Biểu tượng của chim phượng hoàng, cũng giống như loài chim thần này, chết đi và tái sinh xuyên suốt qua các nền văn hóa và theo chiều dài lịch sử.

Truyền thuyết cổ đại có nói về một loài chim thần, sáng chói và lấp lánh, sống vài trăm năm trước khi chết bằng cách bùng cháy trong ngọn lửa. Sau đó nó sẽ tái sinh từ tro bụi để bắt đầu một cuộc sống mới. Biểu tượng này mạnh mẽ đến nỗi đã trở thành chủ đề và hình tượng vẫn được sử dụng thường xuyên trong nền văn hóa và văn học dân gian phổ biến ngày nay.

Chim phượng hoàng huyền thoại là một loài chim to lớn, khổng lồ rất giống với đại bàng hay chim công. Nó tỏa ánh sặc sỡ màu đỏ, tím, và vàng, và có liên hệ với mặt trời mọc và lửa. Đôi lúc loài chim này được bao bọc bởi một vầng hào quang, làm cho nó tỏa sáng trên bầu trời. Cặp mắt của nó màu xanh dương và sáng như ngọc bích. Nó tự dựng cho mình một giàn thiêu, và làm bùng cháy với chỉ một lần vỗ cánh. Sau khi chết, nó sẽ trỗi dậy một cách rực rỡ từ đống tro tàn và bay đi.


Phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn trong quyển Sách về các loài Sinh vật Huyền thoại của Friedrich Johann Justin Bertuch (1747-1822) (Ảnh: Ancient Orgins)

Phượng hoàng biểu tượng cho sự tái sinh, và tượng trưng cho rất nhiều hình tượng, như “mặt trời, thời gian, đế chế, sự luân hồi, sự phong thánh, sự phục sinh, cuộc sống trên thiên đường, chúa Giê-su, thánh Mary, sự trinh khiết, và một người vượt trội”.

Trong cuốn The Phoenix in Egyptian, Arab, & Greek Mythology (tạm dịch: Phượng hoàng trong các Truyền thuyết Ai cập, Ả rập, & Hy Lạp) Tina Gamet kể về một loài chim sống rất lâu như sau, “Khi nó cảm thấy cái kết của nó đang đến gần, nó sẽ xây dựng một tổ chim bằng loại gỗ thơm tốt nhất, châm lửa để ngọn lửa bùng lên bao phủ lấy bản thân trong đó.

Từ đống tro tàn, một con phượng hoàng mới sẽ trỗi dậy, trẻ trung và mạnh mẽ. Rồi nó sẽ ướp đống tro tàn của bậc tiền bối trong một quả trứng làm từ nhựa thơm, và bay đến thành phố mặt trời Heliopolis, tại nơi đây nó sẽ đặt quả trứng lên bệ thờ Thần Mặt trời”.

Có những phiên bản khác ít phổ biến hơn nói rằng chim phượng hoàng sẽ chết rồi chỉ đơn giản phân hủy trước khi tái sinh.

Người Hy Lạp đặt tên cho nó là Phoenix nhưng nó có liên hệ với loài chim thần Bennu của Ai Cập, loài chim sấm của thổ dân Mỹ, loài chim lửa của Nga, và loài chim phượng hoàng của Trung Quốc, cũng như loài chim Hō-ō của Nhật Bản.

Xem thêm: Chim sấm trong truyền thuyết là một sinh vật có thật?


Chim thần Bennu của Ai Cập. (Ảnh: touregypt.net)

111113kpchimsam5
Chim sấm của thổ dân Mỹ. (Ảnh: EpochTimes)


Chim lửa của Nga. (Ảnh: ehclients.com)

Chim phượng hoàng của Trung Quốc. (Ảnh: inkdancechinesepaintings.com)

Người ta tin rằng người Hy Lạp gọi dân cư vùng Canaan là Phoenikes hay người Phoenix, có thể bắt nguồn từ từ ‘Phoenix’ trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là màu đỏ hay màu tím. Thật vậy, biểu tượng phượng hoàng cũng gắn liền với người Phoenikes.


Phượng hoàng và những đóa hoa hồng. Tranh khảm lát đường (đá cẩm thạch và đá vôi), nửa cuối thế kỷ 3 TCN. Xuất xứ từ Daphne, một vùng ngoại ô Antioch-on-the-Orontes (hiện nay là Antakya ở Thổ Nhĩ Kỳ). (Ảnh: Wikimedia)

Có lẽ ví dụ sớm nhất về chim phượng hoàng là loài chim Bennu của Ai Cập, một loài chim diệc được nhắc đến trong truyền thuyết sáng tạo thế giới của họ. Chim Bennu sống trên đỉnh các khối đá ben-ben (đá hình chóp) và được thờ phụng bên cạnh thần Osiris và thần Ra. Bennu được coi là một hóa thân của Osiris, một biểu tượng sống của thần. Loài chim mặt trời này xuất hiện trên các bùa hộ mạng thời cổ đại như một biểu tượng của sự tái sinh và bất tử, và nó có liên hệ với giai đoạn lũ lụt ở sông Nin, mang đến sự giàu có và phì nhiêu cho đất trồng.

