Nằm trên một cụm đảo nhỏ, xa xôi bên bờ biển Trắng ở Nga là một nơi tập trung dày đặc các mê cung cổ đại trên Trái Đất. Bất chấp vô số các giả thuyết từng được đưa ra, cho tới nay các nhà khảo cổ học và sử học vẫn chưa đi đến bất kỳ sự thống nhất nào về nguyên nhân và mục đích chúng được tạo dựng.
Mê cung vẫn là một trong những biểu tượng bí ẩn nhất trên Trái Đất – hàng nghìn năm về trước, mê cung đã xuất hiện tại cùng một đoạn thời gian này trong lịch sử trên tất cả các châu lục có người ở trên thế giới – nhưng tại sao?
Lịch sử lâu dài của mê cung
Thuật ngữ ‘labyrinth (mê cung)’ bắt nguồn từ từ ‘labrys’ trong tiếng Hy Lạp cổ đại, ý chỉ ‘cây rìu hai lưỡi’ mang tính biểu tượng vốn đã được người Minos trên đảo Crete sử dụng, và ‘inthos’ có nghĩa là ‘vị trí’. Do đó, labryinthos có thể được hiểu là ‘nhà của cây rìu hai lưỡi’.
Quần thể cung điện Knossos trên đảo Crete là đối tượng thường được ám chỉ của từ này. Theo thần thoại Hy Lạp, vua Minos của đảo Crete đã ra lệnh cho người thợ thủ công Daedalus xây dựng khu mê cung này để nhốt giam Minotaur, một con quái vật nửa người nửa bò, nòi giống của một con bò trắng và vợ của ông, Pasiphae.
Vì một số lý do chưa rõ, Daedalus và con trai ông Icarus đã bị tống vào mê cung. Nhờ chế tạo các đôi cánh lông được kết dính bởi sáp, hai người đã có thể trốn thoát bằng cách bay lên bên trên các bức tường mê cung. Tuy nhiên, chàng trai trẻ Icarus đã liều lĩnh bay quá gần Mặt Trời. Hậu quả là, đôi cánh sáp của cậu bị tan chảy và cậu đã bị rơi xuống vùng biển Icarian và chết đuối ở đó. Tuy rằng truyền thuyết về Minotaur từ lâu vẫn luôn được cho là một truyền thuyết, nhưng các tàn tích của mê cung Knossos đã được hé lộ vào đầu thế kỷ 20 bởi nhà khảo cổ học, Ngài Arthur Evans.
Tuy rằng có rất nhiều thiết kế mê cung đã được phát hiện trong lịch sử, ví như các mê cung 7 vòng, 11 vòng, và 12 vòng, ở Hy Lạp và dọc theo khu vực Địa Trung Hải, nhưng trong số đó mê cung 7 vòng là một biểu tượng phổ biến có liên hệ với các truyền thuyết. Được biết đến ngày nay là mê cung đảo Crete, mê cung này bao gồm một con đường đơn nhất cuộn xoắn qua lại rồi hướng vào một điểm trung tâm trong một chuỗi gồm bảy vòng tròn đồng tâm.
Điều thú vị là, hình dạng của mê cung 7 vòng cũng tương ứng với sự chuyển động của Sao Thủy trên bầu trời trong một khoảng thời gian dài. Phải chăng một nhà thiên văn cổ đại nào đó đã ghi nhận được sự chuyển động này, và kiến tạo một biểu tượng mê cung dựa trên đó? Chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết được.
Việc sử dụng biểu tượng mê cung 7 vòng sớm nhất đã được ghi nhận trên một phiến đất sét từ cung điện Mycenae tại thị trấn Pylos, Hy Lạp. Một vụ hỏa hoạn đã phá hủy cung điện này trong khoảng năm 1200 TCN, nung nóng các phiến đất sét và bảo tồn chúng cho các nhà khảo cổ.
Tuy rằng thuật ngữ ‘labyrinth’ có mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử và thần thoại Hy Lạp, nhưng các mê cung đã có từ rất lâu trước đây so với truyền thuyết về Knossos và quái thú Minotaur. Có niên đại gần 4.000 năm về trước là mê cung cổ đại nổi tiếng, khu vực đền thờ Ai Cập trong một quần thể kim tự tháp bao gồm rất nhiều cung điện, được xây dựng tại Hawara bởi Pha-ra-ông Amenemhet III của vương triều Ai Cập thứ 12 (1844-1797 TCN). Có 12 cung điện biệt lập với kích thước đáng kể, tất cả đều đối diện với nhau thông qua mê cung này và tất cả đều được kết nối bởi các hành lang và dãy cột trụ cùng các ống thông khí. Các lối đi bắt chéo và các cánh cửa giả được bịt kín bởi các tảng đá nút (đá phun trào bít kín miệng núi lửa), tất cả đều để bảo vệ căn hầm chứa hài cốt vị pha-ra-ông nằm ở phía trung tâm kim tự tháp.
