Đại Kỷ Nguyên

Các nhà khoa học dự định hồi sinh một con virus 30.000 năm tuổi

Virus Mollivirus sibericum đã bị chôn trong lớp băng của Siberia 30.000 năm (Ảnh: Getty Images)

Một con “virus khổng lồ” 30.000 năm tuổi đã được phát hiện trong vùng đất đóng băng của Siberia và hiện các nhà khoa học đang muốn làm nó sống lại. Virus thời tiền sử này được đặt tên là Mollivirus sibericum và các nhà khoa học hiện đang cảnh báo rằng nếu có đủ số lượng các con virus như vậy ẩn giấu trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu, thì chúng sẽ có cơ hội lây lan.

Các nhà khoa học có thể làm hồi sinh virus này nếu họ có thể đảm bảo rằng nó sẽ không gây hại cho bất kỳ sinh vật sống nào. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng thông qua dự án này, họ có thể tìm hiểu thêm về những loài virus ngủ đông cổ đại, phòng khi các cá thể của chúng có cơ hội lây lan trong tự nhiên.


Hai virus – Pithovirus và Mollivirus – được phân tách và xác định trong mẫu đất đóng băng vĩnh cửu có niên đại 30.000 năm tuổi, cùng với hai virus khác được nhìn nhận là “khổng lồ”. Các nhà khoa học phát hiện rằng những virus này vẫn có khả năng lây nhiễm mặc dù đã bị đóng băng trong hàng nhìn năm. (Ảnh: IGS CNRS/AMU)

Được đăng trên tạp chí Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS), nghiên cứu này cho hay: “Việc hai virus khác nhau có thể lưu giữ khả năng lây nhiễm [mặc dù bị kẹt] trong các lớp đất đóng băng vĩnh cửu thời tiền sử là một điều khá quan ngại trong bối cảnh của tình trạng ấm lên toàn cầu. Sự đa dạng của ‘những virus khổng lồ’ là một lĩnh vực vẫn cần được khám phá một cách toàn diện”.

Đội thám hiểm, dẫn đầu bởi Jean-Micheal Claverie và Chantal Abergel từ Đại học Marseille, Pháp, còn phát hiện được một loại virus chưa từng được biết đến trước đó, được đặt tên là Pithovirus sibericum. Đây là phát hiện thứ hai của đội thám hiểm và là loại virus tiền sử thứ tư được tìm thấy kể từ năm 2003.

Mollivirus sibericum đã được xếp vào loại virus “khổng lồ” do nó có thể được nhìn thấy qua kính hiển vi quang học. Theo nghiên cứu, virus này có một cấu trúc di truyền phức tạp với hơn 500 gen; để so sánh, virus cúm chỉ có 8 gen. Virus này đã được phát hiện tại độ sâu 30m dưới bề mặt một lớp trầm tích vào cuối thế địa chất Canh tân (Pleistocene) ở vùng đông bắc nước Nga.

Ông Claverie cho biết: “Nếu gặp phải các vật chủ dễ bị tấn công, chỉ một chút phần tử virus vẫn còn khả năng lây nhiễm là đã đủ để hồi sinh những con virus gây bệnh tiềm tàng”.

Theo tạp chí Địa lý Quốc gia (National Geographic), ngay cả sau khoảng thời gian hơn 30.000 năm nằm trong lớp đất đóng băng vĩnh cửu cổ đại, khi được ông Clavirie và ông Abergel cho tiếp xúc với trùng biến hình a-míp, họ phát hiện thấy virus Pithovirus sibericum này vẫn còn sống và đã nhanh chóng lây nhiễm sang tế bào vật chủ.

“Chúng tôi sử dụng trùng biến hình a-míp như một loại mồi nhử an toàn để bắt những con virus này. Ngay sau đó, chúng tôi xác nhận được rằng những con virus đó không thể lây nhiễm sang các tế bào ở người và động vật”, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

Ông Claverie, nhà sinh học tiến hoá và đồng tác giả của nghiên cứu, đã trao đổi với  hãng tin AFP: “[Các lớp] đất đóng băng vĩnh cửu này bắt nguồn từ các vùng đất chứa nhiều tài nguyên khoáng sản quý giá; việc khám phá khu vực này và các khu vực tương tự sẽ tiếp tục được tiến hành song song với quá trình tan băng và điều này có thể xâm phạm đến bất kỳ mầm bệnh nào chưa được phát hiện”.

Ông Caverie chia sẻ với hãng tin AFP: “Nếu không cẩn thận, và không thiết lập các biện pháp bảo vệ trong quá trình công nghiệp hoá những khu vực này, chúng ta rất có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ làm sống lại các loại virus vào một ngày nào đó, như virus bệnh đậu mùa, mà chúng ta tưởng đã bị trừ sạch”.

Edward Mocarski, giáo sư ngành vi sinh tại Đại học Emory, đã trao đổi với tạp chí Địa lý Quốc gia rằng có rất ít nguy cơ một virus có thể được giải phóng theo cách này và gây bệnh cho con người.

“Ý tưởng này có thể xây dựng một bộ phim hay, nhưng vô cùng ít khả năng xảy ra trên thực tế, trừ phi virus này đến từ một người bị đông cứng có lẽ đã tử vong do nhiễm phải một loại virus không còn hoành hành ngoài xã hội”, ông Mocarski viết trong một email trao đổi với tạp chí Địa lý Quốc gia.

Ông Claverie và ông Abergel cho rằng vấn đề không phải là nó có khả năng xảy ra hay không, vì kịch bản này vẫn mang tính khả thi. Nghiên cứu của họ cho thấy các virus DNA lớn vẫn duy trì khả năng lây nhiễm sau một khoảng thời gian rất dài.

“Việc chúng ta có thể lây nhiễm virus từ một người Nê-an-đec-tan (Neanderthal) đã tuyệt chủng từ lâu là một luận chứng tốt cho thấy quan niệm rằng có thể ‘trừ tận gốc’’ một loài virus nào đó khỏi Trái đất rõ ràng là một điều sai lầm, và gây cho chúng ta một cảm giác an toàn không thực. Ít nhất [chúng ta] cần phải dự trữ vắc-xin, phòng khi cần tới”, theo ông Claverie và ông Abergel, hai tác giả chính của nghiên cứu.

Tác giả: Troy Oakes, Vision Times.
Đọc bài gốc ở đây.
Hoàng Sâm biên dịch

Exit mobile version