Đại Kỷ Nguyên

‘Biển sâu dậy sóng’: Câu chuyện khủng khiếp có thật đằng sau con cá voi ‘Moby Dick’

(Ảnh: Warber Bros. Pictures)

Sau tác phẩm kinh điển “Moby Dick”, “Biển sâu dậy sóng” kể lại câu chuyện khủng khiếp của thuỷ thủ đoàn săn cá voi trong hành trình giành lấy sự sống.

Một người đàn ông băng qua vùng đầm lầy của một bến cảng nước Mỹ vào thế kỷ 19—Nantucket, trung tâm của ngành công nghiệp cá voi trên thế giới. Anh gõ cửa, bước vào trong, và cầu xin một người đàn ông trông có vẻ kiệt sức kể cho anh nghe câu chuyện của ông, đổi lại anh sẽ đưa cho ông khoản tiền tiết kiệm của mình. Anh đã nghe lời đồn, anh nói, những lời đồn về vụ đắm tàu Essex, một con tàu săn cá voi, vào năm 1820. Người đàn ông này—được Ben Whishaw thủ vai—chính là Herman Melville. Anh đang tìm kiếm câu chuyện có thật để truyền cảm hứng cho anh viết nên tác phẩm kinh điển “Moby Dick”.

Ngay từ khi được xuất bản vào năm 1851, cuốn tiểu thuyết “Moby Dick” đã khơi dậy trí tưởng tượng của độc giả với những bối cảnh mang tính tiên tri, lạc đề và nguy hiểm của nó. Đến nỗi, nó đã làm lu mờ câu chuyện thật sự đằng sau cuốn tiểu thuyết. Nhưng câu chuyện ngoài đời thực—câu chuyện về một con cá voi trả thù bằng cách đánh chìm tàu săn cá—hiện đang được chuyển thể lên màn ảnh bằng một phong cách rất “giang hồ” của đạo diễn Ron Howard. Bộ phim “Biển sâu dậy sóng (In the Heart of the Sea)”, vừa ra rạp tháng 12 năm ngoái, đã được dựa trên cuốn sách lịch sử hàng hải cùng tên của tác giả, nhà sử học Nathaniel Philbrick.


Nam diễn viên Ben Whishaw trong vai Herman Melville. (Ảnh: Warber Bros. Pictures)

Câu chuyện xảy ra như sau

Năm 1819, con tàu săn cá voi Essex khởi hành từ Nantucket. Sau một năm trên biển, khi đến một khu vực cách bờ biển Nam Mỹ 3.700 km về phía Tây, thủy thủ trên tàu đã nhìn thấy một tốp cá voi. Những tay săn cá voi đã lên những con thuyền nhỏ để thu hoạch món lợi ngay trước mắt.

Nhưng một con thuyền trong số đó—thuộc về thuyền phó Owen Chase—đã bị cái đuôi của một con cá voi đập vỡ thành từng mảnh. Khi thủy thủ đoàn dong buồm trở về Essex, thì ngay sau đó, theo lời kể của ông Chase, họ đã nhìn thấy “một con cá nhà táng dài khoảng 25 m lao thẳng vào họ như thể đang bừng cháy ý định trả thù”.

Con cá voi đã đâm vào tàu Essex. Khi nó đụng vào con tàu lần thứ hai, con tàu đã bị đắm. Hai mươi thành viên còn lại, cách đất liền hàng nghìn dặm, đã vớt lại những gì có thể từ con tàu và khởi hành trên ba con thuyền nhỏ.

Và kể từ đây một câu chuyện sinh tồn trên biển khơi đầy hấp dẫn bắt đầu. Những người đàn ông đã dành tổng cộng 3 tháng trên biển cả và đã phải ăn thịt đồng loại của mình để sống sót. Thuyền trưởng Pollard và Charles Ramsdell đã bị phát hiện khi đang gặm xương của những người thủy thủ đoàn trên một con thuyền. Owen Chase, Lawrence, và Nickerson vẫn còn sống sót để kể lại câu chuyện đầy kinh hãi này. Tổng cộng, bảy thủy thủ đã bị ăn thịt.

Cá voi Moby Doll

Trong vài năm trở lại đây, loài cá voi—và đặc biệt chú cá voi trắng Moby Dick trong truyền thuyết—đã là một đề tài xuất hiện lặp đi lặp lại trong các tác phẩm nghệ thuật của tác giả bài viết này.