Nhưng các mê cung ở Hy Lạp và Ai Cập chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các mê cung đã được tìm thấy tại tất cả các truyền thống tín ngưỡng chủ chốt trên thế giới, hình thành nên một bộ phận không thể thiếu của nhiều nền văn hóa, và đã được phát hiện trên tất cả các châu lục có người ở.
Trong cùng khoảng thời gian xuất hiện mê cung ở Hy Lạp, một mô hình về cơ bản tương đồng đã xuất hiện trong nền văn hóa bản địa Châu Mỹ, mê cung Tohono O’odham, với đặc điểm nổi bật là I’itoi, hay “Người đàn ông trong mê cung”. Một bức họa khắc đá thời tiền sử trên một bờ sông ở Goa đã cho thấy mô thức tương đồng, và các ví dụ khác đã được tìm thấy trong các tác phẩm nghệ thuật hang động ở phía bắc Ấn Độ và trong một ngôi mộ đá trên dãy núi Nilgiri.
Nếu xét đến các di tích khảo cổ cổ đại, hơn 300 ví dụ về các mê cung có thể được tìm thấy tại nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới. Hiện vẫn có nhiều câu hỏi xoay quanh việc tại sao một mô thức kiến trúc tương đồng (mê cung) lại có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nền văn hóa rõ ràng khác hẳn nhau như vậy.
Tuy nền lịch sử được ghi nhận đã liên kết sự xuất hiện của các mê cung với một niên đại bắt đầu vào khoảng 4.000 năm về trước, nhưng các mê cung sớm nhất lại cổ xưa hơn như thế rất nhiều và đã xuất hiện trong các bức hình điêu khắc đá và các công trình đá từ thời kỳ đồ đá mới tập trung quanh khu vực Châu Âu, Scandinavia (Bắc Âu), và Nga.
Các mê cung trên đảo Bolshoi Zayatsky
Quần đảo Solovetsky (hay Solovki), là một quần đảo nằm trong vịnh Onega của Biển Trắng ở Nga. Ở đây chúng ta có thể tìm thấy 35 mê cung từ thời kỳ đồ đá mới, được gọi là ‘vavilons’ (‘Babylons’) trong thổ ngữ địa phương, vốn có niên đại khoảng từ 3.000 TCN. Trong số đó, ấn tượng nhất là các mê cung đá trên Đảo Bolshoi Zayatsky, một tập hợp gồm 14 mê cung trong một vùng diện tích rộng 0,4 km2. Chúng đặc biệt được bảo tồn khá nguyên vẹn và đã được ghi nhận và phỏng đoán [về mục đích và công năng sử dụng], tuy nhiên hiện nay chưa có bất kỳ kết luận chắc chắn nào được đưa ra.
Ngoài các mê cung, có đến 850 đống đá được phát hiện trên đảo, rất nhiều trong số chúng có chứa các mảnh xương. Các tạo hình bằng đá khác đã được phát hiện trên đảo, bao gồm một hình minh họa Mặt Trời, với đầy đủ các rìa sáng. Một quan điểm thường được chấp nhận là: những mê cung cổ đại và các tạo hình bằng đá này có liên hệ với các tín ngưỡng tâm linh, và có thể tượng trưng cho một loại đường ranh giới nào đó giữa thế giới vật chất và thế giới bên kia – nơi trú ngụ của người chết.
Các mê cung được cấu thành từ các tảng đá đặt trên mặt đất, và người ta đã xác định được rằng các tảng đá này đã được thu thập ở địa phương. Mê cung nhỏ nhất có đường kính khoảng 6 m, trong khi cái lớn nhất có đường kính lên đến 25,4 m. Các hàng đá hình thành nên các đường xoáy ốc, với một số chỗ chứa hai đường xoáy ốc, được miêu tả là trông giống với hai con rắn với cái đầu ở vị trí trung tâm.
Lối vào các mê cung nằm chủ yếu ở phía nam, và tuy rằng có đến 5 cách bố cục khác nhau của mê cung, nhưng mỗi cách bố cục trong số chúng đều chỉ có một lối vào/lối ra duy nhất. Tất cả các mê cung trên đảo Bolshoi Zayatsky đều được phát hiện tại mặt phía Tây của đảo, trong khi mặt phía đông của đảo có một bộ sưu tập đáng kể các tạo hình bằng đá, nhưng không có mê cung. Tuy rằng các mê cung bị phủ kín bởi cỏ dại, nhưng hình dạng của chúng vẫn có thể được trông thấy rõ.
Mục đích xây dựng các mê cung trên đảo Bolshoi Zayatsky là gì?
Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích nguyên nhân những người định cư trên quần đảo Solovetsky từ thời kỳ đồ đá mới đã dành một nỗ lực đáng kể để kiến lập rất nhiều những mê cung bằng đá như vậy.
