Đại Kỷ Nguyên

Các bức ảnh hé lộ biểu tượng bí ẩn trên tượng đá đảo Phục Sinh

Các chi tiết chạm khắc phức tạp được ghi nhận vào năm 2012. Các nhà khảo cổ học tin rằng các hình trang trí là các hình xăm. (Ảnh: Dự án Tượng đá Đảo Phục Sinh)

Tọa lạc ngoài khơi bờ biển phía Tây Chile vào khoảng 3.700 km, Đảo Phục Sinh hay còn gọi là đảo Rapa Nui có một lịch sử độc đáo hiện vẫn còn là điều bí ẩn đối với thế giới.

Vào ngày lễ Phục Sinh năm 1722, nhà thám hiểm người Hà Lan, đô đốc hải quân Jacob Roggeveen đã đặt chân lên một hòn đảo lạ nằm ở phía Nam Thái Bình Dương, từ đó đã khám phá ra một trong những địa danh huyền bí và biệt lập bậc nhất trên thế giới. Đảo Phục Sinh được ra đời sau sự kiện đó, và đến nay đã trở thành điểm đến nổi tiếng của đất nước Chile.

Kể từ khi được phát hiện cho đến nay, cái tên đảo Phục Sinh vẫn luôn là đề tài nóng hổi trong giới khoa học bởi nó sở hữu những điều huyền bí, những lời đồn đại về một nền văn minh đã thất lạc.

Những bức ảnh từ cuộc khai quật các bức tượng biểu tượng của đảo Phục Sinh vào năm 2012 đã tiết lộ mối liên hệ giữa những chiếc đầu nổi tiếng với các thân thể khổng lồ. Không những vậy, các thân thể này còn ẩn chứa những ký hiệu và một số biểu tượng bí ẩn.

Trang web News.com.au đã đưa tin về một loạt các bức ảnh trước đây chưa từng được công bố, trong đó cho thấy nhiều chi tiết hấp dẫn về các bức tượng đá hình người  kỳ lạ được khai quật. Các nhà khảo cổ đã rất ngạc nhiên khi phát hiện thấy những thân thể đá, vốn ngăn cách với sự tàn phá của môi trường khi được vùi sâu trong đất, có trạm khắc các chi tiết cổ, những vòng xoáy tròn và hình lưỡi liềm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng hình lưỡi liềm có thể tượng trưng cho những chiếc xuồng của người dân Polynesia địa phương, mặc dù đây chỉ là một trong những giả thuyết.


Những dấu vết chi tiết rõ nét được trạm khắc trên thân tượng đá. (Ảnh: Dự án tượng Đảo Phục Sinh)

Rapa Nui là những người đầu tiên định cư trên hòn đảo này từ nhiều thế kỷ trước, họ đã dựng lên 887 bức tượng đá khổng lồ đáng kinh ngạc gọi là “Moai”. Tượng đá Moai đã chứng tỏ là một bí ẩn lâu dài với rất nhiều nghi vấn chưa có lời giải: Chúng được xây dựng như thế nào và với mục đích gì? Chúng được được chôn dưới bùn là do chủ định hay do thời gian? Tại sao một số quay mặt ra xa phía biển và hướng vào hòn đảo? Những viên đá nặng như thế được di chuyển xung quanh hòn đảo như thế nào? Vì sao một số bức tượng đội những chiếc mũ đá nặng màu đỏ? Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể trả lời những câu hỏi trên và nhiều hơn nữa thông qua các cuộc điều tra.


Những tượng đá Moai tại Ahu Nau, Bãi biển Anakena, Đảo Phục Sinh. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Giám đốc dự án Tượng đá Đảo Phục Sinh, Tiến sĩ Jo Anne Van Tilburg nhận định: “Lý do mọi người nghĩ rằng những bức tượng này chỉ bao gồm những chiếc đầu đá bởi vì có khoảng 150 bức tượng ở đây bị vùi lấp lên đến vai trên sườn dốc của một ngọn núi lửa. Và đây là những bức tượng nổi tiếng nhất, đẹp nhất và được chụp hình nhiều nhất trong tất cả những bức tượng ở đảo Phục Sinh. Điều này khiến cho mọi người nhầm tưởng rằng chúng chỉ có phần đầu vì họ không thấy được các bức ảnh chụp những bức tượng được khai quật khác”.

