Một loạt các chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo kêu gọi Liên Hợp Quốc cấm phát triển các robot giết người tự động.
Theo tờ Guardian, ông chủ của SpaceX Elon Musk và đồng sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo DeepMind, Mustafa Suleyma của Google dẫn đầu nhóm 116 người từ 26 quốc gia ký thư hối thúc Liên Hợp Quốc (UN) cấm sử dụng vũ khí sát thương tự động nhằm ngăn chặn cuộc cách mạng vũ khí mới.
Thư xuất hiện trong bối cảnh UN đã bỏ phiếu đồng ý bắt đầu các cuộc thảo luận chính thức về vấn đề vũ khí sát thương tự động bao gồm thiết bị bay không người lái, xe tăng và súng máy tự động.
Trong thư, các nhà tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tân tiến này cảnh báo việc chạy đua phát triển vũ khí sát thương tự động có thể dẫn đến cuộc cách mạng vũ khí thứ ba sau thuốc súng và vũ khí hạt nhân. “Vũ khí sát thương tự động khi được phát triển sẽ khiến xung đột vũ trang diễn ra ở quy mô chưa từng thấy với tốc độ vượt xa sức tưởng tượng của con người”.
Theo các chuyên gia, khủng bố có thể dùng loại vũ khí này để sát hại dân thường. Con người cần hành động ngay. “Một khi được mở ra, chiếc hộp Pandora tai ương này sẽ rất khó để đóng lại“, lá thư viết. Công nghệ AI được cảnh báo sẽ đủ khả năng triển khai vũ khí tự động chỉ trong vài năm tới. Musk từng gọi AI là mối đe doạ hiện hữu lớn nhất với loài người.
Toby Walsh, Giáo trí tuệ nhân tạo của Đại học New South Wales, Sydney cho biết: “Gần như mọi công nghệ đều có hai mặt, và trí thông minh nhân tạo cũng không có gì khác biệt. Nó có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề bức xúc hiện nay của xã hội như bất bình đẳng, nghèo đói, những thách thức do biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra. Tuy nhiên, nó cũng có thể được sử dụng để công nghiệp hóa chiến tranh với việc tạo ra những vũ khí giết người thảm khốc. Giờ đây chúng ta cần quyết định chúng ta muốn chọn tương lai nào”
Không phải quốc gia nào cũng đồng thuận với quan điểm của các chuyên gia. Chính phủ Anh năm 2015 phản đối lệnh cấm vũ khí sát thương tự động, cho rằng luật nhân đạo quốc tế đã có quy định phù hợp.
Nhiều loại vũ khí sát thương tự động đã và đang được phát triển hoặc đưa vào sử dụng trên thế giới như pháo SGR-A1 của Hàn Quốc, máy bay không người lái Taranis của Anh hay xe chiến đấu Ural-9 của Nga…
Thư sẽ được đưa ra tại lễ khai mạc Hội nghị Liên kết Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo (IJCAI) ở Melbourne, Australia ngày 21/8. Đây không phải là lần đầu tiên IJCAI, một trong những hội nghị AI hàng đầu thế giới, đã được sử dụng làm nền tảng để thảo luận về các hệ thống vũ khí giết người nguy hiểm. Hai năm trước, một lá thư ngỏ khác của hàng ngàn nhà nghiên cứu về AI và robot, trong đó có Musk và Stephen Hawking cũng đã được đệ trình lên Liên Hiệp Quốc để có những thảo luận nghiêm túc về loại công nghệ phức tạp này.
Hoài Anh
Xem thêm: