Đại Kỷ Nguyên

Bí mật dự án căn cứ quân sự trên Mặt Trăng (P.2): Phòng thủ với súng bazoka bắn xa 16km, sức nổ 30 tấn TNT

Theo bản báo cáo kế hoạch, khi căn cứ quân sự trên Mặt Trăng hoàn thành, các tên lửa của Mỹ đã được lắp đặt, nhắm về phía Liên Xô, thì người Xô Viết chắc chắn sẽ có hành động tấn công phá hủy căn cứ bằng nhiều cách. Các nhà hoạch định của Dự án Đường chân trời cũng đã dự tính cho việc này. Với môi trường trọng lực thấp và không có bầu khí quyển như trên Mặt Trăng, họ lập phương án phòng thủ như thế nào?

Trong phần 1, bản kế hoạch chi tiết về việc xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng đã được trình bày, theo đó, toàn bộ doanh trại, phòng thí nghiệm, căn cứ chính sẽ được đặt dưới hai đường hào vuông góc với nhau, rồi phủ lấp toàn bộ bằng lớp đất đá trên bề mặt của Mặt Trăng.

Căn cứ quân sự hình chữ “L”, dọc theo hai đường hào sâu xuống bên dưới. (Ảnh: DKN.tv)

Kế hoạch đóng quân vĩnh viễn bằng cách luân phiên các đợt binh lính, mỗi đợt 12 người, phục vụ trong một năm cũng đã được tính đến. Tuy nhiên, các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ cũng biết rằng, người Xô Viết chắc chắn sẽ không để yên cho căn cứ, vì vậy, sau khi hoàn thành việc xây dựng, thì ưu tiên hàng đầu chính là phòng thủ, đã có nhiều phương án được đưa ra.

Phòng thủ bằng súng ngắn bắn đạn chùm

Một loại vũ khí như súng lục (súng ngắn), loại được thiết kế để hoạt động tốt trong môi trường chân không (bởi trên Mặt Trăng không có khí quyển), sẽ cần được phát triển cho trường hợp cận chiến với các phi hành gia Liên Xô.

Ở cự ly gần, việc ngắm bắn không khó: Các phi hành gia chỉ đơn giản là ngắm và bắn vào mục tiêu ngay phía trước họ. Nhưng ở khoảng cách xa hơn, thì mũ bảo hiểm cồng kềnh, cùng với bộ quần áo không gian, và có lẽ bàn tay chỉ lộ ra các móng để điều khiển máy móc, sẽ làm cho việc sử dụng vũ khí khó khăn hơn.

Vì lý do này, các nhà hoạch định đã quyết định rằng, các loại vũ khí được sử dụng trên Mặt Trăng sẽ bắn ra nhiều mảnh như trái phá, hoặc súng bắn ra các đầu đạn phủ chùm một khu vực rộng, như vậy sẽ hiệu quả hơn so với loại súng chỉ bắn phát một.

Trong bản báo cáo về giai đoạn 3 của Dự án Đường chân trời, có đề xuất một loại súng ngắn cầm tay trông giống như một cái đĩa truyền hình vệ tinh, gắn lên đầu một tay cầm giống như cây chổi sơn. Bản báo cáo cũng có minh họa một loại vũ khí nạp đạn chì, có thể được bố trí trên mặt đất, nhắm vào hướng của quân địch, và bắn bằng một công tắc điện.

Mô tả loại súng ngắn cầm tay trông giống như một cái đĩa truyền hình vệ tinh, gắn lên đầu một tay cầm. (Ảnh: indiamart)

Trong môi trường trọng lực thấp và thiếu không khí như trên Mặt Trăng, thì các loại vũ khí cũng hoạt động rất khác biệt: Trên Trái Đất, các vũ khí loại này có khoảng sát thương chỉ là 61m, nhưng trên Mặt Trăng, các đầu đạn sẽ bay xa hơn nhiều, có thể tấn công kẻ địch ở khoảng cách 1,6km và với lực mạnh hơn nhiều, bởi trên Mặt Trăng, đầu đạn không chịu lực cản của không khí.

Để đối phó với công nghệ chế tạo trang phục không gian có khả năng chống thủng và chịu lực, các tác giả của Dự án Đường chân trời cho biết: “Tất nhiên, với số lượng các đầu đạn bắn ra nhiều hơn, thì khả năng sát thương sẽ cao hơn.”

Các loại vũ khí này có thể được sử dụng trực tiếp bởi các phi hành gia, hoặc được bố trí xung quanh phạm vi của căn cứ, và được kích hoạt bởi hệ thống dây bẫy và các cảm ứng khác, để phòng thủ trong trường hợp các phi hành gia Liên Xô cố gắng đột nhập căn cứ.

Vũ khí hạt nhân

Với các mục tiêu từ 4km đến khoảng 16km, thì loại vũ khí như khẩu ba-zo-ka, bắn ra các đầu đạn hạt nhân nhỏ đã được tính đến. Quân đội Mỹ đã có loại vũ khí như vậy trên Trái Đất. Nó được gọi là Davy Crockett, các đầu đạn của nó có lực công phá tương đương với 10 đến 30 tấn TNT. Trên Trái Đất, loại súng này nặng khoảng 91kg và phải được gắn lên một giá ba chân, hoặc đặt sau một chiếc xe jeep.

Loại vũ khí vác vai giống như khẩu ba-zo-ka. (Ảnh: National interest)

Trên Mặt Trăng, nó sẽ chỉ nặng khoảng 15kg, khi đó các phi hành gia có thể vác trên vai và bắn như một khẩu ba-zo-ka thông thường.

Với môi trường không có không khí trên Mặt Trăng, sức tàn phá từ một vụ nổ bom nguyên tử sẽ không được khuếch đại bởi sóng xung kích hay bức xạ nhiệt như trên Trái Đất. Nhưng các đầu đạn vẫn có sức công phá khá mạnh ở cự ly gần, đồng thời phóng thích một lượng bức xạ đủ để giết chết tất cả trong phạm vi bán kính khoảng 233m tính từ tâm nổ.

Để bảo vệ các nhân viên đang làm nhiệm vụ tại căn cứ từ quả bom nguyên tử được phóng bởi các phi hành gia Liên Xô, những nơi tránh bom sẽ được đào xung quanh căn cứ của Hoa Kỳ.

Phương án “tia chết”

Các tác giả của Dự án Đường chân trời cũng đề xuất phát triển một loại “tia chết” gồm một chùm bức xạ nơ-tron hoặc gam-ma được phóng ra từ một thiết bị gọi là máy gia tốc electron.

Phương án “tia chết” bắn ra các chùm bức xạ nơ-tron hoặc gam-ma. (Ảnh: Memory Alpha)

Một loại vũ khí khác, có thể sử dụng gương và/hoặc thấu kính để tập trung các tia sáng Mặt Trời lại, tấn công các phi hành gia Liên Xô, giống như cách mà những đứa trẻ trên Trái Đất dùng kính lúp để đốt những con kiến.

Tuy nhiên các nhà hoạch định quân sự nghiêng về phương án máy gia tốc electron hơn. Các tác giả của dự án cho biết:

“Tốt hơn nên tìm hiểu kỹ về ‘tia chết’ vì loại vũ khí này không chỉ hiệu quả trong việc chống lại con người và phương tiện trên mặt đất, mà còn hiệu quả với cả các phi thuyền không gian, khi đó quân địch sẽ không cách nào chống đỡ.”

(Còn tiếp…)

Đường Chính

Exit mobile version