Việc truyền dẫn tín hiệu hay gửi đi một thông điệp nào đó giữa 2 môi trường khác nhau là điều không thể trước đây đối với con người, đặc biệt là trong những môi trường không ổn định như nước hay không khí. Tuy nhiên, giờ đây các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp để giải quyết vấn đề này. 

Như chúng ta đã biết, những hình ảnh trên phim ảnh về một tàu ngầm dưới nước giao tiếp với máy bay trên cao là hoàn toàn không thực tế. Sóng siêu âm phát ra từ tàu ngầm không thể tiếp cận với không khí trên mặt nước và sóng vô tuyến được máy bay sử dụng cũng không thể truyền xuống dưới mặt nước.

Vấn đề này cản trở khả năng liên lạc với các phương tiện dưới nước khiến cho công tác tìm kiếm các tàu, tàu ngầm và máy bay bị đắm gặp nhiều khó khăn. Các tàu ngầm thường phải nổi lên mặt nước để gửi đi các tin nhắn, điều này cũng tạo ra các rủi ro vì sẽ để lộ vị trí của chúng.

Những chiếc tàu ngầm không thể truyền hay nhận tín hiệu trong lòng đại dương nên phải nổi lên để lên mặt nước để gửi tin nhắn. (Ảnh: Engadget)

Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển một hệ thống cho phép các tàu ngầm và máy bay giao tiếp với nhau, mặc dù hiện tại tốc độ truyền dữ liệu vẫn còn chậm và chỉ theo một hướng.

Nhà nghiên cứu cấp cao Fadel Adib chia sẻ: “Ý tưởng của chúng tôi là biến đổi các chướng ngại vật thành một môi trường mà thông qua đó có thể giao tiếp.”

Một hệ thống liên lạc được gọi là Translational acoustic-RF (TARF) sử dụng tín hiệu sóng siêu âm từ loa âm thanh chuẩn để tạo ra những gợn sóng nhỏ trên bề mặt nước, những gợn sóng mà thông thường sẽ không tạo ra được sự chú ý. Những gợn sóng này nhỏ hơn khoảng 100.000 lần so với những gợn sóng đại dương nhỏ nhất.

Kết quả hình ảnh cho Translational acoustic-RF
Hệ thống liên lạc Translational acoustic-RF (TARF). (Ảnh: ExtremeTech)

Nhưng với thiết bị phù hợp, đặc biệt là một radar tần số cực cao mới được các nhà nghiên cứu phát triển – những gợn sóng được tạo ra bởi các tín hiệu âm thanh có thể được nhận biết bởi cách mà chúng can thiệp vào các tín hiệu sóng vô tuyến.

Adib cho biết: “Phản xạ ra-đa sẽ thay đổi đôi chút bất cứ khi nào gặp hình thức dịch chuyển giống như trên mặt nước. Bằng cách chọn những thay đổi nhỏ này, chúng tôi có thể nhận các biến thể tương ứng với tín hiệu sóng siêu âm”.

Những gợn sóng gây ra bởi thiết bị phát sóng âm dưới nước có thể rất, rất nhỏ, nhưng chúng rung động ở tần số cao hơn nhiều (di chuyển nhanh hơn nhiều) so với sóng bình thường. Điều này có nghĩa là chỉ radar mới có thể phát hiện ra chúng bằng cách sử dụng một thuật toán được chế tạo riêng cho chúng.

Trong quá trình thử nghiệm 500 lần trong một bể chứa nước và hai bể bơi, TARF đã chứng minh có khả năng truyền tải một số thông điệp từ nước vào không khí, bao gồm cả một thông điệp: “Dưới nước xin chào”.

Hiện tại, hệ thống mới không thể truyền dữ liệu với tốc độ nhanh – chỉ vài trăm bit mỗi giây, tệ hơn so với modem quay số cũ, nhưng tương đương với các phương thức giao tiếp dưới nước khác.

Kết quả hình ảnh cho Translational acoustic-RF
(Ảnh: GeoGarage blog)

Ngoài ra, TARF chỉ hoạt động trong môi trường nước mà sóng bề mặt nhỏ hơn 16 cm. Tuy nhiên, đó là một bước đột phá quan trọng trong truyền thông giữa môi trường dưới lòng đại dương và trên không. Các nhà nghiên cứu vẫn đang ngày một cải thiện phương pháp của họ.

Video:

Có khả năng, một ngày nào đó kỹ thuật mới có thể cho phép các tàu giám sát dưới nước truyền dữ liệu đến máy bay không người lái cũng như phục vụ công tác tìm kiếm các tàu ngầm hay máy bay bị mất tích. Adib nói: “Hệ thống mới này có thể làm việc trong những ngày lặng gió hoặc có những rối loạn nước nhất định. Nhưng để khiến dự án thực tế hơn, chúng tôi cần chúng làm việc tại bất kể tình hình thời tiết nào.”

Nghiên cứu vẫn chưa được công bố nhưng đang được trình bày tại hội nghị SIGCOMM ở Budapest, Hungary.

Nhật Quang