phải là cùng một khái niệm. Nói đơn giản, Hoàng đế là người cai trị một đế quốc, đó là một khái niệm hướng đến thế tục. Còn Thiên tử đại biểu con Trời, tượng trưng cho quân quyền Thần thụ, tức là quyền lực của nhà vua là được Thần giao phó. Vì vậy, vào thời cổ đại, ít nhất là vào đầu thời nhà Hán, địa vị Hoàng đế và địa vị Thiên tử là hai bộ nghi lễ khác nhau. Địa vị Thiên tử ý vị bản thân đã trở thành nhà thống trị tối cao và được ông Trời thừa nhận, danh chính ngôn hành.

Vì vậy, bảy ngọc tỷ của Tần Thủy Hoàng đều có sự phân công riêng, chẳng hạn như phân phong chư hầu, làm binh phù, cúng tế tổ tông, v.v. Và Ngọc tỷ Truyền Quốc là được cung phụng ở đó, đại biểu cho tín vật mà ông Trời ban tặng, ai có được nó, người đó có tư cách đại biểu cho Thần quản lý thiên hạ, rất lợi hại như vậy. Cũng chính vì như thế, sáu ngọc tỷ của Tần Thủy Hoàng, theo sự cải triều hoán đại, không ai quan tâm chúng đã đi đâu, nhưng chỉ riêng Ngọc tỷ Truyền Quốc thì các đế vương các thời đại đều muốn lấy được nó.

Vậy Ngọc tỷ Truyền Quốc đã đi đâu, hoàng đế và tướng quân nào có được Ngọc tỷ Truyền Quốc thật, và những cái nào là giả?

Ngọc tỷ Truyền Quốc đổi chủ

Sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, Ngọc tỷ Truyền Quốc đương nhiên được truyền lại cho Hồ Hợi, hoàng đế thứ hai của nước Tần, sau đó lại truyền cho Tần Vương Tử Anh. Đến năm 206 trước Công nguyên, Lưu Bang công phá Hàm Dương, Tử Anh đầu hàng, phải trao ấn ngọc, binh phù và các vật phẩm khác. Bằng cách này, Ngọc tỷ Truyền Quốc đã rơi vào tay Hán Cao Tổ Lưu Bang. Sau đó, nó vẫn luôn nằm an yên trong tay hoàng đế nhà Tây Hán, cho đến khi phát sinh sự kiện Vương Mãng soán ngôi nhà Hán.

Vào năm thứ Nhất trước Công nguyên, Hán Ai Đế qua đời mà không có người thừa kế ngai vàng. Vì vậy thái hoàng thái hậu Vương Chính Quân nắm giữ Ngọc tỷ Truyền Quốc. Cháu trai của thái hậu là Vương Mãng được phong làm Đại Tư Mã, phụ trách cả quân đội và Vệ binh Hoàng gia. Vào năm 9 sau Công nguyên, Vương Mãng tự xưng hoàng đế, phái An Dương Hầu Vương Thuấn đến xin ngọc tỷ từ thái hậu.

Thái hậu mắng chửi Vương Thuấn một trận, nói bọn người Vương Mãng nhờ ơn vương triều nhà Hán mới có được phú quý, mà bây giờ không biết cảm ơn, còn lợi dụng thời cơ Lưu gia không người nối dõi mà cướp đoạt chính quyền, không có đạo nghĩa, không bằng loài chó lợn. Thái hậu nói, nếu Vương Mãng tự xưng đắc thiên mệnh làm hoàng đế, muốn cải triều đổi đại thì hãy tự mình đi khắc một ngọc tỷ mới, tại sao cứ phải lấy cái ngọc tỷ vong quốc bất hạnh này?