Những cuộc khai quật đầu tiên vào năm 1914 đã hé lộ một vài cơ thể của hai pho tượng đá núi lửa khổng lồ, có thể nặng tới 88 tấn và cao đến 10 mét. Hai tay của một số pho tượng đang trong tư thế ôm vòng quanh vùng rốn.

Các học giả phỏng đoán rằng những hình tượng này biểu thị cho tổ tiên hay các nhân vật có vai vế trong bộ lạc. Họ giả thuyết rằng những tảng đá này được khai thác trên đảo, sau đó được chạm khắc và trang trí tại các mỏ đá, rồi cuối cùng được “đi bộ” chầm chậm đến vị trí đặt tượng cuối cùng và đóng vai trò những người bảo vệ con người trước thảm họa.


Quá trình khai quật những bức tượng đá tại Đảo Phục Sinh. (Ảnh: Dự án Tượng đá Đảo Phục Sinh)

Nhà thám hiểm và tác giả David Hatcher Childress đã viết trong một bài báo năm 2013 như sau:

Jean-Michel Schwartz phát biểu trong cuốn sách “Bí ẩn đảo Phục Sinh” năm 1975 của ông rằng những bức tượng không được di chuyển bằng xe lăn gỗ hoặc xe trượt mà bằng cách sử dụng dây thừng quấn quanh tượng, sau đó làm chúng ”đi bộ” bằng cách kéo một bên bức tượng về phía trước và đặt nó xuống, rồi luân phiên kéo bên kia bức tượng về phía trước. Bằng cách này, các bức tượng sẽ có thể bước đi xung quanh đảo.

Sau đó, một kỹ sư cơ khí người Cộng hòa Séc tên là Pavel đã tái tạo phương pháp này cùng với Thor Heyerdahl. Với 20 người đàn ông khác, họ buộc dây thừng xung quanh một bức tượng và nghiêng nó từ bên này sang bên kia trong khi kéo nó về phía trước với sợi dây thừng, một sự thay đổi nhỏ so với phương pháp của Schwartz. Phương pháp này có hiệu quả, nhưng lại cực kỳ chậm chạp. Đây là một giả thuyết thông minh trong đó có đề cập đến truyền thuyết về những bức tượng đi bộ […]

Cơ chế “đi bộ” của bức tượng. (Ảnh: Lipo et al )

Video về cách di chuyển bức tượng bằng sức người:

Đảo Phục Sinh đã được người Polynesia định cư vào khoảng giữa giai đoạn năm 300 và 1200 TCN, sau này họ biết đến là người Rapa Nui. Trong giai đoạn giữa thế kỷ thứ 10 và 16, cộng đồng dân cư của đảo đã phát triển rộng khắp, với các khu định cư được thiết lập gần như dọc theo toàn bộ bờ biển. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, dân số sụt giảm một cách nhanh chóng từ 15.000 người xuống còn khoảng 2.000 người.

Những giả thuyết trước đây lý giải cho sự suy giảm của họ là do kết quả của các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội do suy thoái môi trường: phá rừng dẫn đến xói mòn đất. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy sự xuất hiện của người châu Âu trong những năm 1700, chế độ nô lệ và bệnh đậu mùa, là những yếu tố có lẽ đã hủy hoại dân số của người Rapa Nui.

Các dự án nghiên cứu vẫn đang được triển khai trên hòn đảo thông qua nghiên cứu dẫn đầu bởi các trường Đại học, và Dự án Tượng đảo Phục sinh, cùng với sự hỗ trợ của những người Rapa Nui. Thư viện hình ảnh về những khám phá trên đảo Phục Sinh có thể được tìm thấy tại trang web EISP.org,  cùng với trên trang mạng xã hội Imgur.

.
Tượng đá Moai nổi tiếng của đảo Phục Sinh (Ảnh: BigStockPhoto)

Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origins
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Sử dụng bản dịch của Tinh Hoa net.

Xem thêm:

Exit mobile version