Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn nguồn gốc nỗi ám ảnh ‘thứ 6 ngày 13’

Theo quan niệm của nhiều người phương Tây, thứ 6 ngày 13 là ngày xui xẻo, nên ít ra ngoài, hạn chế mua sắm, kinh doanh.

Tại Mỹ, ước tính khoảng 17 – 21 triệu người sợ thứ 6 ngày 13, theo một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát Căng thẳng và Hội chứng North Carolina, theo International Business Times thực hiện năm 2015.

Thậm chí đây còn được coi là một hội chứng phổ biến với tên khoa học friggatriskaidekaphobia. Tên gọi này đến từ Frigga, nữ thần trong thần thoại Bắc u, và triskaidekaphobia, có nghĩa là sợ số 13. Tính theo Dương lịch, thứ 6 ngày 13 luôn xuất hiện ít nhất một lần trong năm và có thể lặp lại tới ba lần trong mỗi năm bất kỳ.

Khoảng 17 – 21 triệu người Mỹ sợ thứ 6 ngày 13 (Ảnh: Daily express)

Hiện nay chưa có một nghiên cứu nào đủ tính thuyết phục về nguồn gốc của nỗi sợ hãi quanh thứ 6 ngày 13.

Một số người tin rằng nỗi sợ hãi thứ Sáu ngày 13 bắt nguồn từ Kitô giáo. Chúa Jesus bị đóng đinh vào thứ 6 ngày 13 và kể từ đó người ta cho rằng ngày này là một điềm xấu.

Trong bộ luật Hammurabi của người Babylon cổ đại ra đời năm 1772 TCN, số 13 bị bỏ khỏi danh sách luật. Người phương Tây cũng quan niệm nếu 13 người ăn tối cùng nhau, một người sẽ qua đời trong năm đó.

Quan niệm này đến từ sự kiện Bữa tối cuối cùng của Chúa, khi Chúa Jesus ăn tối cùng 12 tông đồ trước khi chết và một câu chuyện thần thoại Bắc Âu, trong đó bữa tối của thần Odin và 11 người bạn thân bị phá hỏng bởi nhân vật thứ 13 là Loki, vị thần đại diện cho tội ác và sự hỗn loạn.

Chú Giesu và 12 tông đồ trong bức họa “Bữa tối cuối cùng” của Leonado da Vinci (Ảnh: tellwut)

Một vài câu chuyện thời hiện đại (bao gồm cuốn tiểu thuyết Mật mã Da Vinci (The Da Vinci Code) thì cho rằng lời nguyền bắt đầu khi vua Philippe IV của Pháp bắt giữ những hiệp sĩ của dòng Đền vào ngày 13 tháng 10 năm 1307.

Mặc dù nguồn gốc của nó là không rõ ràng, trên thực tế, với tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” số 13 được coi là con số bị nguyền rủa trên khắp thế giới suốt hàng nghìn năm qua và luôn bị người ta dè chừng. Nhiều thành phố không đánh số đường 13 hoặc đại lộ 13. Nhiều tòa nhà chọc trời không có tầng 13, các bệnh viện tránh đề tên phòng bằng số 13 và những sân bay không có cửa 13.

Tại phố Wall, trung tâm tài chính của Mỹ, người ta có một nỗi sợ đối với thứ 6 ngày 13 trong nhiều thập kỷ. Vào ngày 13/10/1989, nơi đây chứng kiến sự tụt giảm lớn thứ hai trong lịch sử của chỉ số công nghiệp Dow Jones.

Tuy nhiên, nhiều người không sợ thứ 6 ngày 13 và thậm chí còn coi số 13 là con số may mắn. Vấn đề này cũng gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học khi các kết quả thống kê của các nhóm độc lập cho kết quả trái ngược.

Ca sĩ Taylor Swift coi số 13 là con số may mắn của mình (Ảnh: 2Sao)

Theo nghiên cứu của Trung tâm Số liệu Bảo hiểm Hà Lan (CVS) năm 2008, có ít tai nạn, vụ trộm hoặc hỏa hoạn vào thứ 6 ngày 13 hơn những ngày thứ 6 khác.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu năm 1993 trên Tạp chí Y khoa Anh, số lượng tai nạn giao thông vào thứ 6 ngày 13 ở Anh lớn hơn đáng kể so với ngày thường và nguy cơ nhập viện vì tai nạn trên đường có thể tăng tới 52%. Nghiên cứu khuyến cáo người dân Anh nên ở nhà trong ngày này.

Ngành du lịch và tiêu dùng cũng đồng quan điểm này khi một báo cáo thực hiện bởi Trung tâm Kiểm soát Căng thẳng và Hội chứng North Carolina cho thấy nền kinh tế Mỹ bị thiệt hại 800 – 900 triệu USD mỗi năm do khách hàng ở nhà hoặc không đi du lịch vào thứ 6 ngày 13.

Hoài Anh

Exit mobile version