Thái hậu khóc lóc thảm thiết, những người bên cạnh bà cũng rơi nước mắt. Vương Thuấn trong lòng cũng cảm thấy buồn bực, nhưng hắn biết Vương Mãng sẽ nhất định phải đoạt được Ngọc tỷ Truyền Quốc để chứng minh đó là thiên mệnh của mình. Vì thế hắn đứng đó hồi lâu rồi mới nói với thái hậu: “Bà đến chết cũng không định lấy nó ra hả?” Đây đơn giản là một lời đe dọa trắng trợn. Thái hậu đành phải lấy ấn ngọc ra, ném xuống đất, làm gãy một góc hình rồng trên ấn ngọc.

Sau khi giao Ngọc tỷ Truyền Quốc, thái hậu còn nói, Vương gia sẽ vì bọn người Vương Mãng mà bị tiêu diệt. Ai ngờ nhất ngôn thành sấm. Vương triều mới do Vương Mãng kiến lập đã bị lật đổ chỉ sau 14 năm, Vương Mãng cũng bị quân nổi dậy giết chết. Cho nên, nếu không phải là mệnh Thiên tử, thì dù đoạt được Ngọc tỷ Truyền Quốc, hậu quả cũng rất nghiêm trọng.

Sau đó, nhà Đông Hán kiến lập, Ngọc tỷ Truyền Quốc đã rơi vào tay Hán Quang Võ Đế Lưu Tú, mãi cho đến cuối thời Đông Hán, mười hoạn quan tác loạn, hoàng đế nhỏ Lưu Biện trong khi vội vàng bỏ chạy, đã không kịp mang theo Ngọc tỷ Truyền Quốc. Sau khi cuộc nổi loạn bình định xong trở về hoàng cung thì phát hiện, Ngọc tỷ Truyền Quốc đã biến mất!

Tuy nhiên, lần này, Ngọc tỷ Truyền Quốc không biến mất quá lâu. Theo ghi chép trong “Ngô Thư”, Tôn Kiên, cũng là cha của Tôn Quyền, hoàng đế nước Ngô thời Tam Quốc, dẫn quân đến Thành Nam, mọi người phát hiện khí ngũ sắc từ từ bốc lên, toàn quân cảm thấy rất kỳ dị, nên Tôn Kiên phái người xuống xem xét, kết quả phát hiện Ngọc tỷ Truyền Quốc. Tại sao lại khẳng định đây chính là Ngọc tỷ Truyền Quốc? Theo ghi chép trong sách, trên ấn ngọc này có khắc dòng chữ “Thụ mệnh ư Thiên, ký thọ vĩnh xương”, hình vuông bốn tấc, phía trên có năm con rồng thắt với nhau, quan trọng nhất là nó khuyết một góc. Xem ra, mặc dù Thái hậu Vương Chính Quân ném vỡ ấn ngọc thật đáng tiếc, nhưng nó cũng tạo căn cứ cho người đời sau nhận biết đâu là Ngọc tỷ Truyền Quốc thật và giả.

Sau này, quân phiệt Viên Thuật vào cuối thời Đông Hán muốn xưng đế, biết được Tôn Kiên trong tay có Ngọc tỷ Truyền Quốc, nên đã bắt phu nhân của Tôn Kiên làm con tin, lấy được Ngọc tỷ Truyền Quốc từ tay Tôn Kiên.

Tuy nhiên, Ngọc tỷ Truyền Quốc này dường như có một thần lực nào đó, những người đức không xứng đáng, dùng thủ đoạn bất chính để đoạt được Ngọc tỷ, cuối cùng đều sẽ không có kết cục tốt đẹp. Chính quyền do Viên Thuật kiến lập không được ủng hộ, trái lại bị thế lực các phương bao vây. Viên Thuật liên tục thất bại, sau khi kiến chính được hai năm rưỡi thì nôn ra máu, chết trong bi phẫn. Than ôi, vẫn là một câu như vậy, không phải là chân mệnh hoàng đế, thì thật sự đừng lấy Ngọc tỷ Truyền Quốc, nhưng có bao nhiêu người có thể chống cự được cám dỗ?

Sau khi Viên Thuật qua đời, Ngọc tỷ Truyền Quốc được dành tặng cho Tào Tháo, người nắm giữ thực quyền của nhà Đông Hán. Vào năm 220 sau Công Nguyên, khi Hán Hiến Đế thoái vị và nhường ngôi cho con trai của Tào Tháo là Tào Phi, Ngọc tỷ Truyền Quốc đương nhiên được chuyển vào tay Tào Phi. Theo “Liêu sử” ghi chép, Tào Phi còn khắc dòng chữ “Đại Ngụy thụ Hán Truyền Quốc chi báu” trên ấn ngọc. Tuy nhiên, vì “Liêu sử” cách xa thời Tào Phi thời Tam Quốc hơn một nghìn năm, nên các nhà sử học cảm thấy lời nói này không nhất định đáng tin cậy.

Ngoài Tào Phi khắc chữ trên Ngọc tỷ Truyền Quốc, còn có một người khác được cho là cũng khắc chữ trên ấn ngọc, đó là ai? Là Thạch Lặc, hoàng đế khai quốc của Hậu Triệu trong thời đại Ngũ Hồ Thập Lục Quốc. Chữ ông ấy khắc lên là “Thiên mệnh Thạch thị”.

Hãy tiếp tục quay lại để tìm ra tung tích của Ngọc tỷ Truyền Quốc.

Ngọc tỷ Truyền Quốc bị làm giả?

Như chúng tôi đã đề cập trước đó, Hán Ngụy Thiền thoái vị đã chấm dứt nhà Hán, con trai của Tào Tháo có được thiên hạ. Nhưng thiên đạo là luân hồi, đến cuối thời nhà Ngụy, gia tộc Tư Mã khuynh đảo triều chính, cuối cùng nhà Ngụy phải nhường ngôi cho nhà Tấn, Tào Nguyên Đế Tào Hoán nhường ngôi cho Tư Mã Viêm, từ đó bắt đầu lịch sử của triều đại Tây Tấn, Ngọc tỷ Truyền Quốc đương nhiên cuối cùng cũng rơi vào tay gia tộc Tư Mã của triều đại Tây Tấn.

Sau đó, Ngũ Hồ tác loạn, Ngọc tỷ Truyền Quốc đã thuộc về Triệu Thạch Lặc, người mà chúng tôi đã đề cập trước đó. Mặc dù triều đại Đông Tấn tồn tại đồng thời tiếp tục huyết thống và đạo thống của gia tộc Tư Mã, nhưng vì không có Ngọc tỷ Truyền Quốc mà bị người Hồ chế giễu là “Thiên tử ấn trắng”. Xem ra, nếu không có trong tay Ngọc tỷ Truyền Quốc, thì cũng không được tự tin lắm.

Sau khi nhà Triệu diệt vong, ấn ngọc lại rơi vào tay Nhiễm Ngụy. Vị hoàng đế nhà Ngụy này là họ Nhiễm chứ không phải họ Tào, nên để dễ phân biệt, trong lịch sử ông được gọi là Nhiễm Ngụy.

Khi Nhiễm Ngụy sắp bị Tiền Yên tiêu diệt, đã cầu cứu Đông Tấn, để biểu thị thành ý, đã đem Ngọc tỷ Truyền Quốc trả lại. Nhà Đông Tấn rất vui mừng sau khi nhận được ngọc ấn, cho rằng đó là điềm đại cát tường. Sau đó, không còn ai dám nói nhà Đông Tấn là “Thiên tử ấn trắng” nữa.

Tuy nhiên, bí ẩn lớn nhất về Ngọc tỷ Truyền Quốc đã xuất hiện ở đây, ngọc ấn này có khả năng là giả! Tại sao bạn nói như vậy?

