Đại Kỷ Nguyên

Tuyệt kỹ ‘Cú chạm tử thần’ và cái chết bí ẩn của Lý Tiểu Long

Việc Lý Tiểu Long đột ngột qua đời khiến cả Hong Kong choáng váng, liệu cái chết bí ẩn của ông thực sự do bệnh tật hay ẩn phía sau là một âm mưu ám sát tinh vi nào đó?

Ngày 20/7/1973, thế giới chấn động khi hay tin huyền thoại Lý Tiểu Long qua đời đột ngột và kết luận cuối cùng của bác sĩ về nguyên nhân tử vong là “tai nạn bất ngờ” do ông bị phù não. Tuy nhiên, một người võ thuật cao cường như Lý Tiểu Long không thể chết lãng xẹt như vậy, nên kết luận này không thuyết phục người hâm mộ cũng như giới võ thuật. Những người tin vào thuyết âm mưu cho rằng, cái chết của anh có liên quan đến một loại võ công huyền bí có cái tên “Cú chạm tử thần” hay còn gọi là Điểm huyệt.

Người lạ mặt và cái chết bí ẩn của Lý Tiểu Long

Liên quan đến cái chết của Lý Tiểu Long, các nhà khoa học đã lật lại lịch sử và tìm ra một số chi tiết khá trùng hợp và đầy bí ẩn. Năm 1985, tạp chí Black Belt đã đăng bài viết với tiêu đề “Đòn chí mạng Kung Fu” của Jan Hallander, lý giải rằng Lý Tiểu Long là nạn nhân của một cuộc thách đấu với một người đàn ông lạ mặt.

Nhiều người biết rằng, giữa Lý Tiểu Long và những ông trùm trong Khu phố Tàu đã có xích mích từ trước cả khi anh trở thành ngôi sao võ thuật, anh mở võ quán và thu hút rất nhiều người đến học, trong đó không ít là người phương Tây. Có lần Lý Tiểu Long từng phát biểu trước báo giới: “Tôi ngày càng không tin vào những khuôn mẫu cổ điển. Ý tôi là người ta chỉ biết cắm đầu học thuộc những bài quyền mà quên đi cách tự cảm nhận và thể hiện chính mình’. Phát ngôn này khiến không ít võ sư ở Hong Kong và Trung Quốc “nóng mặt” bởi anh gián tiếp chê bai cách dạy của họ.

Lý Tiểu Long chưa từng từ chối bất cứ lời thách đấu nào. Năm 1965, ở tuổi 25, Lý Tiểu Long nhận được lời thách đấu của Wong Jack Man, một thầy dạy Kung-Fu tại khu phố Tàu. Cả hai thỏa thuận nếu Lý Tiểu Long thua, anh sẽ phải hoặc là đóng cửa võ quán của mình hoặc ngưng dạy võ thuật cho người da trắng. Còn nếu Jack thua, ông ta sẽ phải giải nghệ.

Lý Tiểu Long đấu với Wong Jack Man có lẽ là trận đấu nổi tiếng nhất trong lịch sử võ thuật (Ảnh: allthatsinteresting.com)

Wong Jack Man không tin là Lý Tiểu Long dám nhận lời thách đấu nhưng điều làm ông bất ngờ là anh nhận lời ngay. Cuối cùng, Lý Tiểu Long đã ra đòn khiến Wong phải bỏ chạy nhưng đã bị anh túm lại và đánh gục ngay trên võ đài. Đó chỉ là một trong số nhiều vụ mà đối thủ của anh phải “muối mặt” trên võ đài.

Trong khi đang quay Game of Death (Trò chơi tử thần), bộ phim cuối cùng của Lý Tiểu Long, anh đã nhận lời thách đấu của một người đàn ông đứng tuổi lạ mặt hai tuần trước khi qua đời. Đã có khá nhiều nhân chứng được xem cuộc tỉ thí kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ và được cho là khá tàn bạo này.

Lý Tiểu Long trong một cảnh quay Game of Death (Trò chơi tử thần). (Ảnh: Prediksi Togel)

Lý Tiểu Long đã bị đối phương tung một đòn trời giáng vào đầu và bất tỉnh trong chốc lát. Nhiều người tin rằng, anh đã bị trúng “Cú chạm Tử thần” hay còn gọi là Điểm huyệt hẹn giờ chết và người đàn ông cao tuổi ấy là một cao thủ của Hội Tam Hoàng được phái đến để triệt hạ Lý Tiểu Long.

Ngày 16/7/1973, 4 ngày trước khi đột tử, Lý Tiểu Long điện thoại cho người bạn thân là Unicorn Chan và cho biết anh thực sự lo lắng về những cơn đau đầu dữ dội mà anh đang phải chịu đựng. Lý Tử Long không biết rằng, kể từ khi dính đòn đó của người đàn ông lạ mặt, cơ thể của anh bắt đầu dần suy kiệt. Cú đánh âm ỉ phá hủy dần hệ thần kinh và dẫn đến phù não như kết luận của các bác sĩ pháp y đưa ra. Một điều khá trùng hợp là sau khi chết, não của Lý Tiểu Long to hơn người bình thường 175g.

Lý Tiểu Long và người bạn thân Unicorn Chan. (Ảnh: www.pinterest.com)

Theo thuyết âm mưu, cái chết của Lý Tiểu Long là kết quả của một quá trình phản ứng chậm do bị Điểm huyệt hẹn giờ chết từ vài tuần trước khi bị đột quỵ và tử vong do xuất huyết não. Ít ai biết đến Điểm huyệt huyền bí này cho đến khi xảy ra cái chết đầy bí ẩn của Lý Tiểu Long.

Cái chết của Lý Tiểu Long vẫn còn là một bí ẩn (Ảnh: www.pinterest.com)

Điểm huyệt – Tuyệt chiêu bí truyền

Có thể nói, văn hóa Trung Hoa tập trung mọi tinh hoa của nhân loại và ẩn chứa nhiều điều huyền bí, trong đó võ thuật cổ xưa rất thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trong phim kiếm hiệp, các cao thủ chỉ ra một đòn hiểm, một cái phẩy tay cũng có thể lấy mạng đối thủ, hẳn nhiều người cho rằng đó chỉ là hư cấu trong điện ảnh. Nhưng thực tế, có một số thế võ chỉ được các cao nhân truyền lại có lựa chọn cho một số rất ít đệ tử, một trong số đó là “Cú chạm Tử thần”.

Cú chạm Tử thần còn được biết đến dưới nhiều danh xưng ở Trung Quốc như là “Dim mak” hay “Điểm huyệt”. Trong giới võ lâm, người ta gọi nó là Đả huyệt thương địch công (Điểm huyệt hẹn giờ chết). Trong võ thuật Nhật Bản, tuyệt chiêu đánh vào chỗ hiểm yếu được gọi là Nhẫn thuật chết người.

Điểm huyệt được xem như một môn công phu bí thuật rất hiếm người luyện được (Ảnh: www.ebay.in)

Điểm huyệt được xem như một môn công phu bí truyền mà rất hiếm người luyện được, các truyền nhân cũng dần ít đi khiến nó hầu như đã thất truyền. Các nhà nghiên cứu về y học và giải phẫu cơ thể người đã chỉ ra trên toàn bộ thân thể có 108 huyệt nguy hiểm, trong đó có 36 huyệt cực kỳ nguy hiểm nếu đánh trúng có thể gây chết người. Những huyệt này được gọi là “tử huyệt”.

Điểm huyệt có thể giết chết đối thủ ngay tức thì một cách êm ái nhưng lực tàn phá bên trong vô cùng khủng khiếp, thậm chí có thể trì hoãn cái chết sau một thời gian. Tuyệt chiêu này gọi là Điểm huyệt hẹn giờ chết. Nó tưởng chừng vô hại nhưng lại âm ỷ tàn phá cơ thể của đối phương sau vài tuần, thậm chí sau vài tháng và dẫn đến tử vong mà không có biểu hiện báo trước.

Cơ thể người có 36 huyệt cực kỳ nguy hiểm, nếu đánh trúng có thể gây tử vong (Ảnh: buddhafistkungfu.wordpress.com).

Khoa học ngày nay cũng khám phá ra tuyệt kỹ “Một đòn đoạt mạng” này thông qua một hiện tượng y học có tên là Commotio cordis. Commotio cordis là cái chết tức thời vì một cú đánh vào ngực làm gián đoạn nhịp đập của tim và kết quả làm tim ngừng đập ngay cả khi có sự can thiệp của y học.

Khoa học ghi nhận tình trạng này có tỉ lệ tử vong khoảng 65% và nó cũng tương tự như hình thức hoạt động của Điểm huyệt, là làm máu ngừng lưu thông lên não thông qua việc đè lên động mạch cảnh. Kết quả là không chỉ gây bất tỉnh mà còn có thể làm não bị tổn thương. Động mạch cảnh nằm dọc theo cổ nên rất dễ là mục tiêu của những đòn đánh.

Tuy nhiên những bậc thầy sở hữu thế võ công phu này gần như không bao giờ sử dụng đến nó và trải qua nhiều đời, chỉ có một vài đệ tử được các truyền nhân lựa chọn và tin tưởng truyền lại bí kíp này. Đó là lý do tại sao cho tới nay nó vẫn là một phương pháp bí truyền.

Thực tế, nguồn gốc về Điểm huyệt từ xa xưa thường được áp dụng trong y học cổ truyền Trung Hoa, đặc biệt là thuật châm cứu. Trong võ thuật, các ghi chép cho biết Trương Tam Phong, một bậc thầy võ đạo sống ở thế kỷ 12 đã sáng lập ra phái Võ Đang và Thái Cực Quyền là chủ nhân của tuyệt chiêu Điểm huyệt.

Trương Tam Phong, người sáng lập môn phái Võ Đang và Thái Cực Quyền. (Ảnh: pixgallarehd)

Tuy sáng tạo ra đòn đánh hiểm ác ấy nhưng chủ trương trong võ thuật của Trương Tam Phong không phải là luyện công phu quyền cước đơn thuần mà là đặt nặng công phu tu luyện tâm tính. Ông được người đời tôn sùng và ngưỡng mộ bởi lối sống vô cùng khổ hạnh, quanh năm bốn mùa chỉ có một manh áo, một cái nón mê nhưng ông lại cảm thấy vô cùng tự tại và an lạc.

Những cao thủ tự xưng am hiểu Điểm huyệt

Thời đại ngày nay, xuất hiện nhiều võ sư tự xưng là nắm giữ kiến thức về Điểm huyệt và luyện được thành thạo tuyệt chiêu này. Trong số đó có võ sư karate Count Dante, người đem thuật ngữ “Cú chạm tử thần”, “Điểm Huyệt” trở nên phổ biến ở phương Tây.

Count Dante tự nhận là người điểm huyệt giỏi nhất thế giới, từng tham gia vào những trận đấu tử thần bí mật ở Thái Lan, Trung Quốc và từng khiến đối thủ chết gục trước sự chứng kiến của đông đảo khán giả. Count Dante còn phát hành cuốn sách dạy võ và hướng dẫn dạy Điểm huyệt. Cuốn sách nhỏ như ông ta quảng cáo bao gồm hướng dẫn về “Cú chạm Tử thần”, chỉ cần ra đòn bằng đầu ngón tay cũng có thể hạ gục võ sĩ Judo, Karate, Kung Fu, Aikido…. cùng lúc. Cuộc đời Count Dante đầy rẫy những chuyện kỳ dị và bạo lực nhưng đến năm 1975, ông ta đột tử trong lúc ngủ mà nguyên nhân được cho là do xuất huyết nội mạc.

Võ sư karate Count Dante. (Ảnh: The Search for Count Dante)

Oyama Masutatsu là người sáng lập phái Karate Kyokushinkai. Những ai theo dõi môn đấu vật tự do hiện đại (UFC) đều biết cựu vô địch hạng bán trung George St-Pierre từng học hỏi phong cách của ông. Mas Oyama nổi tiếng với khả năng hạ gục một con bò mộng chỉ với một đòn đánh vào mặt. Những năm 1950, Oyama đã thử nghiệm với 52 con bò, 3 con chết ngay lập tức, những con còn lại thì bị văng sừng dù ông chỉ dùng tay không. Trong chuyến thi đấu ở Mỹ năm 1952, ông đã thắng 270 trận thách đấu liên tiếp, phần lớn các đối thủ của ông bị đánh bại chỉ bằng một cú ra đòn và các trận đấu kéo dài chưa tới 3 phút. Ông nổi tiếng với biệt danh “Bàn tay thần sầu” với kỹ thuật “Một đòn đoạt mạng” mà theo tiếng Nhật gọi là Ichi geki Hissatsu.

Oyama Masutatsu – người sáng lập phái Karate Kyokushinkai. (Ảnh: Archive.is)

Erle Montaigue tự nhận là người phương Tây đầu tiên đạt được trạng thái Bậc thầy trong Thái Cực Quyền. Những cuốn sách về Điểm huyệt của ông được bán trên Amazon và ông có hẳn một kênh Youtube riêng dạy võ, trong đó hướng dẫn chi tiết về Điểm huyệt, trong đó chỉ ra cách ra đòn vào một vị trí nào đó trên cổ, sẽ gây sốc cho não và ngay cả khi hô hấp nhân tạo cũng không thể cứu vãn tình thế.

(Ảnh: www.taijiworld.com)

George Dillman – một giảng viên võ thuật người Mỹ từng đăng tải lên trang web của ông nhiều bằng chứng về khả năng “Một đòn đoạt mạng”. Kênh truyền hình khoa học nổi tiếng “National Geographic” (Mỹ) từng thực hiện một loạt phim tài liệu về Dillman với các học trò, lần lượt họ đều đổ sụp chỉ với một đòn đánh của ông vào một điểm tại cánh tay, cổ họng hay vùng ngực. Dillman cho biết, ông có thể hạ gục người cao to nhất thế giới chỉ bằng một ngón tay hay thậm chí có thể hạ knock out một người mà không cần tiếp xúc. Ông từng giành 327 danh hiệu trong vòng 9 năm ở nhiều giải võ thuật. Năm 1997, tạp chí Black Belt bình chọn ông là “Võ sư của năm”. Ông có 150 võ đường khắp toàn cầu với gần 25.000 đệ tử và cho biết đã nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật từ Lý Tiểu Long và Mohammed Ali.

(Ảnh: Scrap Digest)

Trên cơ thể con người có 365 huyệt, trong đó có 108 huyệt lớn và vừa cùng 257 huyệt nhỏ. Trong 108 huyệt đạo lớn, lại chia thành 3 loại là tử huyệt, ma huyệt và sinh huyệt. Tử huyệt là những vị trí yếu hại trên cơ thể con người, khi đánh vào đó thì gây phản ứng ngay tức khắc, có thể dẫn đến tử vong. Ma huyệt là những huyệt khi bị đả hoặc điểm trúng thì đau đớn, tê bại, hoặc bất tỉnh nhân sự nhưng không chết. Còn sinh huyệt là những huyệt cứu sống hay cứu tỉnh khi bị đả hay điểm trúng tử huyệt hay ma huyệt.

Một số yếu huyệt trên cơ thể người. (Ảnh: VoThuat.vn)

Điểm huyệt trong chiến đấu

Thuật điểm huyệt là một tuyệt kĩ vô cùng lợi hại, chỉ cần chạm được tới người địch thủ là làm chủ được trận đấu. Tuy nhiên, trong thực tế, việc sử dụng được thủ pháp này không phải dễ.

Không nói tới việc các đối tượng luôn luôn di chuyển trong trận đấu võ, rất khó để tiếp cận mà điểm huyệt thì bản thân người sử dụng thuật này gặp phải ít nhất 2 rào cản rất lớn. Điểm thứ nhất, muốn điểm được huyệt thì các bộ phận dùng để điểm phải được luyện tập cho thật cứng rắn. Muốn dùng ngón tay điểm huyệt thì ngón tay phải được luyện tập cho cứng như cái dùi sắt mới có thể dùng được.

Trong những trận đấu tốc độ nhanh như thế này, điểm huyệt là điều không tưởng. (Ảnh: mensfitness.com)

Điểm thứ hai là khả năng nhận biết huyệt của người sử dụng thuật điểm huyệt. Một võ gia muốn điểm được huyệt người khác thì trước hết phải làu thông vị trí huyệt đạo. Trước tiên phải học về huyệt đạo rồi tích cực vẽ đồ hình cơ thể và chấm chính xác vị trí các huyệt đạo lên đó. Sau đó phải nhìn qua là chỉ đúng vị trí huyệt đạo trên cơ thể người đứng đối diện thì mới coi là đạt yêu cầu.

Mặc dù vậy trong thực tế chiến đấu, đối phương luôn luôn vận động di chuyển nên rất khó để nhận biết chính xác. Mặc khác theo quan niệm phương Đông, huyệt đạo trong cơ thể người có quan hệ với sự vận động thời tiết của vũ trụ. Nội trong 1 ngày thì sự lưu chuyển khí lực trong cơ thể con người cũng đã thay đổi liên tục. Các huyệt mở đóng tùy từng thời điểm khác nhau. Do vậy có khi có điểm trúng cũng không gây được hiệu quả mong muốn.

Dù cho “Cú chạm tử thần” hay Điểm huyệt có vẻ liên quan khá mật thiết với cái chết của Lý Tiểu Long vì có những chứng cứ khá xác thực nhưng đó vẫn chỉ là một trong số rất nhiều giả thuyết được đưa ra. Vì vậy, cho đến nay người ta vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân đằng sau cái chết bí ẩn này của ngôi sao võ thật Hong Kong.

Sơn Tùng

Exit mobile version