Chắc hẳn một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc rằng tại sao tháp nghiêng Pisa được xây dựng từ thời Trung Cổ vẫn đứng vững trong suốt 800 năm như vậy? 

Tháp nghiêng Pisa là một tòa tháp chuông tại thành phố Pisa, Italia được khởi công xây dựng từ năm 1173 và phải mất tới 200 năm mới hoàn thành. 

Ngay trong khi đang xây, tòa tháp đã bắt đầu nghiêng vì lún. Để ổn định cấu trúc tháp không tiếp tục chao nghiêng, một số biện pháp địa kỹ thuật đã được xúc tiến, giữ cho tháp ở nguyên hiện trạng. Tháp Pisa riêng nó đã là tòa nhà mỹ thuật nhưng càng hấp dẫn thêm vì dáng nghiêng nghiêng, thu hút du khách hàng năm tới Pisa.

Tháp nghiêng Pisa ngày nay trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở Ý. (Ảnh: eurodicas.com.br)

Tháp nghiêng 5,5 độ và cao 58 m so với mặt đất nhưng nó vẫn sống sót và vượt qua ít nhất 4 trận động đất mạnh từ năm 1280. Với cấu trúc khá mỏng manh và đứng thẳng đã là điều không thể, rõ ràng nó phải đổ hoặc hư hại do động đất. Đây chính bí ẩn làm đau đầu giới khoa học trong suốt hàng thập kỷ qua. 

Và đến hôm nay, các nhà khoa học mới giải mã được bí ẩn đằng sau sự kỳ diệu này của tháp Pisa: “Đó là nhờ đất”. 

The tờ The Sun, sau quá trình nghiên cứu địa chất, địa chấn và thông tin cấu trúc; nhóm nghiên cứu tại Đại học Bristol, Anh và Đại học Roma, Italia đi đến kết luận rằng sự tồn tại của tháp nghiêng Pisa là do hiện tượng tương tác cấu trúc nền đất động (DSSI).

Cụ thể,  chiều cao đáng kể và độ cứng của tháp, kết hợp với độ mềm của đất nền khiến cho tính dao động trong cấu trúc tháp bị thay đổi, nhờ vậy mà tháp Pisa không cộng hưởng với chuyển động của mặt đất khi có động đất.

Minh họa tháp thẳng đứng. (Ảnh: Dreamstime)

Giáo sư Mylonakis thuộc khoa Xây dựng cầu đường của Đại học Bristol (Anh) đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết:

“Chính nền đất khiến tháp bị nghiêng và đứng bên bờ sụp đổ thì lại có thể góp phần giúp nó đứng vững sau các trận động đất cùng những cơn địa chấn. Chuyện này thật hài hước!”

Đây chính là điểm đặc biệt giúp tháp nghiêng Pisa sống sót qua hàng trăm năm như vậy. Sự kết hợp độc đáo giữa các đặc tính trên khiến tháp nghiêng Pisa trở thành kỷ lục trong hiệu ứng DSSI.

Kết quả nghiên cứu này sẽ được trình bày tại các hội thảo quốc tế và sẽ chính thức được công bố tại Hội nghị châu Âu về Xây dựng tại những khu vực thường bị động đất lần thứ 16 trong thời gian tới ở Thessaloniki, Hy Lạp.

Sơn Tùng