Sách sử ghi chép, dòng chữ khắc trên ngọc ấn này là “Thụ Thiên chi mệnh, Hoàng đế thọ xương”. Cái gì? Chẳng phải người ta nói rằng hoàng đế Tần Thủy Hoàng khắc chữ là “Thụ Thiên ư mệnh, ký thọ vĩnh xương” sao? Tại sao các chữ lại khác nhau? Lẽ nào Nhiễm Ngụy không trả lại Ngọc tỷ Truyền Quốc thật sự? Theo lịch sử ghi chép, Đông Tấn cuối cùng đã không đi giải cứu Nhiễm Ngụy, không biết đây có phải là nguyên nhân hay không.

Dù thế nào đi nữa, các nhà sử học đều tin rằng Ngọc ấn Truyền Quốc thực sự do Tần Thủy Hoàng chế tạo ra đã biến mất trong dòng sông lịch sử chính vào thời điểm này.

Đường Thái Tông khắc ấn ngọc

Trong thời kỳ đại Đường thịnh thế, Đường Thái Tông từng hạ lệnh khắc một con dấu bằng ngọc trắng, dòng chữ trên đó khác với những ấn ngọc trước đó, đó là tám chữ “Hoàng Thiên cảnh mệnh, hữu đức giả xương”, ấn ngọc này được gọi là “Thụ mệnh tỷ”, trở thành báu vật truyền quốc của triều đại nhà Đường.

Sau khi nhà Đường tiêu diệt nhà Tùy, hoàng hậu Tiêu của nhà Tùy đã trao Ngọc ấn Truyền Quốc trong tay mình cho Đường Thái Tông, khả năng đó là ấn ngọc có khắc dòng chữ “Thụ Thiên chi mệnh, hoàng đế thọ xương”.

Vậy tại sao Đường Thái Tông lại tự mình khắc ấn ngọc? Theo phân tích của các nhà sử học, rất có khả năng Đường Thái Tông đã nhận ra, ấn ngọc của Tiêu hoàng hậu không phải là đồ thật do Tần Thủy Hoàng để lại. Thay vì sử dụng đồ giả do ai đó khắc, vì để trở thành một hoàng đế lưu danh thiên cổ, Đường Thái Tông đã tự mình khắc một Ngọc tỷ Truyền Thế.

Vào thời nhà Tống, có nhiều thông tin cho rằng Ngọc tỷ Truyền Quốc của Tần Thủy Hoàng đã được tìm thấy, nhưng hậu thế phổ biến cho rằng chúng đều là đồ giả. Sau thời nhà Tống, các hoàng đế nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh không còn tích cực đi tìm kiếm Ngọc tỷ Truyền Quốc nữa. Hoàng đế Càn Long của nhà Thanh thậm chí còn nói: “Quan nhân giả, tại đức bất tại báu, báu tuy trọng, nhất khi nhĩ”, ý là làm bậc quân vương, điều cốt yếu nằm tại hành đức, không tại báu vật, báu vật tuy quan trọng, nhưng chỉ là đồ trang sức. Cũng chính là nói, đế vương mà không có đức, thì dù trong tay cầm Ngọc tỷ Truyền Quốc, thì cũng không thể quy đó là thiên mệnh, không cần quá chấp vào nó.

Sau khi Phổ Nghi, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh thoái vị, khi được hỏi về Ngọc tỷ Truyền Quốc, ông đã nói sự thật: “Ngọc tỷ Truyền Quốc của Tần Thủy Hoàng đã biến mất từ ​​lâu. Không những ta chưa từng nhìn thấy, mà ngay cả Khang Hy và Càn Long cũng đều chưa từng nhìn thấy nó!”

Cho nên, nói Ngọc tỷ Truyền Quốc này rốt cuộc đã đi đâu, đây là một bí ẩn vĩnh cửu không ai có thể giải đáp được. Vào ngày mà nền văn hóa chính thống của người Hoa Hạ được phục hưng toàn diện, không rõ liệu Ngọc tỷ Truyền Quốc có lại lần nữa xuất hiện để mọi người chiêm ngưỡng hay không.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version