Vào những năm 1970, một lý thuyết chiếm ưu thế, được đưa ra bởi N. Gurina, là các mê cung này đã được kiến lập để làm bẫy bắt cá. Bằng chứng đến từ thực tế rằng tất cả các mê cung trong khu vực đều được xây dựng gần biển và các mực nước biển là cao hơn rất nhiều vào 5.000 năm trước, thời kỳ người ta cho rằng nó được xây dựng. Các con cá sẽ bơi vào trong thông qua lối vào và bị mắc kẹt trong mê cung, khiến công việc thu hồi mẻ lưới trở nên dễ dàng hơn cho các ngư dân. Tuy nhiên, thiếu sót chủ yếu trong lập luận này là có rất nhiều mê cung đã được phát hiện sâu trong đất liền trên khắp thế giới.
Nhà nghiên cứu L. Ershov đã đưa ra một giả thuyết khác. Ông Ershov tin rằng bên trong các đường nét của các mê cung là một sự phản chiếu dưới dạng biểu đồ quỹ đạo dịch chuyển của cả Mặt Trăng lẫn Mặt Trời, do đó các mê cung đã được sử dụng như những bộ lịch. Tuy nhiên, giả thuyết này cũng đang vấp phải sự tranh luận vì các cấu trúc mê cung không có một chiều đi vào nhất quán.
Một giả thuyết phổ biến ngày nay, đặc biệt trong giới bí truyền, là rằng mê cung là một biểu tượng cổ đại tượng trưng cho sự đầy đủ hay trọn vẹn. Nó kết hợp hình ảnh của một vòng tròn và một vòng xoắn thành một con đường quanh co khúc khuỷu nhưng có mục đích. Nó thể hiện một cuộc hành trình vào trong tâm thức chúng ta và ngược trở lại ra ngoài thế giới vật chất. Đi dạo trong mê cung có thể được nhìn nhận như một sự khởi đầu trong đó một người làm thức tỉnh kiến thức. Người ta tin rằng việc dạo bước trong mê cung sẽ mang đến một sự thay đổi đối với trạng thái ý thức và nhận thức về không gian – thời gian của một người. Thật vậy, Vlad Abramov, một nhà nghiên cứu từng khám phá các mê cung trên đảo Bolshoi Zayatsky, đã miêu tả các trải nghiệm kỳ lạ khi đi qua những con đường quanh co uốn khúc trong mê cung này.
Sau khi tiến vào một mê cung và đi vòng quanh một vài lần xung quanh trung tâm bạn sẽ rời mê cung thông qua đúng lối vào. Chỉ sau vài lần rẽ ngoắt bạn sẽ trở nên bối rối vì không biết đã đi được bao xa và còn phải đi thêm bao nhiêu. Theo cảm nhận chủ quan, thời gian dường như ngừng lại, nhưng theo tính toán trên đồng hồ mê cung lớn đã được chinh phục trong vòng 15 phút. Thật khó để nghĩ về điều gì khác; đường đi rất hẹp và bạn được yêu cầu phải cố định hướng nhìn vào phía dưới chân. Con đường uốn khúc thuận và ngược chiều kim đồng hồ. Cuối cùng – lối ra; và bạn hạnh phúc vì hành trình đã kết thúc.
Ngoài các giả thuyết được đề cập bên trên, và rất nhiều giả thuyết khác, giả thuyết được chấp nhận rộng rãi ngày nay là của Carl Schuster and Edmund Carpenter. Theo giả thuyết này, việc xây dựng các mê cung là có liên hệ với các tín ngưỡng tôn giáo. Người ta cho rằng các mê cung thời tiền sử đóng vai trò như các bẫy nhốt các sinh linh tà ác, như các con đường được dành riêng cho các điệu múa nghi thức, và/hoặc một biểu tượng cho ranh giới giữa thế giới này và thế giới bên kia. Người ta phỏng đoán rằng các mê cung có thể đã được bao hàm trong các nghi lễ để hỗ trợ các linh hồn của những người đã khuất tiến nhập sang thế giới bên kia. Nhà khảo cổ học A.L. Nikitin gợi ý rằng các mê cung, như được nói đến trong các truyền thuyết, chỉ đường đến các ‘lối vào’ và ‘lối ra’ của một vương quốc ngầm dưới mặt đất vốn chỉ có thể được mở ra bởi những ai biết chiếc ‘chìa khóa thần kỳ’ cho cánh cửa hậu này.
Gợi ý này tương thích với niềm tin phổ biến trong các nền văn hóa tiền sử về ‘Ba thế giới (Tam giới)’, trong đó con người cổ đại nghĩ rằng Vũ trụ được chia thành một Thế giới Thấp hơn, nơi các linh hồn của người chết sẽ đến sau khi chết, Thế giới Ở giữa, bao gồm chiều không gian tồn tại vật chất như chúng ta thấy, và Thế giới Bên trên bao gồm các vì sao, thiên thể, và chư Thần.
Cho đến ngày nay, quần đảo xa xôi phía bắc nước Nga vẫn tiếp tục thu hút nhiều khách lữ hành và giới học giả, với mong muốn giải được bí ẩn và ý nghĩa thực sự của biểu tượng mê cung.
Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: