Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Trước đây người ta cho rằng không thể làm chậm lại tốc độ của các hạt lượng tử ánh sáng (photon) khi chúng di chuyển qua không khí.
“Tốc độ của ánh sáng trong khoảng không gian trống sẽ luôn cố định – đây là lý thuyết nền tảng của vật lý học hiện đại,” theo bản tóm tắt nghiên cứu được đăng ngày 22/1/2015 trên tạp chí Science. Dù vậy, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Glasgow và trường Đại học Heriot-Watt đã có thể làm chậm lại các hạt photon một vài micromét so với thông thường khi chúng di chuyển trong không gian dài 1 mét.
Các nhà khoa học đã biết rằng các hạt photon có thể bị chậm lại khi chúng di chuyển qua nước, kính, hay các loại chất liệu tương tự. Tuy vậy, có thể làm chậm lại các hạt photon không gặp vật cản thì quả là điều đáng kinh ngạc. Khi nước hay kính làm chậm ánh sáng, nó chỉ có thể làm chậm lại trong khoảng thời gian ánh sáng đi xuyên qua—và một khi đi qua hết và quay lại di chuyển trong không khí, thì ánh sáng sẽ khôi phục lại tốc độ ban đầu.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu cho ánh sáng đi xuyên qua một chất liệu đặc biệt làm ánh sáng duy trì vận tốc giảm này ngay cả sau nó di chuyển trở lại không khí sau thí nghiệm. Ánh sáng đã không khôi phục tốc độ ban đầu.
Loại chất liệu, hay mặt nạ đặc biệt này, là một loại thiết bị tinh thể dạng lỏng được điều khiển bởi phần mềm máy tính.
“Mặt nạ đó tạo khuôn mẫu cho chùm sáng, và chúng tôi cho thấy rằng chính việc tạo khuôn mẫu cho chùm ánh sáng đã làm tốc độ của nó chậm lại,” Giáo sư Miles Padgett thuộc trường Đại học Glasgow trao đổi với kênh BBC. “Nhưng một khi khuôn mẫu đó được áp dụng, thì ngay cả khi ánh sáng không còn ở trong phạm vi của chất liệu – tức tản ra trong không gian tự do, thì tốc độ vẫn giữ nguyên ở mức chậm hơn ban đầu.”
Vật lý lượng tử đã được vận dụng trong việc tạo khuôn mẫu này.
Vật lý lượng tử đã được vận dụng trong việc tạo khuôn mẫu này. Theo cơ học lượng tử, các photon có một tính chất nhị nguyên sóng-hạt. Các hạt photon có thể tồn tại dưới dạng sóng hoặc dạng hạt. Các nhà nghiên cứu thay đổi hình dạng các hạt photon bằng mặt nạ và do vậy đã làm chúng chậm lại.
Họ thiết lập một cuộc đua các photon, theo một báo cáo tin tức của trường Đại học Glasgow. Các hạt photon được tạo khuôn mẫu được ghép cặp với với hạt photon chưa được tạo khuôn mẫu. Các hạt photon được tạo khuôn mẫu sẽ chậm lại khoảng 20 bước sóng trên “quãng đua” 1 mét.
Bởi Tara MacIsaac, Epoch Times
Quý Khải biên dịch