Sáng nay (17/4), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long (Hà Nội) phối hợp với Viện Khảo cổ học công bố kết quả khai quật trong suốt năm 2017 tại khu vực chính điện Kính Thiên. Hàng loạt hiện vật khảo cố mang đặc trưng của thời Lê Sơ (thế kỷ 15-16) lần đầu tiên được ra mắt.
Trong năm 2017, hai đơn vị là Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long (Hà Nội) và Viện khảo cổ học, đã tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Đông nền điện Kính Thiên (giáp đường Nguyễn Tri Phương) với tổng diện tích gần 1.000m2.
Kết quả, các nhà khảo cổ học đã tiếp tục phát hiện các địa tầng văn hóa tương tự như những đợt khai quật trước, dấu tích từ thời Đại La – Lý – Trần – Lê – Nguyễn tới thời Pháp thuộc.
PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, cuộc khai quật đã làm xuất lộ tầng văn hóa dày gần 4,5m với các lớp văn hóa có niên đại khoảng từ thời Đại La, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng, Nguyễn đến thời hiện đại.
Cuộc khai quật đã làm xuất lộ 3 dấu tích kiến trúc thời Lý – Trần, một số dấu tích kiến trúc thời Lê sơ, Lê Trung hưng và thời Nguyễn. Các đặc điểm cơ bản của vật liệu, loại hình dấu tích còn lại được tìm thấy gồm: móng cột, móng tường, nền kiến trúc, bó nền…
Nhiều nhà khoa học cũng đề nghị cần nghiên cứu rõ hơn về hồ nước vừa tìm thấy trong lòng hố khai quật mới đây để thấy được sự kết nối của dấu tích này với thời Đại La, Lý, Trần… Đặc biệt, cần làm rõ yếu tố nhà Mạc qua các tầng văn hóa và các di vật tìm thấy trong quá trình khai quật.
Một vấn đề quan trọng hơn nữa, là việc nên lập kế hoạch khai quật mở rộng và thúc đẩy nhanh việc khai quật để trả lại không gian cho điện Kính Thiên.
Mai Huệ