Mối quan hệ giữa con người và các loài động vật biển có vú vẫn luôn là thứ gì đó nghịch lý. Chúng ta bị cuốn hút bởi tính bí ẩn và trí thông minh của chúng, kinh hoàng trước kích cỡ và vẻ duyên dáng của chúng, nhưng chúng ta lại săn bắn rất nhiều cá voi đến bờ vực tuyệt chủng, và ngày nay vẫn sử dụng cá heo và cá hổ kình phục vụ các mục đích quân sựgiải trí. Lý do hợp lý nhất khiến con cá voi lịch sử tấn công tàu Essex không phải là báo thù, mà là để tự vệ. Có lẽ nó đang bảo vệ lũ cá voi con vốn đang không ngừng bị sát hại để lùa những con cá voi mẹ có hàm lượng dầu cao vào chỗ chết.

Tư liệu gốc về cá voi của Owen Chase miêu tả nó là một con đực, và đây đã trở thành thông lệ cho hầu hết các tư liệu khác đề cập đến sự kiện này. Nhưng tất nhiên có ít nhất 50% khả năng con cá voi tấn công con tàu là một con cái. Cá nhà táng là loài cá theo chế độ mẫu hệ, chúng hình thành nên các cộng đồng xã hội gắn kết với nhau, trông chừng và cho lũ cá con của mỗi con cá khác ăn sữa, và hoạt động tập thể để bảo vệ lũ cá con. Khi bị đe dọa, một vài con cá voi cái sẽ hình thành “thế trận cây cúc tây” xung quanh một cá thể cá con cần sự bảo vệ để để đánh đuổi kẻ săn mồi. Trong khi đó, cá voi đực thường sinh sống độc lập và sẽ rời lũ cá con khi chúng trưởng thành, chúng chỉ trở lại để sinh sản.

Chú cá voi Moby Doll, vẽ năm 2012. Nhấp vào ảnh để phóng to. (Ảnh của tác giả)

Dầu cá voi

Chú cá voi trong cả bộ phim “Biển sâu lặng sóng” và cuốn tiều thuyết “Moby Dick” đều là một con quái vật có sức lôi cuốn; dường như đã gợi tưởng đến rất nhiều chủ đề đương đại, như chủ nghĩa tư bản, tôn giáo, chủ nghĩa thực dân, giá trị đạo đức, sinh thái học, nạn phân biệt chủng tộc. Con cá voi, giống như con chim hoàng yến trong hầm mỏ, là một thước đo sinh thái. Trong công cuộc theo đuổi và chi phối tự nhiên, chúng ta đang bộc lộ ra những khiếm khuyết và yếu điểm của chính mình.

Trong công cuộc khai thác dầu cá voi, những người đi biển bất hạnh này đã phạm phải điều cấm kỵ là ăn thịt đồng loại (đáng mỉa mai thay, khi lênh đênh trên biển họ từng biểu quyết không hướng về phía tây đến quần đảo Marquesas gần nhất, do tin đồn về những thổ dân ăn thịt người sinh sống ở đó). Và trong khi những người dân Quaker tốt bụng ở Nantucket đang đấu tranh loại bỏ nạn nô lệ, họ cũng đang tiếp tục theo đuổi mục tiêu cao cả của việc thuần hóa những kẻ man rợ họ đụng phải trên chuyến hành trình săn tìm cá voi.

Những con cá voi mà nhóm người từ Nantucket đang tàn nhẫn săn tìm này là một trong những món hàng hóa mang tính toàn cầu. Dầu của chúng đã thắp sáng và bôi trơn cho Cuộc cách mạng Công nghiệp, tạo ra những món lợi khổng lồ. Săn tìm loài động vật này để khai thác nhiên liệu có vẻ đã trở nên lỗi thời ngày nay, nhưng đây là phiên bản lịch sử của dầu thô hay khí đốt, là nguyên liệu căn bản của nền kinh tế thế giới. Cho đến phần cuối bộ phim chàng thủy thủ Thomas Nickerson đã thốt lên, “Tôi nghe nói người ta đã tìm được dầu bằng cách khoan xuống lòng đất. Ai có thể biết được chứ!”

Cuộc săn tìm loài cá voi có trí thông minh – sinh vật đã tung hoành khắp đại dương trong 60 triệu năm qua nhưng đã bị chúng ta tàn sát đến gần như tuyệt chủng, có thể nói lên nhiều điều về chính bản thân chúng ta. Chúng ta nên nhớ tới điều này khi cân nhắc đến xu hướng tiếp tục săn tìm nhiên liệu hóa thạch trong hiện tại.

Nguồn dầu cá voi từ thế kỷ 19 đã bôi trơn cho những chuyến hành trình của chúng ta xuyên qua một vùng không gian tưởng tượng, chưa được thăm dò trải khắp đất liền và biển cả, từ thềm đại dương cho đến ngoài không gian. Vậy nên khi bạn xem bộ phim “Biển sâu dậy sóng”, hãy xem xem nó phản ánh chính hành vi của con người chúng ta như thế nào trong quá trinh chi phối tự nhiên và các nguồn tài nguyên.

Tác giả: Angela Cockayne, Bath Spa University
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version