chim diecCò tuyết thuộc họ chim diệc. (Ảnh: Wikimedia)


Chim thần Bennu của Ai Cập. (Ảnh: touregypt.net)


Đá ben-ben. (Ảnh: licdn.com)

Theo nhà sử học Herodotus, các giáo sĩ trong thành phố cổ đại Heliopolis miêu tả loài chim này đã sống qua 500 năm trước khi tự xây một giàn thiêu cho mình và phóng hỏa. Đứa con của loài chim này sẽ bay lên từ đống tro, và mang những giáo sĩ đến bệ thờ ở Heliopolis. Trong văn hóa Hy Lạp người ta nói rằng, loài chim này không ăn trái cây, mà chỉ tiêu hóa hương trầm và nhựa cây thơm. Nó cũng thu thập quế và chất nhựa thơm để làm tổ để chuẩn bị cho cái chết bùng cháy của mình.

Ở Châu Á, phượng hoàng là vua của các loài chim, và là biểu tượng của Hoàng hậu Trung Quốc cũng như đức hạnh, vẻ duyên dáng và thanh nhã của phụ nữ. Nó cũng tượng trưng cho Mặt trời và phía Nam. Việc nhìn thấy phượng hoàng là một dấu hiệu tốt cho thấy một vị vua anh minh đang lên ngôi và một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Nó biểu tượng cho các đức tính tốt đẹp trong văn hóa Trung Hoa: lòng tốt bụng, trách nhiệm, sự đúng mực, lòng nhân hậu và độ tin cậy cao. Các cung điện và đền thờ được canh gác bởi những loài linh thú bằng gốm, tất cả đều dưới sự dẫn dắt của chim phượng hoàng.

Xem thêm: Xuất hiện Phượng Hoàng lửa tuyệt đẹp ở Bắc Kinh

Loài chim phượng hoàng thần thoại đã được đưa vào rất nhiều tôn giáo, biểu thị cho cuộc sống vĩnh cửu, sự hủy diệt, tái tạo và những khởi đầu mới.

Do có liên hệ với chủ đề cái chết và sự phục sinh, chim phượng hoàng đã được lấy làm biểu tượng cho Công giáo thời kỳ đầu, biểu thị cho cái chết của Chúa Giê-Su và sự phục sinh của Ông ba ngày sau đó. Phượng hoàng đã trở thành một biểu tượng phổ biến trên các bia đá Công giáo thời đầu. Nó cũng biểu tượng cho một ngọn lửa vũ trụ mà một số người cho rằng đã tạo ra thế giới và cũng sẽ tiêu hủy nó.


Phượng hoàng tái sinh. Ảnh con chim giữa hai hàng cây, với cánh vươn rộng và đầu hướng sang một bên, có lẽ đang thu thập các cành cây để tạo giàn thiêu nhưng cũng có thể có mối liên hệ với Chúa Giê-su trên cây thập tự. (Ảnh: Wikimedia)

Trong truyền thuyết Do Thái, chim phượng hoàng được biết đến là Milcham – một loài chim bất tử trung thành. Ở vườn Địa Đàng, khi Eva sở hữu quả táo tri thức, cô đã dụ dỗ các loài động vật trong vườn ăn trái cấm này. Chim Milcham đã từ chối lời đề nghị của cô. Với lòng tin vào lời dạy của Thượng đế (không được ăn táo tri thức), nó đã được ban tặng một thị trấn nơi nó sống trong bình yên trong gần như vĩnh cửu, sau hàng nghìn năm thì lại tái sinh, Tử Thần không đụng đến nó.

Phượng hoàng cũng là một biểu tượng của giả kim thuật. Nó tượng trưng cho các phản ứng hóa học và chu trình biến đổi màu sắc, tính chất vật thể, và có liên hệ với các bước giả kim thuật trong việc chế tạo Hòn đá phù thủy..

Vào thời hiện đại, người ta đã thêm thắt các chi tiết cho truyền thuyết này trong văn hóa phổ thông như nước mắt Phượng hoàng có quyền năng chữa bệnh, và nếu loài phượng hoàng ở gần ai đó người đó sẽ không thể nói dối.


Nước mắt phượng hoàng Fawkes đang chữa trị vết thương cho Harry Potter trong phim “Harry Potter trong căn phòng bí mật”. (Ảnh: Wikia)

Biến hình và biến hình hết lần này đến lần khác, chim phượng hoàng tượng trưng cho ý tưởng rằng cái kết chỉ là sự khởi đầu. Giống như truyền thuyết này, biểu tượng phượng hoàng sẽ còn tái sinh rất nhiều lần trong trí tưởng tượng và truyền thuyết của nhân loại.

Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origins
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch.

Xem thêm: