Có một phần mềm “Made in Vietnam” mà hàng chục năm nay hầu hết máy tính nào cũng phải cài, đó là Unikey. Đây có lẽ là điều mà không có phần mềm Việt nào khác làm được.
Unikey được biết đến là một phần mềm bộ gõ tiếng Việt ra đời cách đây 25 năm (năm 1994) bởi anh Phạm Kim Long, khi còn là sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, niên khoá 1991-1996. Anh tốt nghiệp loại giỏi từ ngôi trường này trước khi tiếp tục trở thành nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Praha, Cộng hoà Séc từ năm 1997.
Tên gọi ban đầu Unikey là TVNBK, sau này đổi thành LittleVnKey, nhưng lúc bấy giờ chỉ giới hạn dùng cho cá nhân và bạn bè. Khi Microsoft trang bị bộ giải mã ngôn ngữ Unicode cho Windows vào năm 2000, Phạm Kim Long đã dồn hết tâm huyết để hoàn thiện phần mềm của mình. Sau 3 ngày anh đã cho ra mắt phiên bản tương thích Unicode đầu tiên.
Năm 2006, sau khi phát hiện bộ gõ tiếng Việt trên các thiết bị của Apple không ổn, Phạm Kim Long đã tự nguyện “hiến tặng” Unikey cho Apple hoàn toàn miễn phí. Đây là hành động mà bị nhiều người cho là thiếu thông minh bởi anh đã có thể kiếm được rất nhiều tiền từ phần mềm kinh điển này.
Không chỉ vậy, Phạm Kim Long còn gây sốc khi từng muốn công khai mã nguồn của Unikey thành mã nguồn mở để ai cũng có thể sử dụng. Theo tác giả, anh làm vậy đơn giản vì muốn đem đến một phần mềm đáng tin cậy, dễ dùng cho tất cả mọi người khi sử dụng máy tính. Trong khi đó với một phần mềm tương tự là Vietkey thì người dùng phải trả phí, và đa số người dân Việt Nam đều bẻ khoá để sử dụng.
Trên thực tế máy tính và smartphone là hai thị trường hoàn toàn khác biệt. Lấy ví dụ, Intel có thể đứng đầu trong sản xuất chip máy tính nhưng lại thua xa Qualcomm trên chiến trường smartphone. Tương tự, Microsoft có thể là ông vua hệ điều hành máy tính nhưng cũng đành phải ngả mũ trước các đối thủ như Apple, Samsung …
Với bộ gõ trên máy tính và điện thoại cũng vậy. SwiftKey là Một trong những phần mềm hot nhất cho smartphone với nhiều tính năng như nhận diện chữ viết thông qua các đường vẽ. Sau thành công lớn với Unikey, Phạm Kim Long quyết định dấn thân vào lĩnh vực smartphone thông qua một phần mềm có khả năng nhận diện chữ viết từ những nét vẽ. Phần mềm này có thể nhận diện được tiếng Việt và dựa trên nền tảng thói quen sử dụng ngôn ngữ của người Việt để tối ưu hoá gợi ý từ muốn nhập qua nét vẽ.
Hiện anh Phạm Kim Long đang sinh sống tại TPHCM và cũng có thú vui như đa số dân khởi nghiệp ngành công nghệ khác đó là chạy bộ, anh chạy bộ mỗi sáng cuối tuần. Anh hiện đang chủ trì một phòng nghiên cứu và đang chuẩn bị cho ra đời ứng dụng trợ lý ảo đầu tiên của Việt Nam.