Đại Kỷ Nguyên

Các nhà thống kê tiếp cận hiện tượng trùng hợp: Xác suất xảy ra là bao nhiêu? (Phần 2)

(Ảnh: Wikimedia)

Liệu chúng ta có thể ước tính xác suất xảy ra bằng trực giác?

Khi mọi người trải nghiệm các hiện tượng trùng hợp, họ thường nghĩ, “Ồ, điều này thật không tưởng!” Tuy nhiên, một số nhà thống kê cho rằng con người không giỏi trong việc ước tính xác suất xảy ra bằng trực giác. Điều tưởng chừng như không thể, rất có thể lại khả thi trên thực tế.

Chúng ta thường có xu hướng bỏ qua tỷ suất nền (tần suất xảy ra của một hiện tượng trùng hợp). Chúng ta trở nên tập trung vào tính không chắc chắn của sự kiện hiện tại mà thiếu cân nhắc đến tần suất xảy ra của các sự kiện tương tự nó.

Tỷ suất nền cho chúng ta biết khả năng một loại sự kiện nhất định có thể xảy ra, lấy ví dụ, khả năng một người bị sét đánh là bao nhiêu.

Ở Mỹ, theo Cơ quan Khí tượng Quốc gia Hoa Kỳ, khả năng [một người ở Mỹ] bị sét đánh là vào khoảng 1 phần 1,1 triệu. Đó là vì có khoảng 330 người bị sét đánh mỗi năm, trên tổng dân số vào khoảng 300 triệu người của nước Mỹ.

Khả năng [một người ở Mỹ] bị sét đánh là vào khoảng 1 phần 1,1 triệu.

Chúng ta có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Joe Wood đã bị sét đánh chín lần. Thật là một gã xui xẻo! Rồi chúng ta phát hiện rằng anh ta là một nhân viên kiểm lâm. Tỷ suất nền của việc bị sét đánh sẽ gia tăng khi bạn dành phần lớn thời gian ở ngoài trời.

Thông tin mới sẽ làm thay đổi xác suất.

Tầm quan trọng đối với cá nhân của các hiện tượng trùng hợp trong cuộc sống thường ngày có thể ngăn chúng ta cân nhắc đến yếu tố tỷ suất nền. Bởi những sự kiện này hiện đang xảy đến với chúng ta, nên chúng sẽ có một tầm quan trọng lớn hơn. Hiện tượng đó sẽ trở nên đặc biệt hơn, trở nên khó xảy ra hơn.

Xem thêm:

Vậy những trở ngại này của con người trong việc tính toán xác suất (thói quen bỏ qua tỷ suất nền và bài toán về ngày sinh như được thảo luận trong phần 1) có liên quan gì đến các hiện tượng trùng hợp?

Như tôi đã gợi ý trước đây, khi một người cho rằng một hiện tượng trùng hợp nào đó là không tưởng, thì các nhà thống kê tuyên bố rằng người đó đã bị lấp đầy tư tưởng bằng những suy nghĩ về tính bất khả, nhưng thực ra điều đó không quá bất khả đến vậy. Hoá ra những người bình thường như chúng ta có lẽ không quá kém cỏi trong việc đánh giá xem liệu một hiện tượng trùng hợp có phải là ngẫu nhiên hay không.

(Ảnh: Marekuliasz/iStock)

Chúng ta có lẽ không quá kém cỏi trong việc đánh giá xem liệu một hiện tượng trùng hợp có phải là ngẫu nhiên hay không.

Phần lớn chúng ta sẽ gặp phải khó khăn khi thử tính toán xem cần bao nhiêu người trong một căn phòng để xác xuất hai người bất kỳ trong số đó có cùng ngày sinh là bằng 50%. Nghiên cứu trên các sinh viên đại học cũng vấp phải vấn đề tương tự từ đầu bên kia.

Thay vì yêu cầu mọi người xác định tỷ suất nền của một hiện tượng giả định như trong bài toán ngày sinh, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu các sinh viên đánh giá xem liệu các hiện tượng trùng hợp cụ thể có mang tính ngẫu nhiên hay không.

Máy tạo biến cố ngẫu nhiên (random event generator) là một cỗ máy được thiết kế để tạo ra các hiện tượng ngẫu nhiên, ví như hiển thị các mã nhị phân cấu tạo từ hai số 0 và 1 theo một trật tự bất kỳ. Các nhà nghiên cứu cho hiển thị một số hiện tượng ngẫu nhiên, cũng như các hiện tượng không ngẫu nhiên. Đối tượng trắc nghiệm được yêu cầu xác định xem hiện tượng nào là ngẫu nhiên và hiện tượng nào không phải.

Các sinh viên đã lựa chọn khá chính xác. Họ khá giỏi trong việc xác định hiện tượng nào có vẻ là ngẫu nhiên và hiện tượng nào dường như có nguyên nhân đằng sau, tuy rằng họ không biết nguyên nhân đó là gì.

Nếu hiện tượng trùng hợp mang tính ngẫu nhiên, kiểu như “chỉ đơn giản là một sự trùng hợp”, thì chúng ta có thể bỏ qua nó. Tuy nhiên, nếu hiện tượng đó không phải là ngẫu nhiên, thì chúng ta sẽ bắt đầu tìm kiếm các cách giải thích.

(Ảnh: KTSImage/iStock)

Nếu chúng ta mở cửa để ra ngoài và trời bắt đầu mưa, thì đó sẽ “chỉ đơn giản là một sự trùng hợp”. Chúng ta sẽ không tìm thấy một cách giải thích mang tính nhân quả cho mối liên hệ này.

Nếu chúng ta bước ra ngoài và một người hàng xóm chào bạn, thì trong trường hợp này chúng ta thấy có một nguyên nhân cho sự trùng hợp giữa việc bước ra ngoài và lời chào kia.

Nếu một hiện tượng trùng hợp không mang tính ngẫu nhiên rõ rệt hay có thể được giải thích thoả đáng, thì chúng ta sẽ bị bản tính tò mò thôi thúc tìm kiếm một lời giải thích tiềm năng. Đó chỉ đơn giản là bản chất của con người.


Tara MacIsaac, phóng viên báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh, là đồng tác giả bài viết này.

Bài viết này được đăng bản gốc trên trang web của Tiến sĩ Bernard Beitman. Ts. Beitman là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Virginia, Mỹ. Ông nguyên là trưởng khoa tâm thần học tại Đại học Missouri-Columbia.

Trong chuyên mục Khoa học Huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng có thể kích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ để có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả: Bernard D. Beitman, M.D, Psychology Today.
Xem bài gốc ở đây.
Hoàng Sâm biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version